20:05 04/05/2023 Là một bộ phận quan trọng của CAND Việt Nam, được tôi luyện từ thực tiễn và vượt qua bao cam go, thử thách, 65 năm qua (10-5-1958 * 10-5-2023), lực lượng An ninh chính trị nội bộ (ANCTNB) đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh về mọi mặt; lập nhiều chiến công xuất sắc, phục vụ đắc lực sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chặng đường 65 năm đầy tự hào
Ngày 16-2-1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Sắc lệnh số 141 thành lập Thứ Bộ Công an. Trong đó, lực lượng Bảo vệ nội bộ trực thuộc Vụ Bảo vệ chính trị do đồng chí Ngô Ngọc Du làm Vụ trưởng.
Đến giữa năm 1956, theo yêu cầu nhiệm vụ, lực lượng này phát triển thành 4 Phòng vẫn thuộc Vụ Bảo vệ chính trị do đồng chí Lê Quốc Thân làm Giám đốc. Ngày 10-5-1958, tại Tờ trình số 521-V8/1 của Bộ Công an, Trung ương quyết định tách lực lượng Bảo vệ nội bộ ra khỏi Vụ Bảo vệ chính trị thành Vụ Bảo vệ cơ quan do đồng chí Nguyễn Quang Việt làm Vụ trưởng.
Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đánh dấu sự ra đời chính thức của lực lượng ANCTNB. Cũng từ đây, ngày 10-5 hằng năm được lấy làm Ngày truyền thống của lực lượng.
Trong mỗi giai đoạn lịch sử, lực lượng ANCTNB lại có mô hình tổ chức với các tên gọi khác nhau như: Cục Bảo vệ nội bộ (1963), Cục Bảo vệ cơ quan và văn hoá (1967), Cục An ninh kinh tế, văn hoá tư tưởng (1981)…
Ngày 6-8-2018, thực hiện Nghị định số 01/2018/NĐ-CP của Chính phủ, Cục ANCTNB chính thức được kiện toàn trên cơ sở hợp nhất 2 Cục: ANCTNB và Cục An ninh văn hóa, thông tin, truyền thông với cơ cấu tổ chức gồm 9 Phòng. Ở thời điểm này, Phòng ANCTNB cũng được thành lập tại Công an các tỉnh, thành phố góp phần thống nhất toàn lực lượng từ Trung ương đến địa phương.
Cơ quan Thường trực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Đã tròn 6,5 thập kỷ kể từ ngày được thành lập, lớp lớp thế hệ CBCS lực lượng ANCTNB luôn không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, đoàn kết, mưu trí, sáng tạo; vượt mọi khó khăn, thách thức; tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, Đảng và Nhân dân và lập nên biết bao thành tích, chiến công xuất sắc trong sự nghiệp bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ.
Trước hết, phải kể đến những đóng góp nổi bật của lực lượng trong việc tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành các kế sách mang tính chiến lược trong quản lý nhà nước trên lĩnh vực ANCTNB.
Theo đó, nhiều năm qua, nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của các cấp, các đơn vị, toàn lực lượng ANCTNB đã đề xuất Đảng, Nhà nước ban hành hàng loạt văn bản liên quan đến công tác bảo vệ chính trị nội bộ; kiên quyết trấn áp phản cách mạng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, nhất là đã chủ trì, tham gia xây dựng, sửa đổi hàng trăm văn bản pháp luật liên quan.
Trong đó, nổi bật là Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước (BVBMNN) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua khóa X năm 2000 và Luật Bảo vệ bí mật nhà nước (Luật số 29/2028/QH14, ngày 15-11-2018) thông qua tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV.
Không chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ, chức năng quản lý nhà nước về ANQG, BVBMNN trên các lĩnh vực được phân công, toàn lực lượng còn trực tiếp làm nhiệm vụ bảo vệ ANCTNB; phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh chống nội gián; chống các biểu hiện suy thoái, “tự diễn biển”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, hoàn thành xuất sắc trọng trách là cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo của Bộ Công an trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Chống gián điệp, nội gián
Trên một bình diện khác, lực lượng ANCTNB còn đóng vai trò nòng cốt, xung kích trong bảo vệ ANQG; bảo vệ Đảng, Chính phủ cũng như toàn diện công cuộc bảo vệ xây dựng Tổ quốc XHCN.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, lực lượng ANCTNB đã phối hợp với các đơn vị trong và ngoài ngành phát hiện, điều tra, khám phá nhiều vụ án; bắt giữ nhiều đối tượng gián điệp Pháp móc nổi với bọn tay sai, chỉ điểm, phá hoại kháng chiến. Trong số đó có những tên nội giản nguy hiểm chui sâu vào nội bộ các cơ quan chính quyền, đơn vị quân đội...
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, miền Bắc tiến hành xây dựng CNXH, lực lượng ANCTNB tiếp tục tham mưu cho Đảng, Chính phủ chỉ đạo đấu tranh quyết liệt, vô hiệu hóa các quan điểm tư tưởng hữu khuynh, xét lại tác động vào nội bộ hòng chia rẽ sự đoàn kết, làm thay đổi đường lối của Đảng, thay đổi thể chế chính trị cũng như trấn áp bọn phản cách mạng hình thành các tổ chức chính trị phản động; phá tan âm mưu lôi kéo, mua chuộc, kích động nhiều thành phần trong xã hội tham gia hoạt động chống chính quyền nhân dân...
Chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam
Cũng trong giai đoạn này, lực lượng ANCTNB đã cử nhiều lượt cán bộ vượt Trường Sơn vào chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam. Trong 15 năm (1960-1975), Cục ANCTNB đã tăng cường cho An ninh miền Nam 7 đoàn gồm 15 cán bộ. Nhiều đồng chí đã trưởng thành trong chiến đấu, giữ những cương vị chủ chốt.
Trong số đó có 3 đồng chí đã anh dũng hi sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đó là Liệt sỹ Lê Văn Ngân (tức Sáu Ân), Phó Tiểu ban Bảo vệ chính trị Ban An ninh tỉnh Mỹ Tho; Liệt sỹ Tạ Hồng Sơn (tức Ba Long), Thị uỷ viên, Phó trưởng Công an TP Mỹ Tho; Liệt sỹ Huỳnh Sắc Kim (tức Ba Huỳnh, Huỳnh Lào), công tác tại Ty Công an tỉnh Quảng Đà.
Đặc biệt, sau ngày đất nước về một mối, thực hiện nghiêm các Chỉ thị của Ban Bí thư (khoá III), Nghị quyết Đại hội IV của Đảng và nhất là sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 17/CT- BNV ngày 21-7-1977 của Bộ Nội vụ về phòng chống nội gián, lực lượng ANCTNB đã khai thác hàng vạn hồ sơ địch để lại; thẩm tra xác minh, kết luận và đề xuất xử lý hàng trăm đối tượng cũng như dựng lại các tổ chức của địch chuyên đánh nội gián để rút ra các âm mưu, phương thức thủ đoạn thâm độc của địch.
Qua đó, lực lượng đã phát hiện nhiều hồ sơ, tài liệu giả địch dùng để vô hiệu hóa cán bộ ta và minh oan cho nhiều đồng chí, đồng thời hướng dẫn và trực tiếp nghiên cứu hồ sơ, xác định hàng trăm đối tượng là mật báo viên cũ của địch còn trong nội bộ, đề xuất biện pháp xử lý kịp thời.
Với những thành tích, chiến công xuất sắc, lực lượng ANCTNB được Đảng, Nhà nước và nhân dân đánh giá cao, và vinh dự được tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý, góp phần tô thắm thêm truyền thống anh hùng vẻ vang của lực lượng CAND Việt Nam.
Khánh Chi (Lược ghi theo tài liệu của Cục An ninh chính trị nội bộ)