15:03 13/12/2019 Theo thông tin kinh tế của thành phố, tính đến tháng 11, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,61% so với cùng kỳ năm trước, tăng 3,86% so với tháng 12-2018, tuy nhiên nếu trừ đi chỉ số tăng tới 0,95% trong tháng 11, thì chỉ số giá tiêu dùng tăng không đáng kể. Đi vào chi tiết cho thấy, thực trạng thị trường đang bị phân hóa, khi các nhóm hàng hóa cơ sở có chỉ số tăng giảm giá ngược chiều, tiềm ẩn những nguy cơ biến động tiêu cực.
Mưu sinh của người lao động tự do đang chịu áp lực không nhỏ
Nhận diện thị trường hàng tiêu dùng
Những số liệu thống kê nêu trên là kết quả tổng hợp từ nhiều nhóm hàng, trong đó có những nhóm chiếm tỷ trọng lớn nhưng vì tính vĩ mô nên không tác động trực tiếp đến đời sống thường ngày của người tiêu dùng.
Nên trong bài viết này, tác giả chỉ dựa vào số liệu so sánh những mặt hàng thiết yếu, liên quan đến việc cân đối chi tiêu từ nguồn thu nhập thực tế. Bao gồm thực phẩm, hàng điện tử gia dụng, quần áo, vật liệu xây dựng, năng lượng… và một số mặt hàng có ảnh hưởng lớn khác trên thị trường thành phố.
Ví dụ đầu tiên là thực phẩm tươi sống, báo cáo thống kê cho thấy nhóm hàng này trong tháng 11 vừa qua tăng 3,96%. Trong đó ngoài rau xanh khó so sánh vì hai thời điểm đầu năm và hiện tại tính chất mùa vụ khác nhau, dẫn đến sản phẩm khác nhau, hơn nữa mức tăng giảm trong khoảng vài chục phần trăm là điều thường xuyên diễn ra đối với mặt hàng này.
Còn các loại thịt giết mổ có diễn biến theo giai đoạn tương đối rõ nét, ví dụ cũng theo kết quả báo cáo, thì mặt hàng thịt lợn đã tăng 18,46%.
Còn theo cách tính đơn giản, thì số liệu thực tế cao hơn rất nhiều, chẳng hạn giá thịt lợn bình quân của quý 1-2019 là 100 nghìn đồng/kg, còn hiện tại là 150 nghìn đồng/kg, như vậy mức tăng giữa hai thời điểm đã là 30%.
Chưa kể giá lợn hơi đã tăng gần hai lần, tính giữa khung giá đỉnh và đáy của năm 2019. Cụ thể vào thời điểm dịch tả lợn châu Phi bùng phát hồi tháng 2, giá lợn hơi từ 38 nghìn đồng đến 42 nghìn đồng/kg, còn hiện tại lợn hơi đang ở mức trên 70 nghìn đồng/kg
Đối với thực phẩm công nghệ, hồi đầu quý 2 có một đợt tăng bình quân khoảng 5%, chủ yếu do các siêu thị điều chỉnh theo thông lệ khi vào vụ du lịch nhu cầu tăng. Nhưng khác với mọi năm, khi hết mùa du lịch hệ thống các siêu thị thường phối hợp với các nhà sản xuất, nhà cung cấp, tiến hành giảm giá, thông qua các chương trình khuyến mại.
Nhưng năm nay diễn biến có phần khác, do tác động tăng của thị trường thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến không giảm mà tiếp tục được điều chỉnh tăng.
Nếu như nhóm hàng “tiêu” có diễn biến như trên, thì nhóm hàng “dùng” như điện tử, điện máy và đồ gia dụng khác rất ít biến động, vì các nhóm sản phẩm này có giá trị sử dụng lâu, đôi khi sự thay thế chỉ thuộc về tâm lý. Dù cũng có một số điều chỉnh tăng đối với các sản phẩm mới, nhưng khảo sát giá của một số mặt hàng tiêu biểu như ti vi, tủ lạnh, máy giặt, nồi cơm điện, máy tính, điện thoại… thì giá nhóm này hiện tại giảm so với quý 1 khoảng 5%.
Tất nhiên, ngoài việc tiêu thụ kém, một trong những nguyên nhân khiến nhóm hàng gia dụng khó tăng vì sản xuất lệ thuộc nhiều vào linh kiện, nguyên liệu nhập khẩu, trong khi giá ngoại tệ rất mặc dù có biến động nhưng ảnh hưởng không lớn.
Nhóm hàng khác cũng thuộc diện ổn định là vật liệu xây dựng. Về điều kiện tiêu thụ, thời điểm này và quý 1 có thời tiết tương thích vì là đầu và cuối mùa khô (mùa xây dựng). Nhưng ngoài sắt thép, xi măng giá do Nhà nước tham gia điều chỉnh, còn các loại vật liệu khác như gạch cát, gốm sứ đều có xu hướng giảm nhẹ.
Dồn lực để bình ổn hàng hóa dịp tết Nguyên đán Canh Tý
Nhìn về cuối năm
Tính theo thời gian, chỉ còn hơn nửa tháng nữa là kết thúc năm 2019, tương tự chỉ còn gần hai tháng nữa là bước sang năm mới Canh Tý 2020. Mặc dù không khí thị trường tết chưa hiển hiện, nhưng thực tế đã được khởi động từ cách đây hàng tháng.
Đó là những giao dịch liên quan đến việc khảo sát, cân đối cung cầu và mua bán tích trữ quy mô lớn những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, chuẩn bị cho điểm “rơi” của thị trường tết Nguyên đán.
Trở lại với chỉ số giá tiêu dùng CPI, theo lý thuyết chỉ số CPI phản ánh mức độ lạm phát hoặc ngược lại, được tính trên cơ sở lưu thông của hơn 200 danh mục hàng hóa tiêu dùng và dịch vụ.
Như vậy, trong khi một số nhóm nằm trong tình trạng giảm phát, nhưng chỉ riêng nhóm thực phẩm tăng cao đã góp phần đẩy CPI tăng lên rõ nét. Đây là nỗi lo rất lớn cho thị trường, khi mà thời điểm cuối năm, thực phẩm là một trong những nhóm hàng thiết yếu nhất.
Mặt khác, so sánh chung thì toàn bộ các mặt hàng năng lượng như điện, nước, gas, xăng dầu… đều đang ở mức cao, riêng xăng dầu và gas gần đây tiếp tục được điều chỉnh tăng. Cần phải thấy rằng, sự cộng hưởng của những mặt hàng này đang chiếm tỷ lệ rất lớn trong chi phí sinh hoạt của người dân.
Ở một diễn biến khác, thời gian qua giá vàng có đợt tăng rất mạnh, từ mức bình quân 3,6 triệu đồng/chỉ đã tăng có lúc lên đến 4,2 triệu đồng/chỉ, những ngày gần đây tăng giảm không nhiều những mặt hàng vàng đang ngự ở mức giá cao, bình quân 4,14 triệu đồng/chỉ.
Dù không ảnh hưởng nhiều đến việc chi tiêu, nhưng với bản chất truyền thống của vàng là thước đo giá trị và phương tiện thanh toán, thì việc giá vàng tăng có tác động rất lớn về tâm lý đối với người tiêu dùng. Còn nữa, loại hàng hóa khác ảnh hưởng rất mạnh mà ít được tính toán chính là sức lao động, đưa mặt bằng lạm phát tăng cao qua các dịch vụ xã hội.
Cụ thể thời gian qua một loạt chi phí tăng khiến nhiều người méo mặt như các dịch vụ giáo dục, y tế, nhà trọ, ăn uống…
Trong khuôn khổ một bài viết, khó mà chi tiết được từng nhóm mặt hàng đang được chọn làm cơ sở cho việc tính chỉ số CPI trên thị trường.
Nhưng có một điều rất đáng quan tâm, dù chỉ số lạm phát bình quân 2,39%/tháng của năm 2019 được coi là không đáng kể, nhưng nó lại được tính bình quân trên hai kênh lạm và giảm phát diễn biến riêng biệt, phản ánh thực trạng của một nền sản xuất và lưu thông chưa hẳn tích cực, với sự tách biệt ngày càng rõ thay cho sự hòa nhập của thị trường hiện đại.
Nên con số lạm phát có chậm, chỉ số tăng trưởng vẫn được thể hiện, nhưng chưa phải là điều khả quan cho thời gian tới, nhất là thị trường dịp tết Canh Tý 2020.
Hoàng Minh
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về dịch vụ nổ mìn
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết