Nâng cao hiệu quả tuyên truyền PCCC tại khu dân cư: Ngăn chặn và giảm thiệt hại cháy, nổ

08:42 25/08/2017

Từ năm 2014 đến nay, tại khu dân cư thường xảy ra các vụ cháy, trong đó có một số vụ cháy gây hậu quả thiệt hại nhiều người và tài sản. Góp phần ngăn chặn, giảm nguy cơ cháy nổ xảy ra tại các khu dân cư, thời gian qua, công tác tuyên truyền về PCCC luôn được quan tâm đẩy mạnh.

Thiếu hiểu biết về PCCC, nguy hại khó lường

Qua khảo sát thực tế của Cảnh sát PCCC thành phố, hiện nay, tại nhiều khu dân cư, nguy cơ cháy nổ khá cao, đặc biệt là các khu dân cư trong ngõ sâu, khu chung cư, tập thể cũ…

Tuy nhiên, nhiều người dân chưa thật sự quan tâm và có rất ít người hiểu biết kiến thức và kỹ năng PCCC, chưa nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác này và những nguy hiểm, thiệt hại do cháy gây ra.

Mặc dù đã có hai năm triển khai xây dựng, nhân rộng mô hình Khu chung cư, tổ dân phố, nhà tập thể an toàn PCCC, nhưng đến nay, vì nhiều nguyên nhân, thành phố mới có 1 khu chung cư, 44 tổ dân phố, 1 nhà tập thể được công nhận đạt chuẩn về PCCC. 

 Thực tế trên càng cho thấy, trong hoạt động PCCC và cứu nạn, cứu hộ, công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật và kiến thức về PCCC cho nhân dân là hoạt động quan trọng nhất.

Việc tuyên truyền sâu rộng đến từng hộ, từng nhà không chỉ giúp người dân nhận thức được vị trí, tầm quan trọng của công tác PCCC, thấy rõ được nghĩa vụ và quyền lợi của mình trong việc PCCC mà còn nâng cao ý thức trách nhiệm và bồi dưỡng kiến thức cho quần chúng về PCCC. Tuyên truyền về PCCC là tuyên truyền về quyền làm chủ của nhân dân trong lĩnh vực PCCC, kiến thức pháp luật, kiến thức khoa học kỹ thuật về PCCC, tạo niềm tin để nhân dân tự nguyện, tự giác, tích cực thực hiện việc PCCC; đấu tranh, bài trừ các sai phạm, góp phần xã hội hóa công tác PCCC.

Tuy nhiên thực tế hiện nay, công tác tuyên truyền về PCCC ở các khu dân cư chưa thật sự được quan tâm, chú trọng, không ít người dân còn lơ là, thờ ơ với thông tin tuyên truyền về PCCC.

Tai nạn cháy nổ có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, khó lường trước hậu quả, đặc biệt là trong các khu dân cư và mỗi gia đình nếu bất cẩn, thờ ơ trong công tác PCCC. Từ thực tế đó, người đứng đầu cơ sở, cơ quan quản lý giáo dục, nhà trường, các cơ quan truyền thông, chủ hộ gia đình và mỗi người dân cần thấy rõ vai trò của công tác tuyên truyền PCCC, đặc biệt là vai trò của lãnh đạo chính quyền các cấp, để công tác tuyên truyền nhận được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác PCCC.

Qua đó, mỗi người sẽ tự nâng cao ý thức, tự tìm hiểu nâng cao hiểu biết, nhận thức, tự giác tham gia công tác phòng chống cháy nổ tại cơ quan hay tại chính ngôi nhà hay ngõ phố, khu dân cư đang sinh sống.

Phối hợp tuyên truyền hiệu quả

Kinh tế xã hội ngày càng phát triển, các nguy cơ cháy, nổ diễn ra ngày càng phức tạp, nguy cơ cháy lớn luôn tiềm ẩn khó lường; trong khi ý thức, kiến thức về PCCC của nhiều người dân vẫn còn hạn chế, đòi hỏi công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia phong trào toàn dân PCCC cần phải được quan tâm, đầu tư hơn nữa để công tác này thực sự đi vào chiều sâu. Đặc biệt là người đứng đầu cơ sở, lãnh đạo các cấp.

Công tác tuyên truyền về PCCC phải có sự phối hợp chặt chẽ của Mặt trận Tổ quốc các cấp, Công đoàn, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, trường học, cơ quan thông tin đại chúng…

Các ngành chức năng cần quan tâm, kiện toàn, nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của các đội dân phòng tại khu dân cư. Trong đó vai trò trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc tổ chức tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về PCCC, hướng dẫn các thao tác, sử dụng trang thiết bị, phương tiện PCCC cho nhân dân là vô cùng cần thiết.

Cùng với đó, việc tuyên truyền cũng cần phải đổi mới, hiệu quả, thiết thực, bảo đảm chất lượng và đa dạng về hình thức, nội dung tuyên truyền sâu rộng, phù hợp với thực tế từng địa phương.

Đơn cử như việc thường xuyên tổ chức các hội thi, hội diễn tuyên truyền, tìm hiểu pháp luật về PCCC theo hình thức sân khấu hóa… Bên cạnh tuyên truyền về luật, các văn bản liên quan đến công tác PCCC, các biện pháp phòng ngừa, cần tập trung những nguyên nhân thường gây ra cháy nổ trong gia đình như: an toàn về điện, gas, bất cẩn trong việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt; tuyên truyền về kỹ năng thoát hiểm, thoát nạn…

Công tác tuyên truyền trên lĩnh vực PCCC là hoạt động đa dạng, nhằm giáo dục, vận động, thuyết phục quần chúng hiểu, tin và quyết tâm hành động. Để hoạt động trên trở thành nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, Cảnh sát PCCC thành phố cần thường xuyên bồi dưỡng, đào tạo và nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác xây dựng phong trào toàn dân PCCC gắn với kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC, nhằm từng bước đưa công tác tuyên truyền về PCCC đi vào nề nếp, thường xuyên, liên tục và có hiệu quả.

Ngoài ra, lực lượng chức năng cần phải làm tốt vai trò tham mưu, hướng dẫn các cơ quan tổ chức để đưa các kiến thức PCCC và cứu nạn, cứu hộ đến với mọi tầng lớp nhân dân, góp phần giảm thiệt hại do cháy nổ gây ra, bảo vệ TTATXH, phục vụ đắc lực công cuộc phát triển - hội nhập của thành phố trong thời kỳ mới. 

LỆ TRANG

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông