Lý do Nga muốn Thổ Nhĩ Kỳ trở thành trung tâm khí đốt cho châu Âu

17:02 06/11/2022

Theo trang tin Trtworld.com ngày 4/11, Nga từ lâu đã tìm cách xây dựng các tuyến đường khí đốt thay thế như Thổ Nhĩ Kỳ để cung cấp năng lượng cho các nước phương Tây và giảm phụ thuộc vào các tuyến đường ống của châu Âu.

Vào cuối tháng 9, các vụ nổ bí ẩn đã làm hỏng đường ống Nord Stream 1 và 2, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng lực hoạt động của đường ống chở khí đốt của Nga đến Đức. Đối với nhiều nhà phân tích, vụ việc đánh dấu một bước ngoặt trong quan hệ năng lượng Nga - châu Âu trong bối cảnh xung đột Ukraine đang căng thẳng.

Các bên đổ lỗi cho nhau về hệ thống đường ống ở Biển Baltic đi qua khu vực gần lãnh hải của Đan Mạch và Thụy Điển. Một cuộc điều tra của Đan Mạch đã kết luận rằng vụ việc là kết quả của một vụ phá hoại mà không nêu tên bất kỳ ai. Trong khi Nga cáo buộc có sự liên quan của Mỹ, vụ việc nhấn mạnh sự cần thiết của Moskva trong việc tìm các tuyến đường thay thế và vượt qua lãnh hải châu Âu.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (giữa) dự lễ khánh thành đường ống dẫn khí "TurkStream" ngày 8/1/2020 tại Istanbul .

"Nếu Thổ Nhĩ Kỳ và những người mua tiềm năng của chúng tôi ở các quốc gia khác quan tâm, chúng tôi có thể xem xét xây dựng một hệ thống đường ống dẫn khí đốt khác và thiết lập một trung tâm khí đốt ở Thổ Nhĩ Kỳ để bán cho các nước thứ ba, đặc biệt là các nước châu Âu, tất nhiên nếu họ quan tâm đến điều này", Tổng thống Nga Vladimir Putin nói trong một cuộc họp khu vực ở Kazakhstan ngày 13/10.

Đề xuất của ông Putin được đưa ra trong cuộc gặp với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, người đã đề nghị đóng vai trò hòa giải giữa Moskva và Kiev nhằm chấm dứt xung đột ở Ukraine. Ankara đã phản ứng tích cực với đề xuất của Tổng thống Putin về trung tâm khí đốt. Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận được lượng khí đốt đáng kể từ Nga thông qua một số đường ống có tên là "TurkStream" và "Blue Stream" đi qua Biển Đen.

Yasar Sari, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Á-Âu Haydar Aliyev thuộc Đại học Ibn Haldun, cho biết thời điểm này là không thể tốt hơn để thực hiện ý tưởng về một trung tâm khí đốt Thổ Nhĩ Kỳ.

Một mặt, châu Âu đang quay cuồng trong cuộc khủng hoảng khí đốt. Người tiêu dùng đã bị ảnh hưởng bởi giá cao và các chính trị gia lo lắng về việc đảm bảo đủ nguồn cung cho mùa Đông sắp tới. Mặt khác, Nga cần tìm một con đường mới để đưa khí đốt của mình đến tay người tiêu dùng châu Âu sau cuộc tấn công nhằm vào các đường ống Nord Stream.

“Sau khi Nord Stream bị tấn công, Nga cần phải chuyển hướng tuyến đường cung cấp khí đốt của mình cho châu Âu và để làm được điều đó, Thổ Nhĩ Kỳ có thể là lựa chọn hợp lý nhất cho Moskva”, một nguồn tin từ Bộ năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ nói trong điều kiện giấu tên.  

Nguồn tin trên nêu rõ: “Ngoài việc hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ như một trung tâm khí đốt, Nga chủ yếu cần các tuyến đường thay thế và khách hàng mới sau các lệnh trừng phạt từ phương Tây và vụ nổ đường ống".

Sự phụ thuộc của Thổ Nhĩ Kỳ vào khí đốt của Nga đã giảm đáng kể sau khi đa dạng hóa thành công nguồn khí đốt trong hai thập kỷ qua. Trong khi Nga cung cấp hơn 60% khí đốt cho Thổ Nhĩ Kỳ trong những năm 1990, thị phần của nước này đã giảm xuống còn khoảng 40% trong những năm gần đây do Ankara đang mua khí đốt tự nhiên từ nhiều nguồn như Azerbaijan, Iran và Iraq.

Gregory Simons, Phó Giáo sư tại Viện Nghiên cứu Nga và Á-Âu thuộc Đại học Uppsala cho biết: “Thông qua Thổ Nhĩ Kỳ, Nga có thể bỏ qua các tuyến đường phía Bắc khi leo thang căng thẳng trong quan hệ với các nước Bắc Âu để tiếp cận trực tiếp hơn với các thị trường mới”.

“Tôi nghĩ rằng đề xuất này có lợi cho cả Thổ Nhĩ Kỳ và Nga về cả địa chính trị và địa kinh tế. Vấn đề trừng phạt cũng trở nên ít ảnh hưởng hơn khi Thổ Nhĩ Kỳ là người trung gian. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có được một nguồn thu nhập và nhiều việc làm mới, đồng thời cũng là đòn bẩy mạnh hơn nữa trong quan hệ với EU”, Giáo sự Simons nói.

Các chuyên gia khác cũng nhận thấy đề xuất khí đốt của Nga với Thổ Nhĩ Kỳ là một bước phát triển đáng kể. “Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những thị trường lớn nhất ở châu Âu. Việc trở thành trung tâm khí đốt sẽ tạo thêm đòn bẩy cho các cuộc đàm phán khác", Emre Erturk, Giám đốc Điều hành tại Công ty Tư vấn và Dịch vụ Thông tin Năng lượng CEEN, cho biết, đề cập đến động lực của cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.

Đối với Ankara, một vai trò lớn hơn trong thị trường năng lượng khu vực có ý nghĩa hơn nhiều khi xét đến những thách thức địa chính trị mà họ phải đối mặt ở Địa Trung Hải. “Đề xuất rất hấp dẫn đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Tham vọng của họ là trở thành một trung tâm trung chuyển khí đốt tự nhiên", Matthew Bryza, cựu Đại sứ Mỹ tại Azerbaijan, cho biết.

Theo nhà cựu ngoại giao Mỹ trên, Nga muốn chuyển càng nhiều khí đốt qua Thổ Nhĩ Kỳ đến châu Âu để bảo vệ thị phần của mình khi xung đột ở Ukraine bùng phát. 

Về phần mình, Sari, một học giả Thổ Nhĩ Kỳ, cho rằng Moskva có mục đích sử dụng tuyến đường của Thổ Nhĩ Kỳ để tiếp cận các thị trường ở Bulgaria và Italy, nơi các chính phủ mới đắc cử đã tỏ ra cởi mở hơn trong việc tiếp nhận khí đốt của Nga. Vị trí địa chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ giữa các quốc gia giàu khí đốt - như Nga, Azerbaijan và Iran - và châu Âu thiếu năng lượng tạo điều kiện hoàn hảo để Ankara trở thành một trung tâm khí đốt.

Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ đã có nhiều đường ống dẫn dầu và khí đốt trên lãnh thổ của mình đến từ một số quốc gia như Azerbaijan, Iran, Iraq và Nga và đến các cảng Địa Trung Hải và các quốc gia châu Âu như Hy Lạp, Bulgaria và Italy. Các chuyên gia cho biết mạng lưới đường ống này cung cấp một cơ sở hạ tầng tốt cho Thổ Nhĩ Kỳ nếu nước này muốn trở thành một trung tâm khí đốt.

Tuy nhiên, để trở thành một trung tâm khí đốt, Ankara cũng cần tăng cường vai trò của khu vực tư nhân, cho phép cả các công ty phương Tây và không phải phương Tây cạnh tranh trên thị trường khí đốt của mình, nguồn tin từ Bộ năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ lưu ý.

Theo báo Tin tức

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (giữa) dự lễ khánh thành đường ống dẫn khí "TurkStream" ngày 8/1/2020 tại Istanbul .

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông