Ngành Y tế Hải Phòng “bấm nút khởi động”, chủ động, sẵn sàng ứng phó với dịch viêm phổi do vi rút Corona gây ra

21:01 25/01/2020

Thực hiện công văn chỉ đạo của Bộ Y tế và UBND thành phố về việc có kế hoạch đáp ứng với bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của vi rút cúm Corona (nCoV), sáng 24-1, lãnh đạo Sở Y tế thành phố triệu tập các phòng, đơn vị trực thuộc Sở và Trung tâm y tế các quận, huyện bàn về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch viêm phổi do vi rút này gây ra.

Tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế Phạm Thu Xanh nghe các đơn vị báo cáo công tác chuẩn bị triển khai phòng, chống dịch; lắng nghe các đề xuất, kiến nghị về nhân lực, cơ sở vật chất, phương tiện, cơ số thuốc, vật tư thiết yếu...

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin về tình hình diễn biến dịch bệnh tại Việt Nam, Trung Quốc và một số quốc gia khác và công điện của Chính Phủ, Sở Y tế ban hành 3 văn bản chỉ đạo khối Y tế dự phòng; các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến đầu và một số trung tâm y tế quận, huyện sẵn sàng mọi điều kiện cần thiết để phản ứng nhanh, ứng phó với dịch viêm phổi ở cả 3 cấp độ: chưa phát hiện, phát hiện ca đầu tiên và phòng, chống lây lan tại cộng đồng.

Theo Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế Nguyễn Văn Thanh, từ khi có thông tin về tình hình dịch bệnh, thực hiện chỉ đạo của Sở Y tế,  Trung tâm phối hợp chặt chẽ với Cảng vụ Hàng không quốc tế Cát Bi kịp thời phát hiện, xử lý các ca nghi mắc. Ngoài lĩnh vực hàng không, Trung tâm giám sát chặt chẽ số tàu thuyền ra vào cảng và các thuyền viên là người nước ngoài. Theo đó, hiện mỗi ngày Hải Phòng đón tiếp khoảng 140 đến 200 thuyền viên là người nước ngoài, trong đó khoảng 50% là người Trung Quốc. Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế trang bị sẵn sàng phương tiện kiểm dịch hiện đại; nếu phát hiện thuyền viên có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, sẽ phối hợp lực lượng biên phòng yêu cầu dừng hoạt động phương tiện và xin ý kiến chỉ đạo của thành phố. Tuy nhiên, đến thời điểm này, cả đường hàng không và đường hàng hải, chưa phát hiện trường hợp nào khả nghi mắc bệnh.

Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Phùng Minh Hoa cho biết, Trung tâm phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để điều tra, nắm vững tình hình dịch bệnh, nhất là theo dõi chặt chẽ người từ vùng dịch trở về hoặc từng tiếp xúc với người bệnh và những người từ nước ngoài trở về có triệu chứng ho, sốt...; chuẩn bị mọi điều kiện, trang thiết bị cần thiết để lấy mẫu bệnh theo quy trình của Bộ Y tế; thực hiện gửi mẫu lên Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để có kết quả nhanh chóng trong vòng 24 giờ. Song song với đó là điều tra các ca bệnh có yếu tố nghi ngờ; giám sát phòng, chống dịch tại các cơ sở điều trị. Trong tình hình cảnh báo khẩn cấp, Trungtâm Y tế dự phòng tiến hành giám sát và thực hiện chế độ báo cáo hằng ngày lên Sở Y tế kể từ ngày 24-1 (30 Tết); phân công cán bộ, nhân viên thực hiện lịch trực 24/24. Đối với các cơ sở y tế tư nhân, Trung tâm cũng yêu cầu có quy định về giám sát bệnh truyền nhiễm và thực hiện báo cáo ngày.

Lãnh đạo Sở Y tế Hải Phòng kiểm tra công tác bảo đảm an toàn khu vực cách ly hành khách quốc tế có biểu hiện mắc cúm

 

Trung tâm Y tế dự phòng thành phố mong muốn Sở Y tế có kế hoạch tập huấn ngay về công tác giám sát, lấy mẫu, điều tra và những quy định chặt chẽ trong gửi mẫu từ tuyến thành phố lên tuyến trung ương. Đồng thời, khi phát hiện thông tin về người mắc bệnh, Trung tâm đề nghị các bệnh viện thông tin để trung tâm kịp thời trực tiếp lấy mẫu, bảo đảm chất lượng mẫu và thời gian gửi mẫu lên Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.

  Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 Nguyễn Văn Thảo thông tin, nhận được văn bản chỉ đạo của Sở Y tế, Trung tâm thành lập ngay Ban chỉ đạo phòng, chống dịch. Nếu có ca nghi ngờ mắc bệnh ở Hải Phòng, sẽ huy động xe cấp cứu khẩn cấp vận chuyển người bệnh đến cơ sở y tế tuyến đầu; xây dựng quy trình báo cáo hằng ngày của trung tâm; sẵn sàng phương án dự trù cơ số bảo hộ gồm 7 thành tố.

 Giám đốc Bệnh viện hứu nghị Việt Tiệp Lê Anh Cường cho biết, ngay trong chiều 24-1, bệnh viện mời các chuyên gia dịch tễ về tập huấn cho cán bộ, nhân viên bệnh viện về công tác phòng, chống dịch; khẩn trương chuẩn bị cơ sở vật chất để sẵn sàng công tác khám, chữa bệnh. Về sàng lọc, cách ly người bệnh, bệnh viện tiến hành sàng lọc ngay từ khu vực cấp cứu và phòng khám bệnh ban đầu. Nếu phát hiện người bệnh có dấu hiệu dịch tễ và sốt, cho đeo khẩu trang và vận chuyển về khu vực cách ly tại Khoa bệnh nhiệt đới. Hiện, Khoa bệnh nhiệt đới của bệnh viện có sức chứa khoảng 60 bệnh nhân. Nếu số lượng bệnh nhân đông, bệnh viện sẽ thành lập đơn vị  dã chiến, sẵn sàng ứng phó khi phát hiện dịch bệnh và nhanh chóng khoanh vùng,nguyên tắc sống còn là cách ly tại chỗ để điều trị bệnh. Tuy nhiên, theo Giám đốc Bệnh viện Việt Tiệp, đến nay, bệnh viện chỉ có bảo hộ thông thường, đề nghị cần được trang bị bảo hộ chuẩn cho cả nhân viên y tế và người bệnh. Về trang thiết bị, bệnh viện đề nghị bổ sung thêm máy thở và một số trang thiết bị khác.

Lãnh đạo BV Hữu nghị Việt- Tiệp nêu các phương án ứng phó dịch (Ảnh Hồng Hải)

Theo Phó giám đốc Bệnh viện trẻ em Hải Phòng Trần Minh Cảnh, bệnh viện luôn bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh để triển khai cách ly khi có yêu cầu. Hiện, Khoa truyền nhiễm của bệnh viện có 120 giường, chia làm 2 khu vực, sẵn sàng đón tiếp người bệnh. Bệnh viện đề nghị thành phố, Sở Y tế trang bị bảo hộ đặc chủng cho nhân viên y tế; mở lớp tập huấn về cách ly để điều trị bệnh.

 Phát biểu kết luận cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế Phạm Thu Xanh đề nghị trước thông tin tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên thế giới, nhất là vùng dịch ở Trung Quốc  và các cảnh báo về các ca nghi nhiễm ở miền Bắc và một số tỉnh phía Nam hiện nay, ngành “bấm nút khởi động”  toàn ngành Y tế vào cuộc phòng, chống dịch. Các đơn vị phòng và chữa bệnh làm tốt công tác tuyên truyền để nhân dân hiểu về tình hình dịch bệnh, chủ động tham gia vào công tác phòng, chống dịch nhưng không quá hoang mang, lo lắng. Trung tâm Y tế dự phòng thành phố tập trung ngay vào công tác nắm bắt, điều tra, giám sát tình hình dịch bệnh tại cộng đồng và các cơ sở y tế; sẵn sàng mọi điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, trang thiết bị phòng, chống và khoanh vùng dịch (nếu có). Đồng thời, sẵn sàng lấy mẫu xét nghiệm khi có yêu cầu; thực hiện chế độ báo cáo theo ngày. Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế tăng cường lực lượng tại Cảng vụ hàng không quốc tế Cát Bi; sử dụng phương tiện kỹ thuật hiện đại để phát hiện người bệnh từ đường hàng không, hàng hải và báo cáo Sở ngay sau khi phát hiện người bệnh để chỉ đạo xử lý kịp thời.

 Đối với các cơ sở khám và điều trị bệnh, nhất là hai bệnh viện tuyến cuối là Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp, Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng cần có kế hoạch cụ thể, chi tiết, sẵn sàng mọi điều kiện về cơ sở vật chất, thuốc men, thiết bị để khám và điều trị bệnh. Riêng đối với Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng cần làm tốt công tác phân loại, sàng lọc với các biểu hiện bệnh cảm cúm, ho sốt thông thường. Các bệnh viện, trung tâm Y tế quận, huyện cần thiết làm kỹ tiền sử người bệnh và thực hiện báo cáo hằng ngày, nếu nghi ngờ các trường hợp  bệnh cần yêu cầu lấy mẫu xét nghiệm ngay; phối hợp chặt chẽ với Trung tâm cấp cứu 115 để vận chuyển người bệnh; cử cán bộ tham dự các lớp tập huấn về dự phòng và điều trị bệnh. Với Trung tâm Y tế không có giường bệnh, đề nghị các trạm y tế tăng cường giám sát tại cộng đồng…

* Cũng trong sáng cùng ngày, Sở Y tế tiến hành kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh tại Cảng hàng không quốc tế Cát Bi.    

Theo báo cáo của Cảng vụ hàng không quốc tế Cát Bi, hiện lượng khách của cảng là 7000 khách/ngày. Trong đó có khoảng 400 đến 500 khách quốc tế đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan. Lượng khách dao động từ 200 đến 400 khách quốc tế, trong đó một nửa là người Trung Quốc theo 2 đường bay từ Thẩm Quyến và Côn Minh sang. Hiện nay, Cảng vụ và Trung tâm kiểm dịch Y tế quốc tế phối hợp chặt chẽ, đưa ra phương án tốt nhất trong kiểm dịch, phòng, chống dịch bệnh. Ngoài việc bố trí phòng kiểm dịch, tại cảng còn có phòng lưu người bệnh và lực lượng y tế sẵn sàng vận chuyển người bệnh. Ngoài thiết bị đo thân nhiệt hiện đại, máy cầm tay, Trungtâm Kiểm dịch Y tế quốc tế cũng trang bị 200 cơ số bảo hộ từ áo, kính, khẩu trang, ủng…cho nhân viên y tế, nhân viên sân bay và phát khẩu trang cho hành khách...

Ts Phạm Thu Xanh phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp (Ảnh Hồng Hải)

Sau khi kiểm tra trực tiếp các phương tiện và phòng kiểm dịch, lãnh đạo Sở Y tế yêu cầu Cảng vụ hàng không quốc tế Cát Bi phối hợp với Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế cần thiết tuyên truyền cho nhân viên và phi hành đoàn có biện pháp phòng chống dịch, tránh tiếp xúc gần với người nghi ngờ mắc bệnh khi chưa được trang bị bảo hộ đầy đủ. Đối với nhân viên Trung tâm kiểm dịch Y tế quốc tế, khi phát hiệncó người bệnh cần nhanh chóng mặc bảo hộ, đưa người bệnh vào phòng cách ly, gọi cấp cứu 115. Trong việc vận chuyển cần có sự phối hợp chặt chẽ; tẩy uế hoàn toàn khu vực lưu giữ tạm thời người bệnh. Giai đoạn khẩn cấp, cần tăng cường nhân viên kiểm dịch từ 2 người/ngày lên 4 người/ngày; thường xuyên báo cáo dịch hằng ngày, bảo đảm thông tin 2 chiều giữa lãnh đạo Sở Y tế và lãnh đạo cảng vụ.

 Sở Y tế nhận định, thời điểm thời tiết nồm, ẩm rất thuận lợi cho vi rút corona phát triển mạnh, vì thế  để phòng, chống dịch bệnh, Sở Y tế khuyến cáo người dân duy trì nhiệt độ phòng ở từ 25 độ trở lên, bảo đảm sạch sẽ, thông thoáng. Mặt khác, không nói chuyện, tiếp xúc với người từ vùng dịch trở  về hoặc từng tiếp xúc với người bệnh mà có dấu hiệu ho, sốt...Khi phát hiện người có dấu hiệu bệnh, cần chuyển người bệnh tới ngay Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp (với người lớn) và Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng (với trẻ em). Số điện thoại đường dây nóng khi cần tư vấn thông tin về bệnh và cách phòng, chống dịch bệnh là: bác sĩ, tiến sĩ Ngô Anh Thế, Trưởng khoa bệnh nhiệt đới (Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp)0902.210.218; bác sĩ,tiến sĩ Nguyễn Quang Chính, Giám đốc Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe thành phố: 0978.789.499. Với các trường hợp cần lấy mẫu xét nghiệm, có thể liên hệ bác sĩ Hồng Hải (Trung tâm Y tế dự phòng thành phố): 0903.265. 275.

Hồng Hải

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông