15:21 25/05/2019 Những thông tin liên quan đến tình hình dịch tả lợn châu Phi vốn dĩ đã gây nhiều thiệt hại cho nhà nông. Nhưng khi mà nỗi lo ấy chưa dứt, thì đợt nắng nóng kéo dài vừa qua được xem như “thảm họa kép”, khiến các loại thực phẩm tươi sống mất giá ngay từ khi còn chưa kịp tiêu thụ…
Thực phẩm tươi sống ở chợ truyền thống chủ yếu để “trôi” tự do
Như “đổ dầu vào lửa”
Theo ông Nguyễn Mạnh T., một hộ gia đình chăn nuôi ở huyện An Lão, sau đợt biến động lao dốc xảy ra năm 2017, những tháng cuối năm 2018 và đầu năm 2019 giá lợn hơi trỗi dậy mạnh mẽ, có lúc đạt tới 56 nghìn đồng/kg. Nhiều chủ trang trại và gia trại bởi thế lại háo hức đầu tư tái đầu tư vào chăn nuôi lợn.
Tuy nhiên “vui chẳng tày gang”, chưa kịp đến mùa thu vốn thì dịch tả lợn châu Phi xuất hiện rồi lan rộng, không chỉ nhà có lợn dịch khổ, mà ngay những hộ giữ được đàn lợn cũng “khóc dở, mếu dở” vì giá giảm quá nhanh.
Ông T. cho biết, từ mức trên 50 nghìn đồng/kg dịp tết Nguyên đán Kỷ Hợi, giá lợn hơi giờ chỉ còn dưới 40 nghìn đồng/kg. Nguyên nhân do dịch tả châu Phi đã rõ, còn nguyên nhân nữa cũng không kém phần phiền muộn là do việc tiêu thụ lợn thịt giảm bởi thời tiết.
Theo phân tích của ông T., một phần do nhu cầu tiêu thụ mùa hè luôn thấp hơn các mùa khác, một phần do chế độ bảo quản kém, khiến các loại thịt làm sẵn chóng bị ôi oai và mất giá.
Giống như tâm trạng của ông T., hộ gia đình của ông L. ở huyện Tiên Lãng mấy tuần nay cũng điêu đứng vì thời tiết. Ngoài sản phẩm do gia trại nhà mình sản xuất, vợ chồng ông L. còn thu mua lợn và gia cầm của các hộ gia đình khác, đem vào nội thành tiêu thụ.
Ông L. cho biết, tại thị trường Hải Phòng, nguồn thịt tươi sống đến từ nhiều nguồn, nhưng vì xu thế công nghiệp nên ngày càng trải qua nhiều công đoạn lưu trữ, thời gian sản phẩm “chạy” trên tuyến lưu thông dài hơn.
Chẳng hạn, ở các lò mổ tập trung cũng như hộ cá thể, lợn gà thường được giết từ đêm hôm trước, không qua chế độ bảo ôn nào, đến gần sáng được khách đến lấy hoặc đem đi bỏ mối. Trong khi đó, với nhiệt độ những ngày vừa qua có lúc trên 40 độ C, các loại thịt chỉ có thể giữ tươi được khoảng 5 đến 7 tiếng là cùng.
Chia sẻ với phóng viên, chị H., một chủ sạp thịt làm sẵn ở đường An Đà tâm sự, buổi sáng thịt bày ra còn tươi hồng màu tiết, đến buổi trưa đã tái nhợt như bị luộc, có miếng bốc mùi.
Chính vì vậy, giá thịt bán ra trên thị trường hiện đang trong tình cảnh thất thường, cụ thể ở nhiều chợ đầu mối khu vực nội thành, giá thịt buổi sáng hiện cao hơn giá buổi trưa từ 10 đến 15%. Chị H. than thở: “Nếu không bán được hết vào đầu giờ, chỉ mấy tiếng thịt bị ôi thiu, bán giảm giá dưới vốn cũng khó”.
Nhiều hôm không tiêu thụ hết, chị H. lại phải bán tháo bán đổ cho các nhà hàng, cửa hàng chế biến đồ ăn sẵn với giá thấp hơn tới 30% giá thông thường.
Bảo quản thực phẩm theo phương pháp bảo ôn mới phổ biến tại các siêu thị
Nỗi lo dài hạn
Không riêng gì các loại thịt, đợt nắng lịch sử năm nay đang “tấn công” tổng thể vào hầu hết các loại thực phẩm tươi sống, dù mấy ngay qua thời tiết có phần dịu bớt, nhưng không có nghĩa là đã hết nóng.
Trong khi đó câu chuyện về bảo quản thực phẩm tươi sống trôi nổi trên thị trường truyền thống vẫn rất nan giải, mà nhiều năm qua chưa có dấu hiệu được khắc phục.
Đối với thủy sản, ngoài cá tôm tươi được giữ sống bằng các dụng cụ chứa nước truyền thống, phần lớn thủy sản khai thác đánh bắt đều ướp đá hoặc để tự nhiên, thời gian ươn ôi của tôm cá còn nhanh hơn. Các loại rau quả tươi cũng chung hoàn cảnh tương tự, dù được tưới nước đều đặn, nhiều loại rau xanh vẫn héo rũ.
Nhìn vào thị trường thực phẩm Hải Phòng hiện tại, ngoài lượng thực phẩm của hệ thống các siêu thị được bảo quản trong chế độ bảo ôn, còn lại thực phẩm tươi sống lưu thông ngoài khu vực truyền thống rất lớn, hầu hết bảo quản theo phương pháp tự nhiên.
Gần đây xuất hiện những thông tin về việc sử dụng các chất bảo quản thực phẩm, nhưng trên thực tế cũng chưa có bằng chứng nào cụ thể, kể cả những thông tin từ cơ quan chức năng. Hơn nữa, dù có dấu hiệu bảo quản bằng hóa chất, thì trong điều kiện thời tiết nắng nóng đang diễn ra, thực phẩm cũng không giữ được đúng nguyên trạng thái ban đầu.
Từ câu chuyện “đến hẹn lại lên” mấy năm nay cho thấy, hiện vấn đề bảo quản thực phẩm tươi sống cho khu vực chợ truyền thống vẫn chưa được quan tâm. Do thói quen và nhu cầu tiêu dùng, các mô hình bán sạp, bán mẹt kéo dài từ nội thành ra ngoại thành còn rất phổ biến, trong khi việc đầu tư cho môi trường bảo ôn quả là không tưởng.
Bởi lẽ ngoài việc phải tăng thêm giá trị về thiết bị, về tiền điện, người bán lại phải đầu tư thêm diện tích gian hàng, trong khi cơ bản các mô hình này vẫn kinh doanh tạm bợ, địa điểm không ổn định. Nghĩa là ước mơ về nhân rộng sản xuất kinh doanh theo chuỗi “từ chuồng trại đến bàn ăn” vẫn là viễn cảnh đối với cả nhà nông và nhà phân phối trên thực tế.
Khỏi phải nói đến chất lượng suy giảm khi thực phẩm bị ôi thiu, mà bản thân nó đang đem lại thiệt hại lớn về kinh tế cho cả người chăn nuôi, người phân phối và tạo nguy cơ mất an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.
Thực phẩm là thứ hàng “tiêu”, là nhu cầu thiết yếu liên quan trực tiếp đến sức khỏe sinh mạng của con người. Nên chăng, các cơ quan quản lý đã được phân cấp phân ngành, cũng cần có giải pháp thiết thực, tìm hướng phát triển ổn định cho lĩnh vực này.
Lê Minh Thắng
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về dịch vụ nổ mìn
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết