Ngành GD-ĐT thành phố: Tập trung giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông

    10:40 13/04/2024

    Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh cấp THCS, THPT được xem là giải pháp căn cơ trong tình hình hiện nay. Nhờ vậy, nhận thức của xã hội cũng như phụ huynh và học sinh trong việc lựa chọn bước đi tiếp theo cho tương lai sát với nhu cầu lao động xã hội và phù hợp với năng lực, sở thích bản thân các em.

    Theo công bố của Bộ GD-ĐT, năm 2024 là năm cuối cùng thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học theo chương trình giáo dục phổ thông hiện hành. Kể từ năm 2025, các kỳ thi sẽ có những thay đổi đáng kể về nội dung và hình thức. Vì vậy, không ít học sinh lớp 12 và các phụ huynh đang khá lo lắng, bởi nếu không trúng tuyển đại học trong năm 2024, các em sẽ phải cạnh tranh gay gắt trong mùa tuyển sinh năm đối với những quy định mới.

    Chính vì vậy, việc chuẩn bị từ sớm cho các kỳ thi và lên chiến lược lựa chọn các ngành học, trường đại học đúng với sở thích, sở trường sẽ gia tăng cơ hội hoàn thành mục tiêu trong năm nay cho các thí sinh cuối cùng theo học chương trình hiện hành.

    Với hơn 250 trường THCS và THPT cùng hơn 226.000 học sinh, hàng năm, từ đầu năm học, Sở GD-ĐT ban hành hướng dẫn thực hiện hoạt động giáo dục hướng nghiệp, dạy nghề phổ thông gửi Phòng GD-ĐT các quận, huyện; các trường THPT và các trung tâm giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp... 

    Các em học sinh tìm hiểu thông tin từ các cơ sở đào tạo

    Điều này cho thấy, giáo dục hướng nghiệp là hoạt động bắt buộc đối với học sinh lớp 9 cấp THCS và lớp 10, 11, 12 cấp THPT. Các hoạt động này được triển khai qua việc tư vấn, hướng nghiệp của nhà trường cũng như được lồng ghép trong một số môn học như: Công nghệ, giáo dục ngoài giờ… Ngoài ra, các trường còn phối hợp với các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp giới thiệu các ngành nghề đào tạo, tổ chức trải nghiệm tham quan các làng nghề, khu du lịch, dịch vụ... cùng các hoạt động ngoại khóa, cuộc thi tìm hiểu về nghề nghiệp, thi khoa học kỹ thuật để định hướng tương lai cho học sinh.

    Bên cạnh đó, còn phải kể đến hiệu quả chương trình giáo dục STEM (giáo dục tích hợp khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học), góp phần trang bị kiến thức, kỹ năng vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các vấn đề trong thực tiễn.

    Nhiều trường THPT trên địa bàn thành phố cho biết, trong các buổi hướng nghiệp, học sinh đều được cung cấp thông tin về đặc điểm ngành nghề, bí quyết chọn nghề và cả những sai lầm khi lựa chọn. Ngoài ra, nhà trường còn thường xuyên cập nhật thông tin mới về phương án tuyển sinh, xu hướng nghề nghiệp, những ngành nghề đang “hot” hiện nay như công nghệ thông tin, du lịch, nông nghiệp... Từ đó, học sinh càng có thêm những lựa chọn phù hợp với năng lực, sở trường, điều kiện của bản thân, gia đình...

    Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2024 tại Trường Đại học Hàng hải Việt Nam thu hút đông đảo học sinh các trường THPT trên địa bàn thành phố tham gia

    Trung tuần tháng 3 vừa qua, hơn 7.000 học sinh THPT thành phố đã được tham gia chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2024 tại Trường Đại học Hàng hải Việt Nam do Báo Tuổi trẻ, Sở GD-ĐT, Thành đoàn Hải Phòng và trường này phối hợp tổ chức.

    Đây là mùa thứ 22 (kể từ năm 2003) và là lần thứ 11 chương trình diễn ra tại Hải Phòng, thu hút đông đảo học sinh, các vị phụ huynh, các đơn vị giáo dục đến tham dự, tìm hiểu thông tin.

    Cô giáo Trần Thị Hạnh, giáo viên Trường THPT Ngô Quyền cho biết, nhà trường đã huy động 100% học sinh và giáo viên chủ nhiệm lớp 12 tham dự để nắm bắt những thông tin tuyển sinh đại học năm 2024 mới nhất. Đây là thời điểm rất quan trọng, bởi các em học sinh lớp 12 đang chuẩn bị làm hồ sơ đăng ký xét tuyển vào các trường đại học theo nguyện vọng, sở thích. Đến chương trình tư vấn, các em sẽ hiểu rõ hơn về ngành mình chọn, điều kiện xét tuyển, năng lực của bản thân, từ đó có được lựa chọn phù hợp nhất.

    Trao đổi với học sinh tại chương trình, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) đã nhắc thí sinh khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển lên hệ thống xét tuyển của Bộ, cần quét tất cả dữ liệu mình có (ví dụ học bạ, chứng chỉ năng lực, chứng chỉ ngoại ngữ…) để không bỏ sót cơ hội đỗ vì hệ thống sẽ xử lý dữ liệu để xác nhận cho thí sinh trúng tuyển một nguyện vọng có thứ tự ưu tiên cao nhất…

    Còn theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Đỗ Văn Lợi, phân luồng và định hướng nghề nghiệp là hoạt động, nhiệm vụ quan trọng của các nhà trường. Để nâng cao hiệu quả hoạt động này hơn nữa, Sở tiếp tục bồi dưỡng, phát triển đội ngũ giáo viên làm công tác tư vấn, hướng nghiệp trong các trường THPT và tăng cường chỉ đạo các trường đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức tuyên truyền tới học sinh và gia đình.

    Bên cạnh đó, nhằm làm tốt hơn nữa công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh, thời gian tới, ngành GD-ĐT tiếp tục đẩy mạnh hoạt động trên tới đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh, phụ huynh học sinh và cộng đồng.

    VŨ DUYÊN

    Từ khóa:
    Bình luận của bạn về bài viết...

    captcha

    Bản tin Pháp luật

    Video clip

    Phóng sự ảnh

    An toàn giao thông