10:56 06/12/2022 Một chiều chủ nhật tại đình Dư Hàng, phường Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân, chúng tôi tình cờ chứng kiến một lớp học thư pháp Hán - Nôm hết sức độc đáo, thú vị. Học viên trẻ có, già có. Còn người thầy đứng trên bục giảng là kỷ lục gia Việt Nam, nhà thư pháp nổi tiếng Lê Thiên Lý - một người nặng lòng vì thư pháp Việt.
Thầy Lê Thiên Lý sinh ra và lớn lên trên quê hương Hợp Đức, huyện Kiến Thụy (nay là phường Hợp Đức, quận Đồ Sơn) – mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, yêu nước, cách mạng. Tới mãi tuổi 50 của cuộc đời, một cơ duyên mới đưa thầy đến với thư pháp Hán – Nôm để rồi nhận ra, đây chính là truyền thống, một nét văn hóa đẹp từ rất lâu đời của cha ông ta. Thư pháp Hán - Nôm theo thầy chính là chiếc cầu nối với giá trị truyền thống; là tiếng tự tình đầy chất thơ của quá khứ với hiện tại… Từ đó, thầy Lý dành hết cả tâm huyết nghiên cứu, miệt mài học và tập viết thư pháp. Không dừng lại ở 5 thể truyền thống là: khải, hành, thảo, lệ, triệu; để tiếp thu một cách không thụ động, thầy đã trăn trở và sáng tạo thêm ra kiểu thể hiện thư pháp mới là: “Nhân diện thư” và “Vật điểu thư” (các con chữ được thể hiện thành khuôn hình mặt người, hình vật, hình các loài chim…).
Với sự đam mê, lòng kiên trì, tiên sinh đã ví mình như một con chim chích ngày đêm miệt mài nghiên cứu, dần vươn lên, vươn cao và đạt được những thành tựu rất đáng tự hào như ngày hôm nay. 2012 bức thư pháp chữ "Phượng", 1000 chữ "Long" trên chiếc đĩa gốm Chu Đậu cùng với những tác phẩm khác chứa đựng tâm huyết, trí tuệ, công sức của thầy là những kỷ vật quý, vô cùng độc đáo. Tất cả như được kết tinh thành những mảnh vàng óng ánh trong “Làng thư pháp”, dần tỏa sáng không chỉ ở thành phố Hải Phòng mà còn lan tỏa ra khắp nhiều địa phương trong cả nước và các quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Cũng với tình yêu, sự trăn trở phải làm gì hữu ích cho quê hương, làm gì để “con chữ thánh hiền” kia được truyền từ đời này sang đời khác nên đã ngoài độ tuổi gần “thất thập, cổ lai hy”, tiên sinh Lê Thiên Lý vẫn hết lòng truyền thụ nét đẹp văn hóa lâu đời của dân tộc ta cho thế hệ hôm nay.
Thầy cho hay đã tổ chức nhiều lớp thư pháp Hán - Nôm ở nhiều địa phương trong thành phố, trong đó có đình Dư Hàng. Các lớp học này thầy đều không thu học phí; nắng mưa không quản; gần, xa chẳng sờn lòng, ngày ngày dành tâm huyết cho các trò.
Học viên đến với thầy cũng rất đa dạng, với các lứa tuổi khác nhau và ở nhiều tỉnh, thành phố tìm về. Song hết thảy đều chung một niềm đam mê chữ thánh hiền, đam mê thư pháp. Bởi lẽ đó mà mỗi chiều Chủ nhật, dưới mái đình Dư Hàng thờ Đức Vương Ngô Quyền tại phường Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân, người dân địa phương không khó để bắt gặp những gương mặt, ánh mắt sáng lên sự say mê của các học trò Lý tiên sinh tụ về đây. Những con chữ thánh hiền, những nét đẹp của thư pháp Việt được họ chắt chiu, miệt mài học tập, tiếp thu …
Xuyên suốt các khóa học, người thầy hết lòng vì thư pháp Việt ấy đã truyền thụ cho các học viên những kiến thức căn bản về chữ Hán, chữ Nôm; 214 bộ thủ, 110 khẩu quyết chữ Hán; cách cầm bút, 47 nét viết và 10 cách thể hiện chữ Hán đẹp; cách bố cục, trình bày một bức thư pháp, nhất là môn “Nhân diện thư” và “Vật điểu thư”, rồi cách viết thư pháp tiếng Việt ngày nay, cách làm câu đối… Ngoài truyền thụ những kiến thức, thầy còn miệt mài nghiên cứu, soạn giáo án từ tất cả các tài liệu cổ kim để hướng dẫn một cách hiệu quả nhất, chia sẻ về những điều hay, lẽ phải trong cuộc sống cho các trò. Hiểu được tâm tư của người thầy, có học viên đã ở lại theo học đến 5-6 khóa để nâng cao kiến thức, khả năng thực hành viết thư pháp, trau dồi thêm niềm đam mê của mình.
Lại nữa, quá trình tham gia lớp thư pháp còn là cơ hội để các học viên được đi thực tế tại các chùa, đình, miếu, di tích lịch sử văn hóa như: Khu Tưởng niệm vương triều Nhà Mạc (Kiến Thụy), Văn miếu Xuân La (Kiến Thụy), chùa Phúc Thắng (Tiên Lãng), Đền thờ Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (Vĩnh Bảo), Đài thiên văn (Phù Liễn, Kiến An), Văn miếu Mao Điền, đền thờ Chu Văn An, di tích Côn Sơn, Kiếp Bạc (Hải Dương)… nhằm bổ sung thêm những hiểu biết về tinh hoa văn hóa của cha ông; để mỗi học viên thấy được trách nhiệm của mình trong học tập, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa dân tộc. Đã có nhiều học viên có khả năng được mời tham gia lễ hội khai bút, giao lưu thư pháp ở nhiều cơ quan, địa phương, tặng chữ ở nhiều lễ hội, khu di tích vào dịp đầu năm. Đó cũng là dịp để học lý thuyết đi đôi với vận dụng vào thực tế, nhất là đối với Hán - Nôm là chữ tượng hình, học đã khó nhớ, khó viết và để viết đẹp chữa Hán, chữ Nôm là không hề dễ, mà cần ở người học tính kiên trì, nhẫn lại để tiếp thu văn hóa cha ông.
Không phụ công lao dạy dỗ của thầy, đến nay 18 khóa học Hán - Nôm và thư pháp cơ bản do thầy Lê Thiên Lý tổ chức với gần 500 học viên đã trở thành gần 500 đôi cánh chim bay đi mang theo “hồn Việt”, “văn hóa Việt” đến nhiều miền quê của đất nước.
TÚ QUYÊN
15:05 08/01/2025
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh