Mô hình nuôi, nhân giống ốc bươu ta trong ao xi măng: Đầu tư thấp, lợi nhuận cao

14:24 25/10/2021

Nhanh nhạy trong việc nắm bắt thị hiếu của người dân, lại mạnh dạn tiếp cận kỹ thuật chăn nuôi mới, gia đình chị Hoàng Thị Hằng (ở xã Cao Nhân, Thuỷ Nguyên) đã trở thành hộ chăn nuôi tiên phong trong lĩnh vực nuôi ốc bươu ta thương phẩm và tự nhân giống trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên. Được sự hỗ trợ đắc lực của cán bộ Khuyến nông địa phương; sự chịu thương, chịu khó, nỗ lực, ham học hỏi không ngừng của các thành viên trong gia đình, mô hình nuôi ốc bươu ta của gia đình chị Hằng đã nhanh chóng mang lại hiệu quả kinh tế cao…
Ốc gia đình chị Hằng chủ yếu ăn thức ăn xanh nên thịt ốc khá dài, giòn ngon

Vốn gắn bó với nghề nuôi cá rô đồng, rô phi, bao năm qua, vợ chồng chị Hằng luôn ấp ủ mong muốn tìm kiếm đối tượng con nuôi mới cho năng suất, chất lượng cao, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường. Được sự tư vấn của cán bộ Khuyến nông, thông qua Internet, vợ chồng chị đã mạnh dạn tìn hiểu kỹ thuật nuôi ốc bươu ta. Sau khi đã trang bị một số kiến thức sơ đẳng phục vụ cho việc tiến hành nuôi ốc, được cán bộ Khuyến nông huyện Thuỷ Nguyên hỗ trợ mua giống nơi uy tín, tư vấn kỹ thuật chăm sóc, ấp nở, năm 2020, gia đình chị Hằng quyết định thử nghiệm mô hình nuôi ốc bươu ta thương phẩm và tự nhân giống ốc với quy mô hơn 500m2 ao xi măng, nuôi hơn 200m2 ao nuôi ốc sinh sản và 300m2 ao nuôi ốc thương phẩm.

Trứng ốc bươu được ấp trong các thùng xốp

Từ 2.000 con ốc bươu giống mua về gây nuôi, đến nay, gia đình chị Hằng đã nhân giống thành công tới hàng vạn con ốc giống. Ở thời điểm mới nuôi, do thiếu kinh nghiệm trong khâu chăm sóc nên vào mùa đông, diện tích ốc nuôi của gia đình chị Hằng bị chết đáng kể. Nhưng ngay sau đó, với sự vào cuộc hướng dẫn, hỗ trợ tận tình của cán bộ Khuyến nông, số ốc còn lại đã sống sót qua đông. Đến đầu năm 2021, đàn ốc này bắt đầu đẻ trứng. Chị Hằng đã tiến hành lấy trứng ốc đem ấp để tạo nguồn ốc giống. Ốc trưởng thành từ những đợt trứng đầu tiên, vợ chồng anh chị cũng nuôi để sinh sản. Theo đó, lượng ốc bố mẹ nuôi tăng từ vài chục con lên hàng trăm con. Trong ao nuôi sinh sản, gia đình chị để mực nước từ 0,5 đến 0,8m; mật độ từ 25 – 30 con/m2. Trong mùa mưa vừa qua, ốc đẻ nhiều nhất.

Vào mùa nắng nóng nhiệt độ tăng cao, gia đình chị lại thả bèo cái, bèo tấm khoảng 1/3 diện tích mặt nước ao nuôi để vừa làm thức ăn, vừa che mát. Đồng thời che lưới để tránh nắng nóng và giảm thiệt hại do mưa, vì mưa mang theo một lượng a xít, khiến pH nước ao giảm, làm ốc chết.

Ốc con được khoảng 2 - 4 tuần tuổi sẽ tiến hành lọc ra các tráng để nuôi dưỡng thành ốc thương phẩm hoặc xuất bán

Đặc biệt, để tỷ lệ ốc con nở đạt cao hơn, khi thu trứng ốc đẻ ngoài ao, chị Hằng thường xếp các ổ trứng vào các vỉ nhựa, vỉ đan bằng tre để trong thùng xốp ấp, tạo độ ẩm thích hợp bằng những tấm vải ướt phủ lên, thường xuyên kiểm tra, điều chỉnh độ ẩm cho thích hợp. Trứng ốc màu trắng tinh sẽ dần chuyển sang trắng đục, rồi xám đen khi ấp trong thùng xốp được 7-10 ngày. Thời điểm này, chị Hằng sẽ chuyển những vỉ trứng ốc trong thùng xốp ra bể bạt, mực nước khoảng 20 cm, có mái che. Khi ốc nở sẽ bò xuống bể bạt tìm thức ăn. Từ lúc ấp trứng đến khi nở khoảng 13-15 ngày. Trong bể bạt chị thả bèo tấm làm thức ăn cho ốc mới nở. Vài ngày sau khi nở, vỏ ốc sẽ cứng dần, nuôi trong bể bạt khoảng 2 - 4 tuần, gia đình chị sẽ tiến hành lọc ốc ra các tráng để nuôi dưỡng thành ốc thương phẩm hoặc xuất bán giống cho khách có nhu cầu. Với phương pháp ấp trứng như trên, gia đình chị Hằng đạt được tỷ lệ ốc nở sống cao từ 80-90%.

          Tại ao nuôi, chị Hằng cắm tráng lưới để thả ốc con vào nuôi. Hàng ngày, chị kiểm tra lượng thức ăn, tránh để dư thừa gây ô nhiễm nguồn nước hoặc thiếu hụt làm ốc chậm lớn. Đồng thời, sàng lọc ốc có kích cỡ khác nhau cho vào các tráng, sao cho ốc trong tráng luôn đồng đều kích cỡ để tiện cho việc chăm sóc, quản lý. Trung bình mỗi tráng có từ 500-1.000 con/m2 đối với ốc nhỏ, sau đó san thưa dần khi ốc lớn.

Mỗi tráng nuôi ốc thương phẩm rộng 10m2

Hiện, trong ao nuôi gia đình chị Hằng cắm khoảng 15 tráng nuôi ốc thương phẩm, mỗi tráng rộng 10m2. Nguồn thức ăn cho ốc thương phẩm khá rẻ và có thể tận dụng thức ăn thừa trong nhà, chủ yếu là: bèo tấm, bèo cái, mướp, bầu, bí, đu đủ, lá sắn, lá mùng… Riêng đối với các loại củ, quả, để tránh thức ăn chìm xuống nước phân huỷ, gia đình chị Hằng thường gọt vỏ, thái lát mỏng để thức ăn nổi trên mặt nước cho ốc bám vào ăn. Đáng chú ý, ốc gia đình chị chủ yếu ăn thức ăn xanh nên thịt ốc khá dài, giòn ngon.

Vào giữa tháng 8 vừa qua, gia đình chị đã thu tỉa khoảng 1,3 tạ gốc thương phẩm, bán lẻ với giá 80.000 - 90.000 đồng/kg, ốc cỡ 30-40 con/kg; ốc giống 2-4 tuần tuổi chị bán giá 500 - 1.000 đồng/con. Đến nay, gia đình chị đã xuất bàn gần chục nghìn con giống, cho thu nhập bước đầu khá ổn định. 15 tráng nuôi ốc thương phẩm vẫn tiếp tục sinh sản. Dự kiến đến cuối năm, gia đình chị sẽ thu được khoảng 1,5 tấn ốc thương phẩm, 3-5 vạn ốc giống, lợi nhuận thu được khá lớn.

Ốc con được khoảng 2 - 4 tuần tuổi sẽ tiến hành lọc ra các tráng để nuôi dưỡng thành ốc thương phẩm hoặc xuất bán

Có thể khẳng định, mô hình nuôi ốc bươu thương phẩm và sản xuất ốc bươu giống của gia đình chị Hằng là mô hình dễ làm, không cần đầu tư vốn nhiều nhưng đem lại nguồn thu nhập tốt. Hiện, gia đình chị Hằng đã chia sẻ kinh nghiệm và cung cấp giống cho nhiều bà con có nhu cầu nuôi ốc...

Khánh Chi

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông