Mối lo khan cạn dòng chảy sông đào Hạ Lý

15:50 26/06/2022

Từ năm 2019, tuyến sông đào Hạ Lý được xếp vào danh sách “tuyến đường đen” về tai nạn giao thông (TNGT) đường thủy nội địa do liên tiếp xảy ra các vụ va chạm giao thông, phương tiện mắc cạn, tự chìm đắm phương tiện, đâm va công trình vượt sông, gây thiệt hại lớn về tài sản. Cả đơn vị quản lý tuyến và lực lượng chức năng đã kiến nghị việc thanh thải, nạo vét đồng bộ nhưng cơ quan lý cấp bộ “tảng lờ” bỏ mặc hiện trạng kéo dài.
Đại tá Bùi Trung Thành, Phó giám đốc Công an thành phố, Phó trưởng Ban ATGT thành phố chỉ đạo Phòng Cảnh sát đường thủy - Công an thành phố về công tác kiểm soát TTATGT trên tuyến  
 
Lòng sông bị xâm hại
Tuyến sông đào Hạ Lý, có vai trò là “yết hầu” của giao thông ĐTNĐ cho cả Miền Bắc và khu vực cảng biển Hải Phòng. Có chiều dài 3km, tuyến sông nối liền 2 sông lớn là sông Cấm và sông Lạch Tray nằm trên tuyến vận tải thủy quan trọng Quảng Ninh – Hải Phòng – Thái Bình – Nam Định -  Ninh Bình; Quảng Ninh – Hải Phòng – Hà Nội (qua sông Luộc). Đầu sông phía sông Cấm (gọi là ngã 3 Xi- măng), cuối sông Lạch Tray (ngã 3 Niệm). Từ ngã 3 Xi-măng ra cửa sông Cấm dài 15,5km, từ ngã 3 Niệm ra cửa sông Lạch Tray dài 17,5km.

Là tuyến sông có cấp kỹ thuật đường thủy cấp 3 (theo Thông tư số: 46/2016/TT-BGTVT ngày 29/12/2016), chiều sâu luồng chạy tầu >2,8m; chiều rộng luồng chạy tàu >40m; bán kính cong luồng chạy tàu >350m; chiều cao tĩnh không cầu ≥7m. Tuy nhiên, thực tế đến nay chuẩn tắc luồng sông đào Hạ Lý không đạt chuẩn kỹ thuật đường thủy cấp 3 bởi hiện trạng kỹ thuật: chiều sâu luồng chạy tàu chỉ đạt 1,5m; chiều rộng luồng chạy tàu 30m (tại khu vực cầu Xe Hỏa là 27m); bán kính cong luồng chạy tàu ≤ 200m. 

Nghiêm trọng hơn nữa là luồng tuyến còn bị tác động thu hẹp quá trình xây dựng, phát triển đô thị. Ví dụ, phía bờ trái khu vực ngã 3 Xi - Măng thường bị bồi xu thế luồng tàu ngày một sát thủy diện cầu tàu trang trí Công ty TNHH MTV đóng tàu Bạch Đằng dẫn đến bán kính nhỏ (R= 50 – 170m). Khu vực cong cua tại ngã 3 Chợ Sắt do xây dựng kè bờ mở rộng ra phía đỉnh cong của luồng sông đào Hạ Lý.

 Ngoài ra, cầu đường bộ Tam Bạc cũng nằm ngay đỉnh cua làm cho bán kính cong tại vị trí này đã nhỏ (R=150m), lại tiềm ẩn nguy cơ va chạm giữa tàu hành trình trên tuyến với các công trình trên, khi tàu vào cua gặp lưu tốc dòng chảy mạnh dễ bị dạt vào gây va chạm.

Một thực tế khách quan khác đó là phương tiện hoạt động trên tuyến (theo Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN5664-2009 và Thông tư 46/2016/TT-BGTVT của Bộ GTVT quy định cấp kỹ thuật đường thủy nội địa. Sông Đào Hạ Lý là sông cấp 3) có thể khai thác hiệu quả đối với đoàn sà lan 2x400 tấn và phương tiện thủy nội địa có trọng tải đến 300 tấn, mớn nước 50%/90% là 1,8/2,3m. Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển kinh tế, phương tiện ĐTNĐ ngày càng được đóng to, tải trọng nặng, vượt quá tiêu chuẩn luồng lạch. Cơ quan quản lý tuyến đã “điểm danh” hàng chục phương tiện khủng thường xuyên qua lại trên tuyến. Trong đó tàu Hải Hà 55 mang BKS: HD-2878 chiều dài thân tàu 69m, chiều rộng 11,2m, mớn nước 3,48m và tải trọng 1.798 tấn. Sao Việt 01 mang BKS: NB - 8595, chiều dài thân tàu 76,9m, rộng 14,25m, mớn nước 3,93m, tải trọng thiết kế 2.822 tấn. Tàu Quang Hưng 09 (không BKS) có thân tàu dài 76,52m; chiều rộng 10,22m, mớn nước 3,9m tải trọng thiết kế 1.987 tấn…. 

Hơn nữa, với chiều dài 3km, trên sông đào Hạ Lý có 4 cầy cầu bắc qua (Cầu An Đồng, cầu An Dương, cầu Xe hỏa, cầu Tam Bạc, cầu Thượng Lý) Trong đó có 3 cầu không đảm bảo chiều cao tĩnh không cầu theo quy định là cầu Xe hỏa (tĩnh không cao 3,2m); cầu Tam Bạc (cao 4m); cầu Thượng Lý ( tĩnh không cao 4,5m). Ngoài ra còn có 7 đường điện cao thế qua sông, 10 công trình ngầm vượt sông. Dọc 2 bên bờ sông, nhà cao tầng xây dựng ra sát hai bên bờ sông, che khuất tầm nhìn, hạn chế quan sát điều động phương tiện tham gia giao thông trên tuyến. Đây là những nguyên nhân khách quan tiềm ẩn nguy cơ mất TTATGT và nguy cơ đâm va công trình thủy, công trình vượt sông hiện hữu. Khi những phương tiện lớn đi qua sông này (phần lớn có tải trọng từ 1.000 tấn – 2.000 tấn mớn nước từ 3,6m – 3,8m, thậm chí có phương tiện 2,500 tấn (mớn nước trên 4,4m) thường xuyên gây ra ùn tắc kéo dài vì tàu càng lớn vị trí cua (đoạn ngã 3) đòi hỏi phải rộng. Trong khi đó, việc xây cầu Tam Bạc đã làm hẹp đỉnh cua, gây khó khăn cho phương tiện vì dễ gây đâm va, văng lái…

Khu vực xảy ra 2 vụ phương tiện thủy tự đắm do lòng sông bị thu hẹp và cong cua 

Nạo vét, thanh thải chướng ngại vật không kịp thời

Theo Công ty CP đường sông số 8 – Chi cục đường sông phía Bắc, đã nhiều năm gần đây, sông đào Hạ Lý không được nạo vét với quy mô phù hợp. Cụ thể, năm 2018, Cục đường thủy nội địa Miền Bắc – Bộ Giao thông vận tải tiến hành nạo vét đoạn từ ngã 3 Rế - ngã 3 Niệm theo chuẩn tắc luồng Đường sông cấp 3. Tuy nhiên, dự án chỉ được thực hiện trên chiều dài chưa quá 1/2km; phần cuối tuyến còn lại không được nạo vét kể từ đó đến nay nên gây ra hệ lụy do lòng sông bất ngờ khan kiệt, phương tiện quan lại dễ mắc cạn khi nước thủy triều xuống thấp.

Nghiêm trọng hơn là khi nạo vét nhà thầu đào “lộ thủy” nhiều tảng bê – tông có kích cỡ từ 0,8-1m3 vốn là đường dẫn của bến đò An Dương cũ nhưng không thanh thải mà để chìm giống như bãi “cọc ngầm”, tàu thuyền qua lại va đập, thủng mạn nước vào gây chìm đắm. Đơn vị quản lý buộc phải dựng biển báo “Vật chướng ngại” với hy vọng tránh tàu bè không va chạm phải những khối bê- tông này.

Vụ phương tiện thủy đâm va vào cầu đường sắt Tam Bạc
Hiện trạng đường ray tàu hỏa trên cầu đường sắt Tam Bạc bị biến dạng sau khi bị phương tiện đâm va 

Được biết trước mùa mưa bão năm 2022 này, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam có văn bản chỉ đạo Chi cục quản lý đường sông phía Bắc và đơn vị quản lý luồng tuyến lập, trình phương án và dự toán Điều tiết hướng dẫn đảm bảo an toàn giao thông đường thủy khu vực sông Đào Hạ Lý năm 2022. Đến nay, Chi cục quản lý đường sông phía Bắc và đơn vi quản lý đang tiến hành khảo sát thực tế làm cơ sở xây dựng phương án.  

Theo Trạm Cảnh sát đường thủy An Dương, Phòng Cảnh sát đường thuỷ (PC08B) – Đơn vị thực hiện nhiệm vụ kiểm soát TTATGT trên tuyến sông đào Hạ Lý, từ thực tế làm nhiệm vụ công tác đảm bảo TTATGT trên tuyến của lực lượng Cảnh sát đường thủy cho thấy việc xây dựng và triển khai phương án và dự toán Điều tiết hướng dẫn đảm bảo an toàn giao thông đường thủy khu vực sông Đào Hạ Lý năm 2022 một cách chi tiết bài bản là rất cần thiết. Tuy nhiên, công việc trước mắt kiến nghị việc sớm có kế hoạch nạo vét luồng sông Lạch Tray, sông đào Hạ Lý; thanh thải chướng ngại vật lòng sông tại điều kiện cho phương tiện đi lại an toàn.

Đoàn Lanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông