Loay hoay kinh phí xóa điểm đen về TNGT

00:22 31/10/2014

   

 

 

Nút giao thông Lê Thánh Tông - Đà Nẵng không có vạch sơn phân làn đường

Nhiều “cung đường đen”, “điểm đen” chờ xử lý

Từ năm 2010, cơ quan chức năng của thành phố đã tiến hành rà soát đường, cầu cống, công trình giao thông đường bộ trên địa bàn. Qua đó đã xác định 30 điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc, đó là những “điểm đen” và “cung đường đen” về TNGT. Trong đó, đoạn QL10 nằm trên địa bàn thành phố, do trung ương quản lý, được xem là tuyến có nhiều điểm “nóng” về tình hình TNGT. Cụ thể, với chiều dài 51,6km đi qua 6 quận, huyện, trên tuyến xuất hiện tới 14 “điểm đen” về TNGT.

Theo cơ quan quản lý thì một trong những nguyên nhân xuất hiện nhiều “điểm đen” là do tồn tại quá nhiều điểm giao cắt đồng mức với các tuyến đường liên tỉnh, liên huyện, thậm chí là đường liên thôn xóm. Trong đó, nhiều đoạn mặt đường nhỏ hẹp, cong cua, nhà dân bám sát ven đường như đoạn chợ Tổng; ngã ba Đông Sơn, ngã tư Thiên Hương (Thuỷ Nguyên); các điểm giao cắt với tỉnh lộ 302 (chợ Kênh), điểm giao với đường 304 và 360 (ngã tư Quang Thanh, huyện An Lão); ngã tư Hoà Bình, xã Tiên Cường (huyện Tiên Lãng); giao với QL37 tại thị trấn Vĩnh Bảo (huyện Vĩnh Bảo).

Bên cạnh đó, công tác quản lý duy tu đoạn QL10 thuộc địa bàn Hải Phòng chưa được quan tâm đúng mức về sơn kẻ, lắp đặt biển báo, giải quyết các hố lún sụt, mối nối kỹ thuật giữa cầu và đường… Chẳng hạn, trên QL10 nhiều đoạn trên tuyến vạch chỉ đường bị mờ, thiếu hệ thống báo hiệu, không có hệ thống đèn chiếu sáng về đêm, làm giảm khả năng quan sát của người tham gia giao thông.

Trên bề mặt cầu Kiền, mối nối kỹ thuật giữa đường và thân cầu Quý Cao, Tiên Cựu liên tục bị xô, tụt chưa được hoàn trả. Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông trên tuyến QL10 sẽ rất khó xử lý tình huống khi bất ngờ bị vấp phải những lỗi kỹ thuật này. Trong khi đó, tiến độ giải quyết các “điểm đen” trên tuyến QL5, QL10 còn chậm trễ vì các tuyến đường đó đều do trung ương đầu tư, quản lý, duy tu, không thuộc chức năng của địa phương.

Còn ở trong khu vực nội thành, theo Công ty cổ phần đô thị Hải Phòng, trong số 201 tuyến đường phố (với chiều dài hơn 150km) thuộc 4 quận trung tâm do đơn vị quản lý có nhiều tuyến đã xuống cấp khá nghiêm trọng, không đảm bảo TTATGT. Nguyên nhân, do kinh phí đầu tư cho công tác quản lý duy tu hạn hẹp, không đáp ứng yêu cầu tối thiểu.

Trong khi đó, hầu hết các tuyến đường nội thành đều liên quan đến vận tải hàng hoá phục vụ cảng biển, lưu lượng phương tiện cao, tải trọng lớn. Tình trạng chung là mặt đường bị lún, xuất hiện hố sụt dạng “ổ gà”, “hố voi”, trong khi đó biện pháp khắc phục thì chỉ là gắn vá tạm bợ.

Theo đề xuất thì một số tuyến đường đã xuống cấp nghiêm trọng rất cần cải tạo. Điển hình là tuyến đường Hùng Vương (đường 5 cũ) từ cầu đường bộ Tam Bạc - cầu vượt Quán Toan với chiều dài 6,6km đi qua các phường Sở Dầu, Hùng Vương, Quán Toan, dọc hai bên đường Hà Nội tập trung nhiều doanh nghiệp lớn, bến cảng, nhà máy thép, khu sản xuất công nghiệp nặng; đồng thời đóng vai trò là một trong 2 nhánh trục đường Hải Phòng - Hà Nội . Theo tính toán, mỗi ngày, trên tuyến có hàng nghìn lượt xe ô-tô qua lại. Tuy nhiên, từ tháng 3-2006, đường Hà Nội được bàn giao từ Tổng cục Đường bộ Việt Nam về thành phố quản lý.

Đến nay, đường Hà Nội đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng chưa một lần được nâng cấp duy tu một cách quy mô. Hay như các tuyến Lê Lai đoạn từ ngõ 106 đến ngã ba đường Ngô Quyền (phần còn lại mới được nâng cấp từ tháng 7-2012), đường Bạch Đằng cũng đã xuống cấp nặng, rất cần được nâng cấp cải tạo. Trước mắt là sơn kẻ phân làn đường vì nơi đây từng xảy ra những vụ TNGT chết người do không có vạch sơn, lái xe chủ quan lấn đường.

Loay hoay kinh phí

Theo Phòng Kế hoạch - Tổng hợp, Sở Giao thông vận tải, nguyên nhân chậm khắc phục bất cập hạ tầng giao thông, xóa “điểm đen” TNGT chủ yếu là khó khăn nguồn kinh phí đầu tư.

Sơn kẻ phân làn giao thông trên đường Tôn Đức Thắng
Sơn kẻ phân làn giao thông trên đường Tôn Đức Thắng

Từ năm 2013 đến nay, nguồn tiền dành cho công tác này chủ yếu lấy từ phí sử dụng đường bộ. Theo kế hoạch, năm 2014, thành phố dự kiến thu hơn 41 tỷ đồng phí sử dụng đường bộ đối với mô tô, xe gắn máy. Tuy nhiên, đến hết quý 3/2014, mới chỉ thu được hơn 9,85 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 27,7% kế hoạch dự thu (năm 2013 thu hơn 18 tỷ đồng).

Vì vậy thành phố tập trung xử lý các tuyến đường trọng điểm, phức tạp như việc điều chỉnh, tổ chức lại làn đường trên các tuyến đường Lê Hồng Phong, Phạm Văn Đồng, hoặc khắc phục bất cập hạ tầng giao thông, đảm bảo ATGT tại một số nút giao thông trọng điểm và ngoại thành như thị trấn An Lão; thị trấn An Dương, đường 351 đoạn thuộc huyện Thủy Nguyên… nhằm hạn chế TNGT.

Việc cải tạo những “điểm đen” khác vẫn chưa thể thực hiện được vì thiếu vốn, trong đó có khu vực gốc đa trên đường 208 (thôn Vĩnh Khê, xã An Đồng, huyện An Dương), nơi từng xảy ra 3 vụ TNGT nghiêm trọng; đoạn đường 352 gần khu vực chợ Thanh Lãng và cây xăng Quang Thanh; đường 359 gần đường vào xã Tân Dương và khu công nghiệp VSIP; Quốc lộ 10 tại km 26+900, km27+100 thuộc xã Bắc Sơn và khu vực gần cầu Trạm Bạc thuộc xã Lê Lợi, huyện An Dương. Điều đó không chỉ ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân mà còn tiềm ẩn nguy cơ TNGT.

Đoàn Lanh


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông