20:28 20/10/2020 Những ngày qua, dư luận nóng lên về câu chuyện phụ huynh học sinh phải mua bộ sách lớp 1 tới hơn 20 đầu sách, trong đó giá sách tham khảo không nhỏ. Từ năm 2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có quy định về việc quản lý, sử dụng các sách tham khảo trong nhà trường, song vẫn còn tình trạng học sinh phải “cõng” quá nhiều sách...
Chọn mua sách cho con đầu năm học luôn làm cho các phụ huynh đau đầu
Ma trận mua sách
Năm học 2020-2021 là năm học đầu tiên học sinh lớp 1 trên cả nước học chương trình, sách giáo khoa mới theo Nghị quyết số 51/2017/QH14 ngày 21-11-2017 của Quốc hội về điều chỉnh lộ trình thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28-11-2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Chương trình giáo dục lớp 1 mới gồm 8 môn bắt buộc và 1 môn tự chọn. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phê duyệt 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 để các trường lựa chọn sử dụng.
Bước vào năm học mới, cùng với rất nhiều khoản tiền phải đóng, các bậc phụ huynh nhận được một danh mục mua sách theo chương trình mới. Chỉ với 8 môn bắt buộc và 1 môn tự chọn, song đầu năm học này, một trường tiểu học ở thành phố Hồ Chí Minh đã thông báo danh mục sách, dụng cụ học tập lên tới 25 hạng mục, trong đó có 23 cuốn sách với tổng số tiền hơn 800.000 đồng. Mặc dù cơ quan quản lý địa phương đã kịp thời chấn chỉnh, song tình trạng nhập nhèm giữa các loại sách giáo khoa, sách tham khảo vẫn không phải là chuyện hiếm.
Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD-ĐT) Thái Văn Tài, nếu nhà trường cung cấp hoặc yêu cầu phụ huynh học sinh mua nhiều hơn lượng sách quy định là sai. Các văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định rõ về việc sách giáo khoa là tài liệu bắt buộc, còn tài liệu tham khảo, phụ huynh học sinh tự mua theo nhu cầu cá nhân. Nhà trường chỉ cung cấp thông tin để phụ huynh lựa chọn.
Loạn sách tham khảo
Có một thực tế là, không phải phụ huynh nào cũng nắm rõ những loại sách cần phải có. Khi nhà trường đưa ra danh mục sách, lại thiếu thông tin hướng dẫn kịp thời, có thể dẫn đến phụ huynh phải mua số lượng sách quá nhiều so với số lượng thực tế con em cần học, gây lãng phí.
Chị Vân Anh, nhà ở quận Dương Kinh, khi đang đi làm thì nhận điện thoại gọi mua cho con vở bài tập. Theo danh mục của cô giáo, ngoài sách giáo khoa đã có, chị phải mua thêm các loại vở bài tập: Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội, Âm nhạc, Mỹ thuật… Như vậy, mỗi môn học, đi kèm với sách giáo khoa còn cần thêm ít nhất một sách tham khảo. Tính sơ sơ, sách tiếng Việt là 4 quyển (tiếng Việt tập 1, tập 2 kèm 2 vở bài tập), Toán cũng 4 quyển (Toán tập 1, tập 2 kèm vở bài tập), tổng cộng mới hai môn đã là 8 quyển sách. Chưa kể mỗi môn học, có từ 2-4 sách (sách giáo khoa và sách tham khảo). “Mỗi ngày con đi học, trong cặp cứ dày cộm các loại sách vở mặc dù cô giáo đã cho con để một số sách vở và đồ dùng học tập tại lớp. Không hiểu sao học sinh mới lớp 1 mà đã học nhiều như thế?”, chị Vân Anh băn khoăn.
Không chỉ lớp 1 mà hầu hết sách giáo khoa các bậc học đều có sách tham khảo, bây giờ mang tên là vở bài tập. Tuy nói là ngoài sách giáo khoa, không bắt buộc học sinh có thêm sách tham khảo. Tuy nhiên, khi cả lớp đều có “vở bài tập”, thì ít có học sinh nào không đòi bố mẹ phải mua thêm loại “vở” này để học.
Trên thực tế, ở bậc tiểu học, nhất là lớp 1, còn là giai đoạn trên tinh thần “vừa học vừa chơi”, tập trung ở một số môn cơ bản, như: Tiếng Việt, Toán, Khoa học thường thức (những hiểu biết thông thường trong cuộc sống, gần gũi với lứa tuổi học sinh). Để đáp ứng yêu cầu mới, các con có thể làm quen với ngoại ngữ và tin học và nhạc, họa để tăng cường kỹ năng. Tuy nhiên, với chương trình học hiện nay, phải đảm bảo học hai buổi/ngày mới có thể đủ thời gian để thầy cô giáo truyền thụ hết lượng kiến thức.
Chấn chỉnh, xử lý nghiêm nếu có vi phạm
Ngày 8-9, Bộ GD-ĐT đã có văn bản gửi giám đốc các sở GD-ĐT yêu cầu tăng cường quản lý việc trang bị sách giáo khoa và tài liệu tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông.
Nhằm tăng cường công tác quản lý và kịp thời khắc phục những tồn tại trong việc trang bị sách giáo khoa và tài liệu tham khảo tại các cơ sở giáo dục phổ thông phục vụ năm học 2020-2021, Bộ GD-ĐT yêu cầu giám đốc các Sở GD-ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện việc trang bị sách giáo khoa theo đúng quy định, bảo đảm chất lượng, đủ số lượng và kịp thời.
Đối với tài liệu tham khảo, các đơn vị cần thực hiện đúng quy định tại Thông tư số 21/2014/BGDĐT ngày 7-7-2014 quy định về việc quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và điều lệ trường học, trong đó yêu cầu tuyệt đối không được ép buộc học sinh mua tài liệu tham khảo. Phụ huynh, học sinh tự mua sắm tài liệu tham khảo theo nhu cầu thực tế và không bắt buộc. Các cơ sở giáo dục phổ thông phải cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin về tài liệu tham khảo sử dụng tại trường để học sinh, phụ huynh lựa chọn.
Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các sở GD-ĐT tiến hành tổ chức thanh tra, kiểm tra cơ sở giáo dục phổ thông trong việc trang bị sách giáo khoa và tài liệu tham khảo, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Trước ngày 20-9-2020, các sở GD-ĐT phải báo cáo Bộ GD-ĐTvề kết quả thực hiện các nội dung liên quan.
HẢI HẬU
09:15 15/01/2025
22:44 09/01/2025
08:23 09/01/2025
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý hoạt động kinh doanh, dịch vụ
Chuyên mục Nghị định 154/CP: Quy định về giấy tờ, tài liệu, thông tin chứng minh chỗ ở hợp pháp
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh