09:57 14/11/2021 Tham dự liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021 đang diễn ra từ 5 -16/11, Nhà hát Công an nhân dân đem đến hai vở kịch đặc sắc là “Trái tim thành phố” và “Con đò của mẹ”. Là đơn vị nghệ thuật của ngành Công an, Nhà hát Công an nhân dân trong những năm vừa qua vẫn luôn nỗ lực thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng trong công tác văn hóa nghệ thuật. Phóng viên Chuyên đề An ninh Hải Phòng có cuộc phỏng vấn Thượng tá, NSND Nguyễn Thị Thúy Hiền, Giám đốc Nhà hát Công an nhân dân về câu chuyện bên lề hai vở diễn tham dự liên hoan kịch nói toàn quốc năm nay.
PV: Thưa Thượng tá, NSND Nguyễn Thị Thúy Hiền, đồng chí có thể chia sẻ thêm thông tin về hai vở diễn lần này Nhà Hát Công an nhân dân tham dự tại Liên hoan kịch nói toàn quốc 2021?
Thượng tá, NSND Nguyễn Thị Thúy Hiền: Được sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo Cục Công tác Đảng và Công tác Chính trị, Bộ Công an, Nhà hát Công an nhân dân đến với Liên hoan Kịch nói toàn quốc năm nay với hai vở diễn “Trái tim thành phố” tác giả Minh Nguyệt và vở “Con đò của mẹ” tác giả kịch bản NSƯT Bùi Vũ Minh. Cả hai vở diễn Nhà hát Công an nhân dân mời Đạo diễn NSND Lê Hùng dàn dựng.
Sở dĩ Nhà hát chúng tôi chọn hai vở diễn này vì đã được lãnh đạo Cục Công tác đảng và Công tác Chính trị, Bộ Công an đánh giá có chất lượng nghệ thuật tốt để có thể tham gia Liên hoan Kịch nói toàn quốc lần này. Cả 2 vở diễn đều mang đậm dấu ấn đặc thù công tác công an, nêu bật thành tích chiến công của lực lượng Công an nhân dân trong bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội.
Trong đó, vở diễn “Trái tim thành phố” tham gia đề tài chống tham nhũng phù hợp với quan điểm của Đảng và Nhà nước trong công tác phòng chống tham nhũng, có nội dung ca ngợi chiến công của lực lượng Công an nhân dân, tấm gương người tốt, việc tốt, đề cao vai trò người có trách nhiệm đứng đầu về sự tận tâm với công việc, luôn trăn trở, chia sẻ cuộc sống khó khăn với công nhân lao động, sự dũng cảm trong cuộc đấu tranh không khoan nhượng với tội phạm lợi ích nhóm.
Tham gia vở diễn có các nghệ sĩ: Đăng Hòa (vai ông Tâm); Thu Hà (vai Vợ ông Tâm); Hải Trung (vai Phú); Tiến Việt (vai Thủy); Phương Anh (vai vợ Thủy); Sùng Lãm (vai Thế) Ngọc Thân (vai Khôi); Thanh Mai (vai Trưởng phòng Cảnh sát hình sự); Ngọc Dương (vai Trưởng phòng Cảnh sát PCCC); Mạnh Cường (vai trùm giang hồ): Quốc Lâm (vai Quốc); Văn Tuấn (vai Hưng); Thế anh (vai nhân viên bảo vệ); Thanh Xuân (vai kế toán trưởng) cùng tập thể nghệ sĩ, diễn viên Đoàn Kịch nói, Nhà hát Công an nhân dân.
Vở diễn thứ 2 có tên “Con đò của mẹ”. vở diễn tôn vinh người mẹ Việt Nam anh hùng, ngợi ca sự hy sinh cao cả của một gia đình cách mạng, đặc biệt là sự hy sinh của người vợ, người mẹ trong suốt 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước và trải dài đến tận những năm tháng đất nước thống nhất, hòa bình sau này.
Chuyện kịch xoay quanh một gia đình cách mạng. Người phụ nữ có chồng là một chiến sĩ tình báo, chấp nhận hy sinh hạnh phúc gia đình để hoạt động trong lòng địch. Suốt những năm dài đằng đẵng, người phụ nữ ấy chịu đựng mọi tủi hờn, điều tiếng, nhẫn nhịn nuôi con khôn lớn, trưởng thành. Sau này, người con ấy lại tiếp bước cha rồi hy sinh anh dũng trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc.
Bối cảnh vở diễn trải dài từ thời kỳ kháng chiến chống Pháp đến sau ngày đất nước thống nhất
Tham gia chuyển tải nội dung vở diễn trên sân khấu có các nghệ sĩ: NSƯT Hồng Quân (vai ông Bường), các diễn viên Thanh Mai (vai Thắm), Việt Tùng (vai Quang), Huyền Trang (vai vợ ông Bường), Ngọc Thân (vai Sót), Cao Thu Hiền (vai Nâu), Mạnh Cường (vai Thắng – tiểu đoàn trưởng), Ngọc Dương (vai Trạo), Trần Tuấn (vai Ngọc) cùng tập thể diễn viên Đoàn Kịch của Nhà hát Công an nhân dân.
Chúng tôi hy vọng rằng, hai vở diễn này sẽ góp mặt làm nên thành công của Liên hoan kịch nói toàn quốc lần này.
PV: Nhà hát Công an nhân dân đã đầu tư cho hai vở diễn tham dự Liên hoan kịch nói toàn quốc lần này như thế nào, thưa đồng chí?
Thượng tá, NSND Nguyễn Thị Thúy Hiền: Mỗi khi có liên hoan, hội diễn là một dịp các nghệ sĩ có thể gặp gỡ nhau, trao đổi về nghề nghiệp và có thể giới thiệu được những sản phẩm của đơn vị mình. Liên hoan kịch nói toàn quốc năm nay cũng là một dịp để các nghệ sĩ, diễn viên chia sẻ những kinh nghiệm trong quá trình lao động nghệ thuật.
Khi tham gia Liên hoan kịch nói toàn quốc 2021 chúng tôi luôn phải đưa đi những sản phẩm tốt nhất mà đơn vị mình có. Những sản phẩm đó chúng tôi cũng phải làm hết sức trau chuốt, cầu kì và đó là nỗ lực rất nhiều của cả một tập thể anh chị em nghệ sĩ, diễn viên Đoàn Kịch nói của Nhà hát Công an nhân dân. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 việc tập luyện rất khó khăn, nhưng các thành viên đều rất cố gắng, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để tạo nên sự thành công chung của vở diễn.
PV: Đến hẹn lại lên, 3 năm được tổ chức một lần, theo đồng chí đánh giá Liên hoan Kịch nói toàn quốc đem lại hiệu quả gì cho các đơn vị nghệ thuật khi tham gia Liên hoan?
Thượng tá, NSND Nguyễn Thị Thúy Hiền Như tôi đã nhắc đến ở trên, đây là dịp rất may mắn và vui mừng khi các nghệ sĩ được gặp gỡ nhau và trao đổi về nghề nghiệp. Đơn vị mình có thể còn thiếu cái gì, cần phải bồi đắp cái gì có thể trao đổi với đơn vị bạn. Qua đó chúng ta cũng có thể xem sản phẩm của đơn vị bạn để đúc rút kinh nghiệm, giúp đơn vị mình tốt hơn.
Khi tổ chức một liên hoan như thế này, các đơn vị đương nhiên sẽ đầu tư vào các sản phẩm nghệ thuật của mình. Vô hình chung khán giả cũng được thụ hưởng những sản phẩm đó. Đây là chiều hướng tích cực cho các Đoàn khi tham gia Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021 lần này.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Thượng tá, NSND Nguyễn Thị Thúy Hiền
VŨ DUYÊN (thực hiện)
16:26 06/01/2025
15:01 05/01/2025
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh