15:01 01/11/2018 Tối 10-10, tại Hà Nội, Ban Tổ chức Liên hoan múa rối quốc tế lần thứ V đã trao giải cho những tác phẩm xuất sắc nhất, trong đó vở rối cạn “Cây đàn kỳ diệu” của Đoàn nghệ thuật múa rối Hải Phòng đã vinh dự đoạt Huy chương Bạc. Là tác phẩm rối cạn duy nhất, song lại được giải cao, ít ai biết rằng “Cây đàn kỳ diệu” là tiếng lòng của một thầy giáo đam mê sáng tác, gửi gắm vào tác phẩm tình yêu quê hương của mình và mong muốn lưu giữ hồn dân tộc trong các nhạc cụ truyền thống…
Vở “Cây đàn kỳ diệu” đoạt Huy chương Bạc Liên hoan múa rối quốc tế lần thứ V
Người thầy giáo với kịch bản lưu giữ hồn dân tộc
Vở múa rối “Cây đàn kỳ diệu” được dựng từ kịch bản “Nhạc sỹ Sơn Ca” của một thầy giáo nổi tiếng người Hải Phòng. Ông là cố nhạc sỹ Hà Giang (tên thật là Phạm Tiến Giang), sinh năm 1937, quê ở phường Bắc Hà, quận Kiến An. Nói về cố nhạc sỹ Hà Giang - người cha, đã khuất sớm do bệnh tật, song luôn là niềm tự hào trong tim các con và học trò của ông tại thành phố Cảng, con trai trưởng của nhạc sỹ - Chủ tịch UBND quận Lê Chân Phạm Tiến Du cho biết, hình ảnh người cha trong ký ức là luôn đam mê sáng tác, rất lạc quan ngay cả khi nằm trên giường bệnh.
Sinh thời, người thầy giáo tài hoa ấy của Trường Cao đẳng Sư phạm 10+3, nay là Trường Đại học Hải Phòng, ngoài công việc giảng dạy lúc nào cũng cháy bỏng với sự nghiệp âm nhạc. Ông được kết nạp vào Hội Nhạc sỹ Việt Nam vào những năm 70 của thế kỷ trước.
Trong mấy chục năm công tác dưới mái trường, ông luôn được các giảng viên, học sinh hết sức kính trọng bởi niềm say mê vô bờ với sự nghiệp trồng người. Nhà rất nghèo, chỉ mỗi chiếc xe đạp cọc cạch, lại mắc bệnh nặng phải đại phẫu tới 7 lần, thầy Hà Giang với cây phong cầm lúc nào cũng lạc quan, yêu đời, yêu nghề.
Trên giường bệnh, ông vẫn bay bổng với những giai điệu dành cho lứa tuổi học trò. Có lẽ, chính những thời khắc nghiệt ngã ấy đã giúp người nhạc sỹ cho ra đời những tác phẩm hay về mái trường thân yêu, về tình thày trò, về thành phố Cảng.
Đó là những tác phẩm: “Ai nâng cánh ước mơ cho em”, “Biết ơn thầy cô giáo”… và hàng trăm ca khúc khác còn được gia đình lưu giữ đến ngày hôm nay. Khác với hoàn cảnh sống nghiệt ngã của tác giả, những tác phẩm này lại mang vẻ đẹp trong trẻo, tinh thần lạc quan. Chỉ có điều, những giai điệu tuyệt vời ấy cứ đi vào lòng người, trở nên quen thuộc với các thế hệ học trò cho đến ngày hôm nay mà chẳng mấy người biết được tác giả là ai…
Chủ tịch UBND quận Lê Chân Phạm Tiến Du luôn nâng niu lưu giữ bản viết tay của cha mình sao lại những tác phẩm, cũng như những lời tâm huyết của tác giả. Tất cả được cấu trúc như một tuyển tập chờ xuất bản song còn dang dở, chưa đến được với công chúng.
Cuốn sách có phần ngả vàng và rất lạ là chứa những tác phẩm thuộc đủ mọi thể loại: thơ ca, nhạc, kịch, rối… vẫn luôn tươi mới những âm hưởng thời đại mà vở rối “Nhạc sỹ Sơn Ca” là một minh chứng rõ nét. Có lẽ, việc tác giả của "Ai nâng cánh ước mơ cho em" đưa vấn đề đương đại vào múa rối, một môn nghệ thuật truyền thống là một bất ngờ lớn đối với công chúng không chỉ ở thành phố Cảng.
“Cách đây gần 30 năm, tôi có đọc một câu chuyện cổ tích của Mông Cổ có tên là “Nhạc sỹ Đam Đin”. Câu chuyện rất ngắn và đơn giản. Từ ngày bước vào hoạt động nghệ thuật giảng dạy âm nhạc, tôi nhớ lại và kể cho học sinh nghe. Mỗi lần kể là một lần thêm bớt và ngày càng hoàn chỉnh. Giờ đây, câu chuyện “Nhạc sỹ Sơn Ca” là phương tiện tốt nhất để giáo dục lòng yêu âm nhạc, về giá trị của âm nhạc đối với cuộc sống.
Tôi viết dưới hình thức kịch bản múa rối vì hy vọng, với loại hình này có thể thể hiện được đầy đủ mọi yếu tố thần thoại và nâng cao chủ đề tư tưởng. “Nhạc sỹ Sơn Ca” là lòng say mê nghề nghiệp của tôi, là khát vọng, là ước mơ về tình yêu, về hạnh phúc, về lòng quyết tâm vươn tới đỉnh cao nghệ thuật của tôi”, cố nhạc sỹ Hà Giang chia sẻ về thông điệp ông gửi gắm trong tác phẩm “Nhạc sỹ Sơn Ca”.
Ông viết tác phẩm này từ hè năm 1981 và hoàn thành vào tháng 8-1982 khi đang nằm trên giường bệnh tại Viện quân y 203. Đau đáu trong lòng người nhạc sỹ là khát vọng vươn tới đỉnh cao, mong muốn khơi lên ngọn lửa nghề, lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống về âm nhạc truyền thống… Trong “Nhạc sỹ Sơn Ca”, những hình tượng thân thuộc với tâm thức Việt được tác giả sáng tạo, nhân hóa lên trở thành một cốt truyện thú vị, nhiều “đất diễn”, như: chàng nhạc sỹ Sơn Ca, cô công chúa con vua Thủy tề, rồi binh tôm, tướng cá, cuộc sống dưới Long cung… đậm màu sắc thần thoại, song cũng hết sức bình dị, gần gũi với những câu chuyện cổ tích của bà, của mẹ kể …
Từ mái trường thân yêu đến “đấu trường” quốc tế
Khoảng trước Tết Nguyên đán Mậu Tuất, trong khi đang tìm một kịch bản mới để chuẩn bị cho các cuộc thi sẽ diễn ra vào năm sau, NSUT Thế Ban, Trưởng đoàn nghệ thuật múa rối Hải Phòng tình cờ đọc được tác phẩm “Nhạc sỹ Sơn Ca” của cố nhạc sỹ Hà Giang và “mê luôn”. Có lẽ “cái tứ” đam mê, cháy hết mình chìm sâu trong tác phẩm, cùng với sự sáng tạo, nhân cách hóa “mượt”, không gợn sự gượng gạo của “Nhạc sỹ Sơn Ca” đã thực sự là một sự chọn lựa chính xác không thể hơn thế cho tác phẩm mới.
Với một vở nhiều “đất diễn” như vậy, NSUT Thế Ban và đạo diễn, NSND Nguyễn Tiến Dũng đã dựng thành vở rối cạn “Cây đàn kỳ diệu” đã với một số thay đổi, song vẫn vẹn nguyên khát vọng của người nhạc sỹ yêu nghề. “Chúng tôi đã chọn cây đàn nhị, một nhạc cụ truyền thống của dân tộc để đưa vào vở diễn. Thông qua đó, làm đậm nét hơn thông điệp trong vở diễn về khát vọng lưu giữ hồn dân tộc”, NSUT Thế Ban cho hay.
Câu chuyện “tối giản”: Một chàng trai, con một gia đình làng chài, nhưng lại yêu cây đàn nhị. Đam mê của anh không được bố anh chấp nhận, bắt anh phải chăm lo vào việc đi biển, đánh cá; nhưng chàng trai lúc nào cũng mơ tưởng đến cây đàn. Nhiều lần, ông bố trong cơn giận đã ném cây đàn của con đi. Lúc bị ném lên trời, giữa chín tầng mây, cây đàn làm cho chim chóc, mây bay yêu thích. Lúc bị ném xuống biển, các đàn cá, rong rêu, những con sứa, con ốc biển… cũng phải mê say, vui mừng đón nhận, chơi những bản nhạc dưới lòng biển. Và, dù cho bị ném đi bao nhiêu lần, rơi ở trên trời hay dưới biển thì cây đàn cuối cùng vẫn lại trở về tay chàng trai như một định mệnh. Khi chàng tấu lên khúc nhạc đã làm cho người cha sau cùng nhận ra được tài năng của con, thừa nhận và ủng hộ anh theo đuổi niềm đam mê…
Cái đặc sắc của “Cây đàn kỳ diệu”, bên cạnh sự dàn dựng công phu của đạo diễn, NSND Nguyễn Tiến Dũng, âm nhạc của Nhạc sỹ, NSUT Hạnh Nhân, tạo hình sân khấu của Họa sỹ Ngô Thắng và các nghệ sỹ, diễn viên đã dày công tập luyện thì then chốt nhất chính là một kịch bản hay, giàu ý nghĩa, qua đó giáo dục các thế hệ hôm nay về tình yêu âm nhạc nói riêng, văn hóa dân tộc nói chung, cũng như khát vọng, đam mê nghề nghiệp…
Tháng 10-2018, vở diễn mới này đã được Đoàn nghệ thuật múa rối Hải Phòng đem đến dự thi tại Liên hoan múa rối quốc tế lần thứ V tổ chức tại Hà Nội. Liên hoan thu hút sự tham gia của 7 đoàn nghệ thuật đến từ các quốc gia, châu lục và 4 đơn vị nghệ thuật múa rối chuyên nghiệp trong nước. Chung cuộc, vở rối cạn “Cây đàn kỳ diệu” của Đoàn nghệ thuật múa rối Hải Phòng đã nhận được Huy chương Bạc, vai diễn anh Đàn - chàng trai yêu nhạc nhận Huy chương Vàng, nhân vật cô Đào (người yêu anh Đàn), ông bố, bà mẹ và nhóm múa tiên cá (9 người) đều được nhận Huy chương Bạc và một Huy chương Bạc toàn đoàn đã khẳng định thành công của vở diễn “Cây đàn kỳ diệu” trên đấu trường quốc tế...
HẢI HẬU
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh