07:48 01/04/2022 Những ngày gần đây, khi số ca mắc Covid-19 trên địa bàn thành phố tăng nhanh, đã xuất hiện tình trạng một số mặt hàng phục vụ phòng, chống dịch tăng giá. Đáng nói, có nhiều thiết bị y tế và loại thuốc quảng cáo chữa Covid-19 trôi nổi trên thị trường được không ít người chọn mua. Trước tình hình trên, các ngành chức năng thành phố, trong đó lực lượng CATP đã chủ động triển khai nhiều giải pháp đấu tranh, ngăn chặn tình trạng tàng trữ, vận chuyển, buôn bán các thiết bị y tế và thuốc điều trị COVID-19 trôi nổi, không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn chứng từ để thu lợi...
Lợi dụng tình hình để trục lợi
Tìm hiểu của phóng viên Chuyên đề An ninh Hải Phòng cho thấy, lợi dụng dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều đối tượng đã kinh doanh thuốc điều trị Covid-19 không rõ nguồn gốc, quảng cáo là “hàng xách tay” và chào bán công khai qua mạng xã hội. Chỉ cần vào một tài khoản Facebook hoạt động như một “chợ” tân dược trên mạng xã hội, thì ít phút sau khi nêu nhu cầu, hàng chục kết nối của những tài khoản khác nhau đã nhắn tin “săn đón”, chào mời nếu khách muốn mua “hàng xách tay” hay hàng “tuồn” từ bệnh viện lớn ra đều được đáp ứng với vô vàn các mức giá khác nhau.
Trước tình hình này, ngay từ đầu năm, lực lượng Phòng Cảnh sát kinh tế-CATP đã chủ động tham mưu Ban Giám đốc CATP chỉ đạo triển khai các kế hoạch đồng thời phối hợp với Công an các đơn vị, địa phương triển khai nhiều giải pháp đấu tranh, ngăn chặn tình trạng tàng trữ, vận chuyển, buôn bán các thiết bị y tế và thuốc điều trị COVID-19 trôi nổi, không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn chứng từ. Liên tiếp nhiều vụ việc kinh doanh test nhanh, thuốc điều trị COVID-19 không rõ nguồn gốc xuất xứ đã bị lực lượng chức năng phát hiện, xử lý.
Điển hình mới đây nhất, vào 21h30 ngày 16-3, tại khu 17 Mahatan, Đô thị Vinhome Imperia, thuộc phường Thượng Lý, Hồng Bàng, tổ công tác Phòng Cảnh sát kinh tế- CATP phát hiện Trần Văn Mạnh và Phạm Đức Hoàng, cùng sinh 1983, đều ở Vạn Mỹ, Ngô Quyền, đang giao bán cho Trịnh Thanh Ngọc Mai, sinh 1981, ở Kiền Bái, Thủy Nguyên 1 thùng carton và 1 túi nilon hàng màu đỏ.
Qua kiểm tra, tổ công tác phát hiện bên trong có 200 hộp thuốc Favipiravir Areplivir 200mg và 300 hộp thuốc Broncho Munal 7mg. Đáng nói, toàn bộ số hàng trên bao bì vỏ hộp thuốc đều ghi chữ nước ngoài, không có tem nhập khẩu, hướng dẫn sử dụng tiếng Việt và không xuất trình được hóa đơn, chứng từ, nguồn gốc xuất xứ của số hàng trên.
Các đối tượng khai nhận, số hàng trên là thuốc dùng cho bệnh nhân mắc Virus Covid 19, thuốc sản xuất tại nước Nga được nhập khẩu không chính ngạch vào Việt Nam. Trần Văn Mạnh mang số thuốc này từ Hà Nội xuống Hải Phòng để bán cho Mai; giá bán là thuốc Favipiravir là 2,1 triệu đồng/1 hộp và thuốc Broncho Munal là 900.000 đồng/1 hộp. Qua khám xét nhà nơi ở của các đối tượng, lực lượng chức năng thu giữ thêm hơn 4.000 hộp thuốc Favipiravir Areplivir 200mg, Broncho Munal 7mg, Abidol 100mg và 200mg.
Trước đó, khoảng 19h45 ngày 7-3, tại khu vực bãi đỗ xe ô tô 440 phố Tô Hiệu, thuộc phường Hồ Nam, quận Lê Chân, tổ công tác của Đội 5, Phòng Cảnh sát kinh tế- CATP cũng phát hiện, bắt quả tang 2 đối tượng Tô Đức Hồng, sinh 1983, ở xã Quyết Tiến, huyện Tiên Lãng và Phạm Thị Ánh Nguyệt, sinh 1991, ở xã An Tiến, huyện An Lão, đang giao nhận 2.800 hộp thuốc nhãn hiệu LIANHUA QINGWEN JIONANG. Số hàng này được bốc dỡ từ xe ô tô BKS: 15A-549.20 do Phạm Thúy Nga, sinh 1976, trú tại xã An Đồng, huyện An Dương điều khiển.
Tại quận Hồng Bàng, liên tiếp trong các ngày từ 25 đến 28-2, lực lượng Công an quận đã phát hiện, bắt giữ 4 vụ mua bán kit test xét nghiệm và thuốc điều trị Covid-19 không có hóa đơn chứng từ nguồn gốc xuất xứ.
Cụ thể, vào trưa 28-2, tổ công tác Công an quận phát hiện Nguyễn Văn Quế, sinh 1989, ở thôn 2, xã Trung Hà, huyện Yên Lạc (tỉnh Vĩnh Phúc) vận chuyển 1.200 hộp thuốc “Liên hoa thanh ôn” gồm 28.800 viên do Trung Quốc sản xuất, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, trị giá khoảng hơn 100 triệu đồng.
Trước đó, ngày 25-2, Công an quận Hồng Bàng đã phát hiện 2 vụ mua bán, vận chuyển lượng lớn gồm 800 hộp thuốc “Liên hoa thanh ôn” không có giấy tờ chứng minh xuất xứ hàng hóa, trị giá khoảng 70 triệu đồng. Trong đó, phát hiện và thu giữ của Nguyễn Thị Ngọc Anh, sinh năm 1992, ở phố Hàng Kênh (quận Lê Chân) 400 hộp thuốc “Liên hoa thanh ôn” gồm 9.600 viên; phát hiện và thu giữ của Đỗ Thị Thu Hằng, sinh năm 1988, ở phố Lãn Ông (quận Hồng Bàng) 400 hộp thuốc “Liên hoa thanh ôn” gồm 9.600 viên.
Đến ngày 26-2, Công an quận phát hiện Lai Văn Huy, sinh năm 1991, ở xã An Tiến (huyện An Lão) đang vận chuyển 1.500 bộ kit test xét nghiệm Covid-19 nhanh do Trung Quốc sản xuất, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, trị giá 100 triệu đồng. Tại thời điểm kiểm tra, các đối tượng đều không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa và khai nhận nghe “quảng cáo” trên mạng xã hội là thuốc “Liên hoa thanh ôn” chữa được bệnh Covid-19 nên tổ chức mua bán để kiếm lời!
Kiểm soát chặt thị trường
Qua khảo sát của phóng viên, thị trường thuốc, vật tư, thiết bị y tế trên địa bàn thành phố thời điểm cuối tháng 1 và tháng 2-2022, khi số F0 tăng cao đã xảy ra hiện tượng giá kit test xuất xứ trong nước và Trung Quốc tại một số nhà thuốc “vổng” lên 100.000 - 120.000 đồng. Thậm chí, nhiều người trước đây vốn chỉ bán hàng tạp hóa, mỹ phẩm dù không có chuyên môn về y tế thì khi dịch bệnh cao điểm cũng đăng bán kit test và thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị Covid-19 trên mạng xã hội Facebook, Zalo...
Tại các nhà thuốc, các mặt hàng hỗ trợ, điều trị về đường hô hấp luôn "cháy” hàng. Đáng chú ý, trên thị trường đã xuất hiện những loại thực phẩm chức năng, kit test không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ được rao bán tràn lan trên các trang mạng xã hội. Các loại thuốc đặc trị được cho của nước ngoài như: Nga, Mỹ, Ấn Độ... cũng được rao bán khá nhiều.
Đặc điểm chung là các loại thuốc đều không có nhãn phụ, hoàn toàn bằng chữ nước ngoài. Trong khi đó, theo các chuyên gia y tế, mỗi thuốc kháng vi rút chỉ có công dụng với một số đối tượng bệnh nhân nhất định nên cần đúng chỉ định của bác sĩ, do đó người dân cần cẩn trọng không nên mua hàng trôi nổi chưa được Bộ Y tế chấp thuận. Chưa kể, thuốc trị Covid-19 có nhiều chống chỉ định, đòi hỏi phải tuân thủ chặt chẽ; trong quá trình sử dụng cũng cần giám sát cẩn thận tác dụng phụ để tránh xảy ra rủi ro đáng tiếc.
Trước nhu cầu vật tư, thiết bị y tế phòng, chống dịch Covid-19 tăng "nóng”, để lành mạnh hoá thị trường thiết yếu và đặc biệt này, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Công Thương, Sở Y tế, CATP, Cục Quản lý thị trường, UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện nghiêm Công điện số 286/CĐ-BYT, ngày 3/3/2022 của Bộ Y tế về đảm bảo cung cấp trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19.
Đồng thời, Ban Chỉ đạo 389 thành phố đã ban hành Kế hoạch kiểm tra, giám sát đối với các mặt hàng phục vụ công tác phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố. Cơ quan liên ngành gồm lực lượng Quản lý thị trường, Y tế, Công an tiếp tục phối hợp kiểm tra tại các nhà thuốc hoặc theo diễn biến thị trường có thể điều chỉnh phù hợp với tình hình dịch bệnh thực tế; tập trung kiểm tra việc thực hiện niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; nhãn hàng hóa và các quy định về chất lượng...
Theo quy định, test xét nghiệm nhanh, thuốc điều trị Covid-19 là những hàng hóa được quản lý theo quy định của pháp luật và việc sản xuất, vận chuyển hoặc mua bán những loại hàng hóa này là loại hàng hóa đặc thù. Bởi vậy, phải tuân thủ các quy định của Luật Dược; Luật Khám, chữa bệnh cũng như các văn bản pháp luật chuyên ngành khác có liên quan. Do đó, các hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán các thiết bị y tế và thuốc điều trị Covid-19 trôi nổi, không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn chứng từ tùy theo mức độ vi phạm đều bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
THỦY NGUYÊN
13:55 21/12/2024
17:51 20/12/2024
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết