15:56 21/05/2021 Cùng với việc tuyên truyền theo hình thức băng rôn, khẩu hiệu, tranh cổ động... thì những ca khúc viết về Ngày hội bầu cử cũng để lại nhiều cảm xúc hết sức đặc biệt trong lòng cử tri và nhân dân cả nước...
Âm nhạc luôn đem theo sứ mệnh đặc biệt, khi hòa mình vào dòng chảy cuộc sống, chuyển tải thông điệp của đời sống chính trị, âm nhạc càng trở nên gần gũi, làm cho những vấn đề trở nên dễ hiểu, dễ nhớ, thôi thúc người nghe về trách nhiệm và nghĩa vụ của mình.
Bằng những ca từ giản dị, dễ hiểu, phong cách âm nhạc gần gũi với đời sống Nhân dân, nhưng cũng không kém phần hào sảng, những ca khúc về bầu cử đã thôi thúc cử tri hãy chuẩn bị tâm thế tốt nhất, hòa mình vào ngày hội non sông 23-5-2021 sắp tới.
Có thể nói, bầu cử là quyền, cũng là nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi công dân bắt đầu từ Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội Việt Nam ngày 6-1-1946 đến nay. Dưới góc nhìn âm nhạc, quyền, nghĩa vụ thiêng liêng ấy càng trở nên sống động và đẹp đẽ hơn.
Nhân Ngày bầu cử 23-5 sắp diễn ra, Chuyên đề An ninh Hải Phòng trân trọng giới thiệu một số ca khúc vẫn theo cùng năm tháng như: Lá phiếu niềm tin (Tác giả: Vũ Mão); Nhanh chân lên! Dậy mà đi (Tác giả: Trần Long Ẩn); Ta mau đi bầu (Tác giả: Nguyễn Đức Trung); Bài ca ngày hội (Tác giả: Tôn Thất Lập); Lá phiếu đầu tiên (Tác giả: Thập Nhất); Cả nước đi bầu (Tác giả: Văn Chung); Ngày Quốc hội (Tác giả: Đỗ Nhuận); Ngày hội toàn dân (Tác giả: Vũ Mão)…
Trong số những ca khúc này, “Ngày Quốc hội “ của tác giả Đỗ Nhuận được rất nhiều người đón nghe. Đỗ Nhuận là nhạc sỹ tài danh, có nhiều cống hiến cho nền âm nhạc cách mạng Việt Nam. Ông quê ở Hải Dương, sinh năm 1922, nhưng rời quê hương từ rất nhỏ và có nhiều năm sinh sống ở thành phố cảng Hải Phòng - nơi cha ông phục vụ trong đội quân nhạc...
Đỗ Nhuận từ nhỏ đã tự học âm nhạc dân tộc và biết chơi sáo trúc, tiêu, đàn nguyệt, đàn tứ, đàn bầu; sau đó, tiếp xúc với tân nhạc, học đàn guitar, banjo, kèn harmonica, violon…
Giai đoạn những năm 1940-1941, Đỗ Nhuận bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng. Năm 1943, vì in và rải truyền đơn tuyên truyền cho cách mạng nên ông bị bắt giam vào nhà lao Hải Dương, rồi đưa lên Hỏa Lò và sau bị đày lên Sơn La. Thời gian trong tù, Đỗ Nhuận đã viết nhiều bài hát cách mạng như: Chiều tù, Côn Đảo, Hận Sơn La, Tiếng gọi tù nhân, Viếng mồ tử sĩ, Du kích ca...
Sau khi được trả tự do, Đỗ Nhuận tiếp tục sáng tác và hoạt động cách mạng. Sau hòa bình năm 1954, Đỗ Nhuận tiếp tục sáng tác và cũng là một trong những người đặt nền móng cho thể loại nhạc kịch theo truyền thống của opera phương Tây. Trong “gia tài” ca khúc của ông thì bài “Ngày Quốc hội” được sáng tác cuối năm 1945 là tác phẩm mang nhiều ý nghĩa.
Trong tác phẩm “Âm thanh cuộc đời” NXB Âm nhạc ấn hành năm 2003, có đoạn hồi ký của Nhạc sĩ Đỗ Nhuận: “Trước ngày 6-1-1946, tôi đã sáng tác bài hát có tính thời sự “Ngày Quốc hội” xuất bản và đưa đoàn Quân nhạc phổ biến với lời mở đầu: “Đâu quốc dân Việt Nam mau. Cùng nhau cầm lá phiếu mau” nhưng toàn bộ bản nhạc thất lạc từ lâu…
Thời gian qua, Hội Nhạc sỹ Việt Nam và cá nhân Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân (con trai Nhạc sỹ Đỗ Nhuận) đã bỏ nhiều công sức để tìm, nhưng vẫn chưa thấy… Đến tháng 4-2011, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đã bất ngờ và xúc động khi tìm lại được lá thư (từng thất lạc) do một nhà giáo về hưu tên là Phạm Văn Nùng gửi từ năm 2010 với thông tin, ông là nhân chứng từng hát một bài hát về bầu cử dịp Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam độc lập (6-1-1946), không rõ tác giả và mong muốn được Hội Nhạc sĩ Việt Nam khôi phục, phổ biến.
Bước đầu liên lạc với nhau, ông Nùng và Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân đã hát cho nhau nghe về bài hát này qua điện thoại và xác nhận đó là bài “Ngày Quốc hội” của Nhạc sỹ Đỗ Nhuận.
PV
16:26 06/01/2025
15:01 05/01/2025
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh