Ngày Xuân nghe chuyện Bác Hồ

14:10 14/02/2018

Giao thừa tết xuân Bính Tuất 1946, Đài tiếng nói Việt Nam truyền đi khắp đất nước lời chúc mừng năm mới của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Hỡi đồng bào cả nước! Hôm nay là mùng một tết năm Bính Tuất, ngày tết đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Tôi thay mặt Chính phủ chúc đồng bào năm mới muôn sự tốt lành…”.

Bác Hồ với nhân dân (ảnh tư liệu)

Người ở trong lòng dân!

Vào thời khắc thiêng liêng ấy, dù bộn bề công việc quốc gia, giữa muôn vàn khó khăn và hiểm nguy rình rập, vị Chủ tịch của một nước vẫn đến từng hẻm phố, vui tết với người lao động. Trong hồi ký của mình, ông Vũ Kỳ - nguyên Thư ký của Bác từng kể:

“19h30 ngày 1-2-1946 (tức 30 tết Bính Tuất), trời tối đen, rét ngọt… Chúng tôi đi cùng Bác. Xe dừng ở đầu phố Hàng Đũa (Hà Nội), đường mấp mô có lúc phải bật đèn pin, Bác vào một nhà cuối ngõ, gọi cửa không thấy tiếng trả lời. Nhà không cài then, căn phòng hẹp lạnh lẽo chỉ có ngọn đèn dầu nhỏ không đủ soi sáng, tôi hỏi to: “Nhà có ai không?”. Có tiếng rên khe khẽ từ một võng tre kê sát vách. Tôi lại gần thấy một người đắp chiếu, bèn ghé vào đầu giường nói: “Cụ Hồ đến chúc tết đấy!”.

Không thấy tiếng đáp lại, nhưng tiếng rên cũng ngưng bặt. Rờ tay lên trán chủ nhà thấy sốt nóng, Bác kéo chiếu che kín cho người đó rồi xúc động lấy khăn lau nước mắt, lặng lẽ đi ra. Ngồi trên xe, Bác nhắc khẽ: “Mai chú nhớ mang thuốc, quà và thiếp chúc tết đến thăm hỏi!”. Sáng hôm sau, khi đến thăm chúng tôi mới biết chủ nhà là người tỉnh khác về Hà Nội, làm phu kéo xe nhưng không đủ tiền thuốc thang và về quê ăn tết với gia đình...”.

Bác Hồ với nghề báo

Cũng vào xuân Bính Tuất 1946, trong không khí đích thực của cái tết độc lập, Bác viết trong bài “Mừng báo Quốc gia”: “Tết này mới thật tết dân ta/ Mấy chữ chào mừng báo Quốc gia/ Độc lập đầy vơi ba cốc rượu/ Tự do vàng đỏ một rừng hoa/ Muôn nhà chào đón xuân dân chủ/ Cả nước vui chung phúc cộng hòa!”. Với vai trò là người đặt nền móng cho báo chí cách mạng Việt Nam, bản thân cũng là nhà báo lỗi lạc, Người luôn coi báo chí là một vũ khí đấu tranh sắc bén trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.

Từ ngày còn làm báo ở nước Nga, Người đã viết: “Bây giờ làm báo chớ viết khô khan quá, phải viết cho văn chương. Vì ngày trước khác, người đọc báo chí chỉ muốn biết sự thật. Còn bây giờ khác, sinh hoạt đã cao hơn, người ta thấy hay, thấy lạ, thấy văn chương thì mới thích đọc…”. Trong sự nghiệp hoạt động cách mạng, Người đã sáng lập và làm chủ bút ít nhất 5 tờ báo là: Người cùng khổ (Pháp - 1922), Thanh Niên (Trung Quốc - 1925), Lính cách mệnh, Công nông và Việt Nam Độc lập (Việt Nam - 1941)… Tính từ năm 1951 đến năm 1969, Người đã viết 1.118 bài cho báo Nhân dân. Trên mặt trận báo chí, Người không chỉ là một chiến sỹ xung kích mà còn là người chỉ huy tài ba. Từ đó, biết bao thế hệ nhà báo đã trưởng thành nhờ bản lĩnh và đạo đức nghề nghiệp được truyền thụ từ Người.

Với kinh nghiệm tích tụ được từ nghề báo, Người đã chia sẻ: “Làm báo phải nghiêm chỉnh thẳng thắn, nói có sách mách có chứng, phải phê bình với tinh thần thành khẩn, xây dựng, và cụ thể hơn, những người ở bất kỳ địa vị nào… nếu phê bình sai thì phải đăng báo giải thích…”. Đối với các nhà báo trẻ, Người nhắc tới những cố tật phải sửa là: “Bài báo thường quá dài, dây cà dây muống không hợp với trình độ và thời gian của quần chúng, thường nói một chiều, đôi khi hay thổi phồng các thành tích mà ít nói tới hạn chế khuyết điểm của ta, thiếu cân đối, tin nên ngắn lại viết dài, tin nên viết dài thì lại viết ngắn”.

Người chỉ rõ: “Đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng, một tờ báo không được đại đa số dân chúng ham chuộng thì không xứng đáng là tờ báo. Muốn dân chúng coi tờ báo ấy là của mình thì nội dung, tức là các bài viết phải giản đơn, dễ hiểu, phổ thông thiết thực, hoạt bát và hình thức cách sắp đặt các bài, cách in phải sạch sẽ, sáng sủa”.

Sinh thời, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng viết: “Suốt cuộc đời, Hồ Chí Minh là người cầm bút, chiến đấu trên mặt trận văn hóa, báo chí, với một văn phong đa dạng, nhiều sắc thái… gợi mở những tư tưởng lớn lao, thúc đẩy những việc làm tốt đẹp, bằng những lời lẽ giản dị, giàu hình tượng, nói lên được điều lớn từ những chữ nhỏ’”. Gắn liền với niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh của nhân dân, xuyên suốt sự nghiệp cách mạng của dân tộc, Người nói: “Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân, trong thế giới không có sức mạnh nào bằng nhân dân”. Đó cũng chính là định hướng cho những người làm báo với việc đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết, vì nhân dân là khán giả, là độc giả của báo chí.

Hồ Chủ tịch khẳng định: “Báo chí của ta đã có một địa vị quan trọng trong dư luận thế giới… cho nên làm báo phải hết sức cẩn thận về hình thức, về nội dung, về cách viết…”. Những kinh nghiệm quý báu và lời dạy của Người, đã định hướng cho báo chí cách mạng góp sức làm nên những chiến công hiển hách chói sáng trên đỉnh cao hùng vĩ của sự nghiệp dân tộc.

Ngày nay, chúng ta đang sống và làm việc trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng, những cơn gió muôn phương ào ạt thổi vào, có dịu có cay, có lành có độc, sự phức tạp khó khăn sinh sôi nảy nở giữa cám dỗ của tiền tài vật chất và danh vọng, đòi hỏi một bản lĩnh kiên cường nhuộm vào tâm huyết mỗi người làm báo. Đây cũng là lúc người làm báo hoà cùng đồng bào cả nước tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, tác phong Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị.

Bởi tư tưởng và phong cách của Bác kính yêu luôn là hội tụ của tư duy chiến lược siêu phàm, với đạo đức thuần khiết, kết tinh thành niềm tự hào đồng hành cùng dân tộc, rực rỡ như ánh hào quang soi rọi nước non này.

Gia Lê

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông