Mối lo tai nạn giao thông từ “chợ tạm, chợ cóc”: Kỳ 1 - “Chợ tạm, chợ cóc”… “nuốt” đường!

09:03 26/06/2020

Những năm qua, Hải Phòng không ngừng đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông - đô thị khiến bộ mặt đô thị thành phố ngày càng khang trang, hiện đại. Tuy nhiên, vẫn còn những mảng tối trong bức tranh đó bởi sự hiện hữu của hàng trăm “chợ cóc”, “chợ tạm” trải từ giữa nội đô về tới những vùng quê, tiềm ẩn nhiều hệ lụy như: ô nhiễm môi trường, cháy nổ và đặc biệt là tai nạn giao thông…

Theo Sở Công thương Hải Phòng, thực hiện Nghị định số 02/2003/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ, thành phố đã ráo riết mời gọi, tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng 12 chợ có quy mô lớn như: Chợ đầu mối rau quả (Công ty TNHH Phương Nghĩa làm chủ đầu tư), Chợ Quán Toan (Công ty Cổ phần Long Sơn làm chủ đầu tư), Chợ Cầu Vồng (Công ty TNHH thương mại Hải Hưng Thịnh đầu tư xây dựng), Chợ thị trấn Vĩnh Bảo (Công ty TNHH thương mại và xây dựng Hải Phòng làm chủ đầu tư), chợ Đại Hà (Công ty TNHH thương mại dịch vụ Tiền Thảo đầu tư xây dựng), Chợ Đại Hợp (Công ty Cổ phần Phi Long đầu tư xây dựng)...

Cùng với đó, hàng chục chợ lớn nhỏ khác ở nội và ngoại thành đang hoạt động hết công suất. Mặc dù vậy, tất cả dường như không thể ngăn được vấn nạn “chợ cóc” phát triển một cách tự phát trong thời gian qua, gây nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội. Bên cạnh việc làm xấu đi bộ mặt đô thị văn minh, “chợ cóc” còn gây mất an toàn giao thông, tạo ra một hình thái phân phối hàng hóa vô tổ chức, khó kiểm soát về chất lượng an toàn thực phẩm, kiểm soát dịch bệnh; kéo theo đó là cả một hệ thống sản xuất nông nghiệp manh mún, không theo quy hoạch.

Theo thống kê, trên địa bàn thành phố, có hàng trăm “chợ cóc” mọc lên từ nội đô đến ngoại thành, lấn chiếm vỉa hè, lấn đường (khu vực nội thị, thị trấn, thị tứ); lấn chiếm hành lang ATGT một cách ngang nhiên. Khu nội đô có thể kể đến như chợ An Đà, chợ Đông Khê, chợ Con, chợ Lương Văn Can, chợ Cầu Tre, chợ ngã 3 Bốt Tròn, chợ Dư Hàng trên đường Nguyễn Văn Linh, chợ An Đồng trên đường Tôn Đức Thắng, chợ cóc Vĩnh Niệm 453 Thiên Lôi, chợ cóc 125 Khúc Thừa Dụ mở cả ngày, chợ cóc Cầu Rào, chợ cóc ngã 3 Đông Hải - Kiều Hạ, quận Hải An; Phạm Huy Thông (Lê Chân)… Khu vực ngoại thành “nóng” nhất chợ Mỹ Đức trên TL354, chợ Minh Kha trên TL351, chợ Hương trên đường TL355 (Nguyễn Lương Bằng), Chợ Nam Am trên QL37…

Cũng từ đây, vấn nạn chợ “nuốt” đường không hiếm. Ví dụ, tại quận Ngô Quyền, “chợ cóc” An Đà vốn rất phức tạp nhiều năm nay gây ách tắc đường vào buổi sáng, rác thải, nước thải… đã quá quen thuộc đối với những người dân.

Còn tại huyện An Dương, hiện địa bàn có 9 chợ trong quy hoạch nhưng lại “mọc” thêm vô số chợ cóc, chợ tạm như: Minh Kha, Bạch Mai (xã Đồng Thái); Bắc Hà (xã Bắc Sơn); Hạ Đỗ (xã Hồng Phong), chợ rau An Hòa (xã An Hòa). Trong đó, chợ rau An Hòa (An Dương) là địa điểm tập trung đông tiểu thương buôn bán rau củ tại huyện An Dương, được coi như một chợ đầu mối của huyện.

Chợ họp ngay ven đường lớn, kéo dài 600-700m với gần 70 hộ kinh doanh, xây dựng ki-ốt kiên cố. Thực tế, đây là một khu chợ tự phát bởi cách đó không xa, chợ Ngọ Dương - 1 trong 9 khu chợ quy hoạch chính thức lại không được tiểu thương quan tâm. Theo Phòng Kinh tế hạ tầng huyện An Dương, huyện đã có nhiều biện pháp chấn chỉnh nhưng đâu lại vào đó.

Gần đó, cùng trên QL17B là chợ đêm cầu Rế (thị trấn An Dương) chuyên trung chuyển hoa quả cho nội thành Hải Phòng và tỉnh Hải Dương. Theo UBND thị trấn An Dương, do quỹ đất hạn hẹp, địa phương rất khó để tìm địa điểm mới và về lâu dài vẫn chưa xác định được hướng giải quyết hợp lí nhất. Việc cho phép chợ đêm cầu Rế tạm thời hoạt động có sự quản lý của địa phương, thời gian họp chợ cũng bị giới hạn tới 7h sáng để đảm bảo an toàn giao thông.

Ở huyện Kiến Thụy, vào các buổi sáng từ 5 - 10h và buổi chiều từ 16 - 18h, các tiểu thương lại tụ tập ra TL 402, địa bàn xã Thanh Sơn để buôn bán các mặt hàng như thịt, cá, rau... Trái ngược với sự sầm uất của chợ cóc này, cách đó chỉ khoảng 100m, chợ Thanh Sơn dù khá khang trang, sạch sẽ lại vắng ngắt. Nguyên nhân chính là chợ mới ở sâu quá, người dân ngại đi vào. Trong khi đó thói quen chợ họp ngoài đường đã ăn sâu, ai đi qua chỉ dừng xe là có thể mua luôn.

Tuyến QL10 qua 5 huyện: Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, An Lão, An Dương và Thủy Nguyên của TP Hải Phòng, có mật độ phương tiện tham gia giao thông dày đặc tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. Tuy nhiên, cứ cách vài cây số lại “mọc” một chợ. Trong đó, nhiều nhất phải kể đến xã Vĩnh An (Vĩnh Bảo), Quang Trung (An Lão), Tràng Duệ, xã Lê Lợi (An Dương); Lưu Kiếm (Thủy Nguyên)…

Tại những nơi này, không chỉ “khai thác một cách triệt để” vỉa hè để họp chợ, các tiểu thương còn vô tư tràn xuống lòng đường, chiếm dụng cả làn đường dành cho xe thô sơ, khiến cho mặt QL10 vốn đã hẹp nay lại càng thắt lại. Đặc biệt, trong những ngày cuối năm, giáp tết, các chợ tự phát này lại càng xuất hiện như nấm. Nhiều người còn ngang nhiên dùng cọc tre, nứa dựng hẳn các quầy cố định ngay dưới lòng quốc lộ.

Hàng quán, xe cộ ngổn ngang. Người mua, người bán chen nhau ra giữa lòng đường khiến giao thông ách tắc. Nguy hại nhất là tầm nhìn của lái xe có trọng tải lớn như công-ten-nơ, ôtô tải bị che khuất dẫn đến nhiều tai nạn thương tâm. Theo thống kê của Ban ATGT TP Hải Phòng, năm 2019, trong số 14 vụ TNGT khiến 15 người thiệt mạng trên QL10, có những vụ đã xảy ra tại các chợ cóc, chợ tạm.

(Còn nữa)

Đoàn Lanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông