16:05 06/09/2019 Trải qua 30 năm khôi phục (1990-2019), lễ hội Chọi trâu truyền thống đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân miền biển Đồ Sơn. Về đây những ngày này, trên khắp các khu phố, nẻo đường, đâu đâu cũng vang lên tiếng trống, tiếng chiêng rộn rã càng làm cho không khí mùa lễ hội thêm phần háo hức, sôi động.
Là 1 trong 3 người có công đầu trong việc phục dựng lễ hội Chọi trâu truyền thống Đồ Sơn, nghệ nhân dân gian Hoàng Đình Phúc, 87 tuổi, ở phường Vạn Hương cho biết, tương truyền từ xa xưa, có một ngư dân ở Đồ Sơn vô tình chứng kiến vị tiên ông say sưa xem cảnh hai trâu chọi vờn nhau trên những ngọn sóng bạc đầu. Từ tích này, người Đồ Sơn tổ chức hội chọi trâu hàng năm, cầu mong trời yên biển lặng, tôm cá đầy khoang. Lễ hội được tổ chức vào thời điểm từ vụ cá Nam sang vụ cá Bắc, đúng lúc ngư nhàn, ít mưa bão.
Trước đây, các đình làng ở Đồ Sơn còn lưu giữ được cả văn tế lễ hội chọi trâu có từ thời Hậu Lê. Sau do thời gian và chiến tranh tàn phá, bản gốc không còn, chỉ còn những bản sao. Căn cứ vào văn tế cùng những câu chuyện được cha ông truyền lại, người Đồ Sơn phục dựng lại các nghi thức tế lễ, tục lệ cũng như cách chọn, chăm sóc trâu.
Cũng như nhiều lễ hội dân gian khác, lễ hội Chọi trâu truyền thống Đồ Sơn gồm 2 phần: lễ và hội đan xen nhau. Phần lễ được tổ chức với nhiều nghi thức thiêng liêng, trang trọng mà mở đầu là tế thần Điểm Tước Đại Vương; tiếp đó là lễ rước nước, kiệu bát cống, long đình cờ thần bay phấp phới, rộn rã trong tiếng nhạc bát âm dẫn trâu đi trình thần hoàng làng.
Ngoài ra, còn có các nghi lễ: dâng hương, thượng cờ; rước nước; lâm trận; tống thần. Các nghi thức này được gìn giữ qua nhiều thế hệ, diễn ra từ ngày 1-8 đến hết ngày 16-8 Âm lịch. Phần hội được tổ chức vào sáng 9-8 Âm lịch với các kháp đấu vô cùng hấp dẫn.
Trước các kháp đấu, hàng chục nam thanh nữ tú múa cờ, đánh trống, hò reo tưng bừng. Sau tiếng loa thông báo, các “ông” trâu được dẫn vào sới chọi. Các “ông” trâu xông vào nhau, dùng sức mạnh để húc, để ghì, để khóa sừng trong tiếng reo hò vang dội đất trời của nhân dân và du khách.
Theo người dân nơi đây, sự dũng cảm, kiên cường của các “ông” trâu trong kháp đấu thể hiện sự can trường, khí phách của người dân Đồ Sơn, những người quanh năm phải đối mặt với sóng, gió để tìm kế mưu sinh. Với mong muốn trâu tham gia lễ hội đạt thành tích cao nhất, nên các chủ trâu không ngại vất vả, thời gian và tiền của lặn lội khắp nơi để chọn được những trâu đẹp, trâu hay. Thậm chí nhiều “ông” trâu tham dự lễ hội chọi trâu còn có nguồn gốc từ Lào, Myanmar, Indonesia, Malaysia…
Tham gia đầy đủ các kỳ lễ hội kể từ khi khôi phục năm 1990 đến nay, gia đình nghệ nhân dân gian Hoàng Gia Bổn từng có 2 “ông” trâu vô địch, 5 lần đoạt giải Nhì và 2 giải Ba. Nghệ nhân dân gian Hoàng Gia Bổn cho biết, để có được “ông” trâu như ý, chủ trâu rất vất vả từ chọn, mua, nuôi đến huấn luyện.
Để có trâu chọi lý tưởng, phải có kinh nghiệm nhận biết những đặc tính quý thể hiện ở khoang cổ, móng, đuôi, xoáy… Tiêu chuẩn chọn người chăm trâu rất khắt khe. Chế độ ăn của trâu chọi khá đặc biệt, ngoài cỏ ngon, trâu được ăn thêm mía, khoai, cám gạo...
Còn theo ông Hoàng Trung Hiếu, Phó Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn, Trưởng ban tổ chức lễ hội Chọi trâu truyền thống Đồ Sơn năm 2019, cho biết, sau khi bị gián đoạn do chiến tranh, 2 lần người dân Đồ Sơn dự kiến khôi phục (vào các năm 1972 và 1975), đều không thành công do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Năm 1990 lễ hội mới chính thức được phục dựng. Từ đó đến nay, lễ hội Chọi trâu truyền thống đã trở thành truyền thống, là sự kiện quan trọng không thể thiếu hàng năm của người dân Đồ Sơn. Với những nét văn hóa đặc sắc, lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn đã được công nhận là 1 trong 15 lễ hội chính cấp quốc gia vào năm 2000. Và đến năm 2012, lễ hội được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Hải Ngân
15:05 08/01/2025
16:26 06/01/2025
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh