15:42 09/10/2021 Liên tục trong mấy tháng trở lại đây, giữ vòng xoáy của đại dịch Covid-19, thị trường hàng hóa nói chung và thị trường thực phẩm nói riêng phải đối mặt với muôn vàn khó khăn thách thức. Tuy nhiên, cùng thời điểm này, thị trường lại chứng kiến sự giảm giá sâu và liên tục của mặt hàng lợn thịt, đây là tín hiệu rất đáng mừng, bởi mặt hàng thịt lợn đã trải qua thời gian dài biến động, trở thành đề tài mang tính thời sự của thị trường cả nước.
Nguồn tái tạo đàn tốt sẽ giúp thị trường lợn thịt đảm bảo ổn định
Hành trình 5 năm đầy biến động
Nhìn lại thời gian 5 năm qua, kể từ năm 2016, giá lợn hơi trên địa bàn Hải Phòng xuất phát điểm ở mức bình quân 42.000 đồng/kg, giá thịt lọc bình quân 80.000 đồng/kg, tình hình cung – cầu tương đối ổn định.
Tuy nhiên bắt đầu vào dịp tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, giá lợn thịt bắt đầu giảm mạnh, đây có thể coi là hiện tượng lạ, bởi thịt lợn là một trong những mặt hàng vốn dĩ luôn tăng giá trong dịp tết truyền thống.
Trong suốt cả năm 2017, giá lợn thịt liên tục lao dốc, có thời điểm giảm tới 25% chỉ trong vòng một tuần, thực sự trở thành nỗi khủng khiếp đối với người chăn nuôi, khi đầu tư càng lớn, thất bại càng thảm hại. Trên địa bàn Hải Phòng, thời điểm “thủng đáy”, giá lợn hơi chỉ ở mức 15.000 đồng/kg, còn giá thịt có lúc xuống tiệm cận trên dưới 30.000 đồng/kg.
Giá lợn thịt lao dốc làm xáo trộn thị trường, khiến nhiều mặt hàng thực phẩm cũng bị lao đao theo, dù thời điểm đó Hải Phòng cũng như cả nước đã có phong trào “giải cứu” thịt lợn, nhưng hiệu quả cũng không mấy tích cực.
Bước sang năm 2018, khi nguồn lợn thịt trong nước bắt đầu cạn, nhiều chủ trang trại, gia trại hoặc đuối sức, hoặc choáng váng chưa kịp hoàn hồn để nghĩ đến chuyện tái đầu tư, thì giá lợn thịt bất ngờ quay đầu tăng, tốc độ “leo thang” cũng không kém khi “lao dốc”.
Nỗi buồn mang tên lợn thịt vẫn tiếp diễn, bởi theo quy luật cung cầu, khi mất cân đối nghiêm trọng thì hậu quả không thể khắc phục trong một sớm, một chiều. Hơn nữa, sau mỗi lần nguồn lực chăn nuôi gặp “vấn đề”, có người nản không muốn đầu tư, có người lại muốn đầu cơ, nhưng “điểm rơi” của thị trường rất khó dự báo, rủi ro cũng rất dễ xảy ra.
Sau 3 năm khủng hoảng 2017, 2018, 2019, người chăn nuôi cũng như người tiêu dùng cả nước đặt nhiều kỳ vọng vào năm tiếp theo. Những tưởng nỗ lực cộng hưởng trong việc tái tạo đàn lợn sẽ đưa nhóm mặt hàng thực phẩm thiết yếu trở lại quỹ đạo bình ổn.
Nhưng dịch bệnh đã như dầu đổ lửa, khiến thị trường lợn thịt ngày càng chìm sâu vào khủng hoảng. Trước hết là đợt dịch tả châu Phi hoành hành ở Việt Nam năm 2019 không chỉ khiến người chăn nuôi bị thiệt hại trực tiếp, gây khó khăn cho nguồn cung thực phẩm của thị trường, mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến việc tái tạo nguồn lực bổ sung.
Tiếp đó, từ 2020 đến nay, dịch Covid-19 xuất hiện và bùng phát trên diện rộng, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, ảnh hưởng trực tiếp đến lưu thông nguồn nguyên liệu, nguồn giống phục vụ chăn nuôi, đồng thời cũng ảnh hưởng đến phạm vi trao đổi, tiêu thụ hàng hóa giữa các vùng miền, ngỡ tưởng lợn thịt đã khó càng thêm khó.
Giá thịt lợn bán lẻ giảm mạnh trong những tháng qua
Góc sáng của thị trường thực phẩm
Trong khoảng 3 tháng trở lại đây, thị trường lợn thịt đã hạ nhiệt đáng kể, riêng tại Hải Phòng, giá lợn thịt giảm bình quân khoảng 35.000 đồng/kg so với mức bình quân của những tháng đầu năm.
Đây là dấu hiệu hết sức tích cực, là góc sáng của thị trường thời dịch bệnh, hướng tới chấm dứt đợt khủng hoảng giá lợn thịt kéo dài nhất từ trước đến nay.
Trước thời điểm này, như đã nói ở trên, giá bình quân của lợn thịt các loại tại thị trường Hải Phòng ở mức khá cao. Ở lúc đỉnh điểm giá lợn hơi đã lên tới 110.000 đồng/kg (cao gấp 8 lần so với giá đáy năm 2017), giá lợn thịt lên tới 180.000 đồng/kg (cao gấp 6 lần so với giá đáy năm 2017). Đây là hậu quả của tình trạng khan hiếm nguồn cung do tác động kép giữa các đợt dịch tả châu Phi, dịch Covid-19, đứt gãy tuyến cung ứng và một số tác động khác gây ra.
Có thể nói, chưa có khi nào giá lợn thịt lại thu hút nhiều sự quan tâm của cộng đồng nói chung và người tiêu dùng nói riêng như thời gian qua. Chi phí thịt lợn tăng khiến nhiều gia đình phải lựa chọn thực phẩm khác thay thế, nhưng đó cũng chỉ là giải pháp tình thế, vì thịt lợn là món ăn truyền thống quá phổ biến.
Đợt khủng hoảng giá lợn thịt cũng làm đau đầu các nhà quản lý, khi có khá nhiều giải pháp được đề xuất nhưng không mang lại hiệu quả.
Dưới sự điều hành trực tiếp của Chính phủ, cùng với tăng cường tái tạo đàn lợn, Việt Nam đã nhập khẩu liền lúc cả thịt đông lạnh và lợn sống, lợn giống, dù giải pháp này cũng gặp khó vì diễn ra đúng thời điểm bùng phát đại dịch Covid-19.
Nhưng rõ ràng những giải pháp này đã mang lại hiệu quả khá tích cực, sau nhiều nỗ lực từ các chính sách cũng như quá trình vận động của thị trường, thời gian qua thị trường lợn thịt đã từng bước được thiết lập trật tự trở lại.
Đáng chú ý, theo báo cáo thống kê của Hải Phòng, hiện tổng đàn lợn toàn thành phố đạt 144,4 nghìn con, tăng 67,91% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy điểm sáng đã phát lộ, tạo thế ổn định cho cung cầu thị trường.
Khảo sát trên địa bàn thành phố Hải Phòng cho thấy, giá lợn hơi đã giảm bình quân 30.000 đồng/kg so bình quân đầu năm, với mức bán hiện từ 65.000 đồng/kg trở xuống; giá lợn “móc hàm” bình quân 80.000 đồng/kg, giá thịt lọc ở mức bình quân 120.000 đồng/kg.
Tại một số cơ sở tư nhân, giá thịt đông lạnh cũng giảm xuống mức 100.000 đồng/kg, chủ yếu là hàng nhập khẩu từ Nga và Ba Lan. Theo đà tích cực này, nếu dịch bệnh các loại được kiểm soát, việc tái tạo đàn lợn tiếp tục được đẩy mạnh, kết hợp nguồn nhập khẩu tiếp diễn, thì rất có thể trong thời gian tới thị trường sẽ “cắt” dứt điểm mạch khủng hoảng của lợn thịt.
Vấn đề đặt ra là việc quy hoạch chăn nuôi, điều tra thị trường cần phải có những quyết sách kết nối bền vững và phải được nghiêm túc thực hiện. Cho thấy vai trò của các ngành quản lý, nhất là ngành Nông nghiệp và Công thương là hết sức quan trọng.
Đặc biệt là chọn thời điểm “rơi” của giá cũng như điểm “chuẩn” cân đối cung – cầu, để vừa bảo đảm lợi ích của nhà sản xuất, nhà kinh doanh cũng như của người tiêu dùng, quan trọng hơn là tránh một đợt khủng hoảng mới tái hiện, nhất là thời gian tới khi thị trường đã tiếp cận dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Lê Minh Thắng
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về dịch vụ nổ mìn
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết