16:45 12/07/2023 Sau hơn 2 năm bị “cùm” chân vì đại dịch COVID-19, khi ngành du lịch Việt Nam bắt đầu mở lại, nhu cầu của người dân tăng lên chóng mặt. Để khởi động lại hoạt động, các hãng lữ hành đua nhau giới thiệu, quảng cáo nhiều chuyến du lịch với mức giá hấp dẫn. Lợi dụng tâm lý ham giá rẻ, dịch vụ tốt và tình trạng khan hiếm phòng ở các điểm du lịch, các đối tượng lừa đảo thường dùng hình ảnh khách sạn hạng sang, tour du lịch thú vị, cảnh quan đẹp để quảng cáo vào những hội, nhóm và giao dịch thông qua tin nhắn riêng.
Tiền mất, "tật mang"
Mới đây, anh Nguyễn Cao Cường (phường Lạc Viên, quận Ngô Quyền) lên mạng xã hội đặt tour cho 3 ngày đi Đà Nẵng. Tour này gồm vé máy bay, phòng đặt (qua một bên thứ 3) để nhận ưu đãi. Sau khi tham khảo một số nơi, nơi này có giá hợp lý nhất nên anh Cường đã chọn. Theo yêu cầu, anh Cường phải thanh toán 80% tổng số tiền trước khi nhận được mã đặt phòng. Thấy người bán tư vấn nhiệt tình nên anh Cường đồng ý chuyển tiền luôn và người bán cũng mất hút kể từ khi tài khoản của anh bị trừ tiền. “Khi bị lừa, tôi mới biết là trên các nhóm combo du lịch lại có nhiều người bị lừa đến thế. Chúng đưa ra tour giá rẻ hơn rất nhiều so với những công ty lữ hành khác, vì lòng tham, ham rẻ nên rất nhiều người dính lừa”, anh Cường chia sẻ.
Tương tự, chị Phạm Bách Diệp (phường Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân) lên mạng xã hội săn tour giá rẻ để chuẩn bị cho gia đình đi du lịch Sapa. Sau khi khảo sát, chị Diệp quyết định mua combo Sapa 3 ngày, 2 đêm trên một hội nhóm thanh lý voucher, bán tour du lịch với giá 10 triệu đồng dành cho 3 người, bao gồm bữa sáng.
Chưa kịp vui mừng vì đặt được tour giá rẻ, ưng ý thì gia đình chị Diệp gặp “ác mộng”. “Lên đến Sapa, tôi thực sự rơi vào khủng hoảng khi lên tới nơi mà không thấy khách sạn mình đặt phòng. Ngay lúc đó, tôi có gọi điện cho người bán nhưng không liên lạc được. Họ chặn từ số điện thoại, Zalo, Facebook của tôi. Lúc này tôi mới nhận ra mình bị lừa, đành cắn răng tìm khách sạn khác để thuê”, chị Diệp than thở.
Có thể thấy, thời gian qua, trên các hội, nhóm du lịch, nhiều khách hàng dính “bẫy” bởi những lời mời chào mua tour du lịch giá rẻ 3 ngày, 2 đêm hoặc 4 ngày, 3 đêm đến các điểm du lịch như: Đà Lạt, Sapa, Côn Đảo, Phú Quốc... với giá chỉ từ 1,5 triệu đồng đến 3 triệu đồng/người, bao gồm vé máy bay khứ hồi, ăn sáng và ở khách sạn hạng sang.
Kẻ lừa đảo thường dùng tài khoản Facebook ảo, tên và ảnh người khác, tự xưng là nhân viên/cộng tác viên công ty du lịch. Sau khi lùa được khách chuyển tiền vào tài khoản cho mình với lời hẹn ngày nhận mã vé và code phòng khách sạn, chúng lập tức biến mất bằng cách khóa tài khoản mạng xã hội, chặn hoặc hủy thông tin liên lạc, cơ quan chức năng khó quản lý, truy vết và xử phạt.
Việc thực hiện các giao dịch hầu như đều thông qua mạng xã hội, người bán dễ dàng “chốt đơn” chỉ sau vài tin nhắn, người cần tìm combo đăng bài và chỉ vài phút sau, rất nhiều người bán sẽ tự động nhắn tin quảng cáo, tư vấn tới họ. Chính vì vậy, người mua dễ bị những đối tượng xấu lợi dụng lừa đảo. Chúng không cần đăng tin rao bán mà chỉ cần có khách hỏi mua sẽ tự động nhắn tin mời chào. Do đó, việc kiểm soát những thành phần này cũng rất khó cho người quản lý.
Làm gì để tránh bị lừa đảo?
Ông Nguyễn Nam Phương, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel - Chi nhánh Hải Phòng thông tin: Hiện nay, các đối tượng lừa đảo “tour du lịch giá rẻ” hoạt động mạnh hơn do người dân có nhu cầu cao. Lợi dụng tâm lý ham giá rẻ, dịch vụ tốt và tình trạng khan hiếm phòng ở các điểm du lịch, đối tượng thường dùng hình ảnh khách sạn hạng sang, tour du lịch thú vị, cảnh quan đẹp để quảng cáo vào những hội, nhóm và giao dịch thông qua tin nhắn riêng nên rất khó kiểm soát.
Ông Phương đưa ra lời khuyên, trước khi quyết định đặt combo du lịch/khách sạn tại bất kỳ đơn vị nào, khách hàng nhất định phải thực hiện các biện pháp như kiểm tra thông tin đăng ký kinh doanh. Tiếp theo là kiểm tra các kênh mạng xã hội của công ty. Một fanpage được thành lập lâu đời, cộng thêm lượng review trải đều từ thời kỳ mới thành lập sẽ có tính uy tín cao hơn. Để chắc chắn hơn, mọi người nên đến trực tiếp trụ sở, văn phòng của công ty. Khi đó bạn sẽ có cái nhìn chính xác về cơ sở vật chất, đội ngũ nhân viên của công ty cũng như chất lượng dịch vụ. Nếu một công ty, đại lý không uy tín sẽ có địa chỉ không rõ ràng. Đặc biệt, khi thanh toán qua hình thức Internet Banking thì người mua nên kiểm tra tên tài khoản nhận tiền có trùng với tên cá nhân hoặc công ty đang giao dịch.
Bên cạnh đó, để bảo vệ quyền lợi của mình, khách hàng nên lưu lại toàn bộ các thông tin liên quan trong quá trình mua combo như thanh toán, mail, tin nhắn... Khi giao dịch, người mua phải yêu cầu bên cung cấp combo làm hợp đồng với các điều khoản chi tiết về chuyến bay, khách sạn, giá vé và các chi phí phát sinh khác, trách nhiệm nếu vi phạm hợp đồng và các chế tài xử lý. Đặc biệt, nếu thấy có dấu hiệu bất thường, người mua cần sớm trình báo với Cơ quan công an để được hỗ trợ bảo vệ quyền lợi hợp pháp. Về phía các cơ quan quản lý nhà nước, thông qua công tác nắm tình hình cũng cần kiểm tra, xác minh tổ chức, cá nhân cung cấp combo du lịch giá rẻ bất thường để phát hiện, kịp thời ngăn chặn hành vi lừa đảo.
Lan Phương
10:28 23/12/2024
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết