Theo giới quân sự Mỹ, tiềm lực tên lửa Trung Quốc ngày càng phát triển

17:27 23/03/2022

Vụ Khảo cứu Quốc hội Mỹ (CRS) dẫn lời các chỉ huy quân sự nước này cho biết tên lửa đạn đạo diệt hạm của Trung Quốc giờ đây đã có thể bắn trúng những mục tiêu di động.

Theo trang Asia Times, bản báo cáo của Vụ Khảo cứu Quốc hội Mỹ (CRS) hồi đầu tháng 3 về tiềm lực hải quân Trung Quốc đã trích dẫn nhận định của các chỉ huy quân đội hàng đầu cho rằng kho tên lửa đạn đạo diệt hạm (ASBM) của cường quốc châu Á này có thể bắn trúng mục tiêu di động. Với sức mạnh trên, Trung Quốc có thể bảo vệ hiệu quả phạm vi hơn 1.500 km từ bờ biển nước này. 

Bản báo cáo viết: “Ngày 3/12/2020, báo chí đưa tin Đô đốc Philip Davidson, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương lần đầu tiên đại diện Chính phủ Mỹ xác nhận rằng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo diệt hạm nhắm vào một con tàu đang di chuyển. Trung Quốc cũng đang phát triển phương tiện lượn siêu vượt âm. Nếu được tích hợp vào các ASBM, nó có thể khiến các ASBM của Trung Quốc khó bị đánh chặn hơn”.

Hình ảnh mô phỏng cảnh tên lửa DF-21D của Trung Quốc tấn công tàu Hải quân Mỹ. Ảnh: 19fortyfive.com

Giới phân tích cho rằng bản báo cáo CRS đã đánh giá tổng thể về tiềm lực quân sự Trung Quốc và góp phần củng cố một số nhận định của các sĩ quan cấp cao Mỹ trước đây. Nếu tên lửa của Bắc Kinh có thể tấn công tàu Mỹ trong phạm vi 1.500km hoặc hơn tính từ bờ biển nước này, Washington sẽ phải đề phòng nhiều hơn khi điều động tàu sân bay và các tàu chiến khác làm nhiệm vụ tại Thái Bình Dương.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington, Trung Quốc hiện nắm trong tay từ 750 - 1.500 tên lửa ASBM tầm ngắn với 250 bệ phóng, cùng 150 - 450 tên lửa đạn đạo tầm trung với 150 bệ phóng và từ 80 - 160 tên lửa tầm xa với 80 bệ phóng. Tên lửa tầm trung DF-21 có tầm bắn 1.500 km và tên lửa tầm xa DF-26 có thể tiếp cận mục tiêu cách xa 4.000 km.

Theo một bản báo cáo của tổ chức cố vấn quân sự RAND, căn cứ không quân của Mỹ trên đảo Guam cách bờ biển Trung Quốc 3.000 km, nằm trong tầm bắn của DF-26. Trong khi đó, căn cứ của Mỹ tại Kadena, Okinawa, cách Thượng Hải 816 km và nằm trong tầm bắn của các tên lửa tầm trung của Trung Quốc.

Các chiến hạm Mỹ được trang bị những hệ thống phòng thủ, ví dụ như Hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis, có thể bắn tên lửa đánh chặn các mục tiêu đe dọa. Nhưng chiến thuật tấn công hàng loạt có thể khiến tàu Mỹ bị áp đảo. Hơn nữa, hiện nay, Hải quân Mỹ không có hệ thống nào chống lại được các phương tiện bay siêu vượt âm.

CRS cảnh báo Hải quân Trung Quốc được coi là trở ngại lớn để Washington duy trì quyền kiểm soát tác chiến đối với các khu vực ở Tây Thái Bình Dương - thách thức đầu tiên mà Hải quân Mỹ phải đối mặt kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh.

“Hải quân Trung Quốc là yếu tố then chốt thách thức vị thế lâu đời của Mỹ với tư cách là cường quốc quân sự hàng đầu ở Tây Thái Bình Dương. Một số nhà quan sát đang bày tỏ lo ngại hoặc cảnh báo về tốc độ đóng tàu hải quân của Trung Quốc", bản báo cáo nêu rõ. Dự báo, đến năm 2030, Trung Quốc sẽ có 425 tàu chiến. Ở thời điểm hiện tại, Mỹ sở hữu chưa đến 300 tàu chiến.

Báo cáo kết luận: Trung Quốc đang nỗ lực hiện đại hóa quân sự nhằm thách thức ảnh hưởng của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương và để khẳng định vị thế của Bắc Kinh với tư cách là cường quốc hàng đầu khu vực cũng như thế giới.

Theo TTXVN

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông