17:46 24/04/2018 Sáng 24-4 (tức ngày 9-3 năm Mậu Tuất), tại cơ sở đúc đồng thị trấn Lâm, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, UBND xã Kiến Thiết cùng Ban Kiến thiết xây dựng đình Đông tổ chức Lễ đúc tượng 2 Thành hoàng làng đình Hai Giáp (đình Đông) thuộc thôn Nam Tử, xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng là: Thiên Quan Hoè Vương (tức Nhữ Phúc Cần) và Nhữ Tướng Công Hộ Bộ Thượng Thư (tức Tiến sĩ Thượng Thư Nhữ Văn Lan- ông ngoại Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm).
Đại đức Thích Quảng Minh- Trưởng Ban trị sự Giáo hội phật giáo huyện Tiên Lãng làm lễ đúc tượng thành hoàng làng Nam Tử
Dự lễ có đại đức Thích Quảng Minh- Trưởng Ban trị sự giáo hội phật giáo Việt Nam huyện Tiên Lãng, đại diện chính quyền xã Kiến Thiết cùng đông đảo con cháu dòng họ Nhữ.
2 bức tượng được các nghệ nhân đúc đồng tại huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định đúc bằng chất liệu đồng đỏ.Tượng có chiều cao 81 phân, ngồi trên ngai rồng với tổng trọng lượng mỗi pho tượng nặng 1,4 tạ đồng.
Dự kiến, sau khi hoàn thành, 2 bức tượng sẽ được rước về chùa Phúc Ân, thị trấn Tiên Lãng và Ban kiến thiết xây dựng đình Đông phối hợp cùng Ban trị sự giáo hội phật giáo huyện Tiên Lãng tổ chức nghi lễ trọng thể rước về đình Đông dưới sự chứng kiến của chính quyền, con cháu họ Nhữ và đông đảo người dân xã Kiến Thiết.
Đại đức Thích Quảng Minh- Trưởng Ban trị sự Giáo hội phật giáo huyện Tiên Lãng làm lễ đúc tượng thành hoàng làng Nam Tử
Tiến sĩ Nhữ Văn Lan (1443-1523), sinh trong một gia đình nhà nho nghèo tại làng An Tử Hạ, Tổng Hán Nam, huyện Tiên Minh, Phủ Nam Sách, Trấn Hải Dương (nay là thôn Nam Tử, xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng, TP. Hải Phòng).
Ngay từ nhỏ, ông nổi tiếng thông minh. Khoa thi năm Quý Mùi, niên hiệu Quang Thuận (1463) đời vua Lê Thánh Tông, ông đỗ Nhị giáp đồng Tiến sĩ, lúc đó ông tròn 20 tuổi.
Ông được biết đến là người mở đầu cho truyền thống hiếu học và đỗ đạt cao của nhân dân huyện Tiên Minh lúc bấy giờ.
Khi làm quan, ông nổi tiếng là vị quan thanh liêm, chính trực, đóng góp nhiều công lao vào sự hưng thịnh của triều Lê và được vua Lê Thánh Tông phong tới chức Thượng thư Bộ hộ.
Năm 1503, ông hồi hưu về quê nhà giúp dân việc học hành, sản xuất nông nghiệp. Khi ông mất, vua Tự Đức triều Nguyễn sắc phong là Thành hoàng làng An Tử Hạ.
Con cháu nội, ngoại ông hầu hết là những người hiển đạt trong đường khoa cử dưới các triều đại phong kiến sau này.
Hậu duệ họ Nhữ của tiến sĩ Nhữ Văn Lan sau di cư về làng Hoạch Trạch, phủ Bình Giang, trấn Hải Dương (nay là xã Thái Học, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương) với nhiều đời nối đường khoa bảng.
Đại đức Thích Quảng Minh- Trưởng Ban trị sự Giáo hội phật giáo huyện Tiên Lãng làm lễ đúc tượng thành hoàng làng Nam Tử
Ông là người có công giáo dưỡng cháu ngoại Văn Đạt (Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm) từ thuở nhỏ, sau trở thành nhà tiên tri, danh nhân văn hóa lớn của đất nước.
Theo các tư liệu còn lưu giữ, Thành hoàng Thiên Quan Hòe Vương (tức Nhữ Phúc Cần) là võ tướng đời Trần có công giúp Vua đánh giặc được người dân tạc tượng phụng thờ tôn làm thành hoàng làng.
Lễ đúc 2 pho tượng Thành hoàng làng thờ tại đình Đông là một trong những hạng mục quan trọng trong việc hoàn thiện Di tích lịch sử đình Đông.
Theo Ban kiến thiết xây dựng đình Đông, thời gian tới ban kiến thiết phối hợp cùng chính quyền xã Kiến Thiết tổ chức xây dựng đền thờ bà Nhữ Thị Thục là con gái của cụ Nhữ Văn Lan (mẹ đẻ của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm) trên khuôn viên di tích.
Sau 3 năm phục dựng từ nguồn xã hội hóa, Di tích đình Đông đã hoàn thành giai đoạn 1 với việc nằm tọa lạc trên diện tích 3.000 m2 với tổng xây dựng các công trình trên 5 tỷ đồng.
TRUNG KIÊN
16:26 06/01/2025
15:01 05/01/2025
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh