Ngành thép đối mặt với nhiều vụ kiện phòng vệ

10:30 26/06/2018

Theo nhận định của Hiệp hội Thép Việt Nam, tình hình sản xuất và bán hàng các sản phẩm thép tháng 5 tăng khá so với cùng kỳ năm 2017. So với tháng 4, sản xuất thép các loại tăng 4% và bán hàng tăng cao 14%. Tính chung 5 tháng, sản lượng sản xuất - bán hàng của các thành viên hiệp hội vẫn tiếp tục đà tăng trưởng cao so với cùng kỳ 2017, đáp ứng nhu cầu thép trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, ngành thép Việt Nam vẫn phải đối mặt với khá nhiều khó khăn với nhiều vụ kiện phòng vệ…

Đà tăng trưởng khá

Theo Hiệp hội thép Việt Nam, trong tháng 5, sản lượng thép đạt 2.083.816 tấn, tăng 4% so với tháng trước và tăng 27% so với cùng kỳ 2017. Sản xuất ống thép đạt mức tăng trưởng cao nhất trong tháng 5. Các sản phẩm thép được bán ra đạt 2.108.626 tấn, tăng lần lượt 14% so với tháng 4, và tăng 45% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, xuất khẩu thép đạt 387.477 tấn, giảm 5% so với tháng 4, nhưng tăng xấp xỉ 31% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 5 tháng đầu năm, các thành viên hiệp hội đã sản xuất 4.988.088 tấn và tiêu thụ 5.181.642 tấn. Thép thành phẩm các loại đạt 9.678.653 tấn, tăng 24% so với cùng kỳ 2017 và tăng 41,7% so với cùng kỳ 2016.

Doanh số bán hàng 5 tháng qua đạt 6.698.893 tấn, tăng 35,2% so với cùng kỳ năm 2017 và tăng 38,8% so với 4 tháng năm 2016. Trong đó, xuất khẩu đạt 1.568.826 tấn, tăng 47,7% so với cùng kỳ 2017...

Trong các thị trường xuất khẩu, ASEAN vẫn là thị trường chính với lượng xuất khẩu hơn 1,087 triệu tấn thép, chiếm tới hơn 57% tổng lượng thép thành phẩm xuất khẩu. Tiếp đến là các thị trường Hoa Kỳ chiếm 15,2% tổng lượng thép thành phẩm xuất khẩu, EU chiếm 10%, Hàn Quốc 4,1% và Đài Loan 3,3%.

Đối mặt với nhiều vụ kiện phòng vệ

Tuy nhiên, thời gian gần đây, các sản phẩm thép của Việt Nam bị đánh thuế chống bán phá giá (CBPG), chống trợ cấp ở nhiều nước trên thế giới. Trong đó có nhiều vụ nghi ngờ là thép Trung Quốc chuyển xuất xứ sang Việt Nam.

Ngày 21-5 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ tuyên bố áp thuế nhập khẩu mạnh tay lên các sản phẩm thép vận chuyển từ Việt Nam nhưng được cho là có xuất xứ Trung Quốc, sau khi kết quả điều tra cuối cùng của Washington xác định những sản phẩm thép này "né" thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp của Mỹ.

Mới đây, Indonesia cũng đã chính thức công bố áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm tôn màu nhập khẩu từ Việt Nam ở mức từ 12,01% đến 28,49% trong 5 năm.

Trong những năm gần đây, sản phẩm thép và liên quan đến thép là một trong những ngành chịu nhiều vụ kiện thương mại nhất.

Trước tình trạng này, các chuyên gia kinh tế cho rằng, các doanh nghiệp trong nước cần phải nâng cao năng lực cạnh tranh của bản thân mình, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập và các biện pháp tự vệ được áp dụng nhiều như hiện nay.

Ngành công nghiệp thép trong nước phải cố gắng khép kín từ khâu đầu vào đến sản xuất để loại trừ dần nguồn gốc xuất xứ từ các nước nhằm giảm thiểu việc các nước cho rằng Việt Nam lẩn tránh thuế.

Việc nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng bộ và khép kín sản xuất... sẽ chính là giải pháp cơ bản và lâu dài trong bối cảnh các vụ kiện phòng vệ lên ngành thép ngày càng nhiều.

BH (tổng hợp)

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông