09:26 26/05/2017
Đội PCCC dân phòng xã Dương Quan, huyện Thủy Nguyên tham gia diễn tập phương án PCCC, CNCH phối hợp nhiều lực lượng
Hơn 4 năm thực hiện Quyết định 44/2012/QĐ-TTg “Quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy”, công tác huấn luyện nghiệp vụ cứu nạn cứu hộ (CNCH) cho đội dân phòng tại khu dân cư vẫn đang tồn tại tình trạng “3 không”…
Chưa được quan tâm đúng mức
Nhiệm vụ của đội PCCC cơ sở và đội dân phòng trong công tác CNCH được quy định rõ tại các điều 7 và 8 của Quyết định 44/2012/QĐ-TTg. Tuy nhiên, theo Thượng tá Nguyễn Minh Khương - Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC thành phố cho biết: Thời gian qua, hoạt động của hai lực lượng này chưa đồng đều cả về số lượng lẫn chất lượng.
Trước hết, nhận thức về trách nhiệm của một bộ phận người đứng đầu các cấp, ngành, cơ sở trong công tác CNCH chưa đầy đủ. Do đó, vẫn để xảy ra tai nạn thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Kiến thức và kỹ năng CNCH của đại đa số người dân, đặc biệt là đội PCCC cơ sở và đội dân phòng còn rất hạn chế. Một bộ phận người dân, đội viên PCCC cơ sở và đội dân phòng còn lúng túng khi gọi, yêu cầu hoặc thực hiện CNCH.
Tâm lý ỷ lại công tác CNCH cho lực lượng Cảnh sát PCCC là khá phổ biến. Lực lượng PCCC cơ sở và dân phòng làm công tác CNCH còn mỏng về số lượng và yếu về năng lực CNCH. Các phương tiện, thiết bị chuyên dụng cho lực lượng này thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, nhất là khi xảy ra sự cố CNCH lớn và liên hoàn.
Công tác lập và thực tập phương án CNCH còn hạn chế về số lượng, chất lượng của các phương án CNCH chưa cao, chưa đa dạng và sát với tình hình thực tế. Công tác phối hợp của lực lượng PCCC cơ sở và dân phòng khi tham gia CNCH với lực lượng PCCC và CNCH chuyên nghiệp không chặt chẽ, nhịp nhàng, còn lúng túng trong công tác chỉ huy, điều hành và huy động các phương tiện đặc dụng tham gia CNCH.
Khâu huấn luyện nghiệp vụ CNCH không được quan tâm thực hiện. Các đội PCCC và dân phòng tại nhiều cơ sở chỉ mang tính hình thức, đối phó, trong tình trạng 3 “không”: không huấn luyện nghiệp vụ PCCC, CNCH; không trang bị trang thiết bị PCCC, CNCH và không chế độ!
Còn theo Thượng tá Đoàn Mạnh Hùng, Trưởng phòng Hướng dẫn, chỉ đạo về phòng cháy, thời gian qua, một số xã, phường đã thành lập được đội dân phòng nhưng hoạt động gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do được thành lập trên cơ sở đội dân quân tự vệ, bảo vệ dân phố, một số người dân...
Tuy nhiên, điều kiện thực tế công việc của mỗi thành viên khác nhau nên tập hợp được đội dân phòng khi có sự cố cháy xảy ra không phải dễ dàng. Ở khu vực ngoại thành, có trường hợp thành viên đội dân phòng phải đi làm ăn xa nên rất khó để triệu tập họ tham gia các hoạt động của đội. Ông Phạm Văn Thắng, phụ trách công tác PCCC ở phường Lạch Tray (quận Ngô Quyền) cho biết: “Phường đã thành lập được các đội dân phòng ở 15 tổ dân phố. Các thành viên hoạt động tự nguyện song chưa được hưởng cơ chế chính sách hỗ trợ nào từ các cấp, ngành”.
Cần chú trọng huấn luyện nghiệp vụ
Xuất phát từ thực trạng trên, lực lượng Cảnh sát PCCC thành phố đang tích cực triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kiến thức CNCH, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đội viên đội PCCC cơ sở và dân phòng cùng toàn thể người dân.
Một yêu cầu cấp bách đặt ra là lực lượng chức năng cần tăng cường mở các lớp đào tạo bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng CNCH chuyên sâu và phù hợp với nhiệm vụ của lực lượng PCCC cơ sở và dân phòng. Thực tế chỉ ra rằng, khi xảy ra sự cố, tai nạn, nếu các hoạt động CNCH ngay từ giai đoạn ban đầu càng nhanh bao nhiêu thì hiệu quả càng cao bấy nhiêu.
Để làm được điều này, UBND phường, xã không có giải pháp nào khác là phải từng bước hoàn thiện về cơ cấu tổ chức, năng lực thực hiện nhiệm vụ CNCH của đội PCCC cơ sở và đội dân phòng. Cảnh sát PCCC thành phố tiếp tục tham mưu đắc lực cho UBND các cấp đầu tư cho hoạt động CNCH, đặc biệt là trang bị phương tiện để lực lượng nòng cốt trên chủ động xử lý khi có tình huống xảy ra. Cùng với đó là việc tổ chức hướng dẫn biện pháp, giải pháp thực hiện công tác CNCH; tổ chức các đợt kiểm tra nghiệp vụ đối với lực lượng PCCC cơ sở và dân phòng.
Thượng tá Nguyễn Minh Khương nhấn mạnh, lực lượng PCCC tại chỗ là lực lượng nòng cốt tại khu dân cư, góp phần thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” trong công tác PCCC và CNCH. Những khó khăn, vướng mắc hiện nay cần được cơ quan chức năng nắm bắt, tháo gỡ kịp thời cả về cơ chế chính sách, phụ cấp trách nhiệm, đến việc tập huấn, hướng dẫn kỹ năng, nghiệp vụ PCCC, CNCH thường xuyên.
“Để nâng cao hiệu quả công tác PCCC, CNCH trong giai đoạn hiện nay, ngoài sự nỗ lực của Cảnh sát PCCC thành phố, cần có sự tham gia của toàn xã hội, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Chỉ khi đó mới có thể giảm thiểu được số lượng và thiệt hại từ các sự cố, tai nạn xảy ra” - thượng tá Khương khẳng định.
PV
16:33 22/12/2024
14:01 21/12/2024
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về dịch vụ nổ mìn
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết