Nghệ nhân dân gian đàn đáy Tô Văn Tuyên: Chắt chiu cho mỗi giọt đàn

15:50 14/12/2018

Quán vắng, người thưa, trong một không gian của buổi chiều đông vẫn còn vương vấn đầy nắng, gió, anh, người nghệ nhân đàn đáy say sưa giảng giải cho tôi nghe về cái hay, cái lạ của một cây đàn dân tộc kén người chơi. Anh là Nghệ nhân đàn đáy Tô Văn Tuyên…

Nghệ nhân dân gian Tô Văn Tuyên (phải) biểu diễn đàn đáy cùng ca nương

Nếu như chưa biết anh Tô Văn Tuyên thì trong lần đầu gặp mặt thì khó có thể nghĩ anh là một kép đàn, một nghệ sĩ,  một nghệ nhân đàn đáy “hiếm hoi”  trong giáo phường Ca trù Hải Phòng đã nức tiếng gần xa bấy lâu nay.

Gần gũi, giản dị nhưng lại lắng sâu, đầy xúc cảm như chính cây đàn với những ngón đàn, giọt đàn mà anh đã gắn bó, chắt chiu trong gần 20 năm nay.

Dâng dâng cảm xúc, nghệ nhân dân gian Tô Văn Tuyên trải lòng về những ngày đầu anh “thuộc” về đàn đáy…

Sinh năm 1982, tại “cái nôi” của Ca trù Hải Phòng là làng Đông Môn xưa nay là xã Hòa Bình, huyện Thủy Nguyên, nhưng từ thưở nhỏ, anh Tô Văn Tuyên lại chưa có nhiều cơ hội “tiếp xúc” với Ca trù.

Nghệ nhân dân gian Tô Văn Tuyên chia sẻ: Sinh ra và lớn lên vào đúng giai đoạn trầm lắng của ca trù trên quê hương mình, nên anh chưa biết nhiều về ca trù, đàn đáy thì lại càng “xa vời” đối với anh. Ngay đi học, chàng trai trẻ Tô Văn Tuyên chỉ thích chơi đàn ghi ta và cũng được nhiều người trong làng biết đến.

Đến năm 2002, Ca trù được nhiều người chú ý, quan tâm đến hơn. Ngày đó Hội Văn nghệ dân gian thành phố đã rất nhiều lần cất công về Đông Môn để sưu tầm, nghiên cứu về Ca trù. Bên cạnh đó còn có 1 tổ chức thế giới là Quỹ FOR luôn đi tìm kiếm, khôi phục, bảo tồn những giá trị văn hóa, văn nghệ dân gian truyền thống của các nước.

Trong đó họ dành sự quan tâm đặc biệt cho Ca trù của Việt Nam nói chung và Ca trù Hải Phòng nói riêng. Tổ chức này đã dành một phần kinh phí để đào tạo những thế hệ kế cận cho nghệ thuật Ca trù. Và anh là 1 trong 5 người được chọn được học lớp Đào tạo diễn viên trẻ hát Ca trù toàn quốc của Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức tại Học viện Âm nhạc tại Hà Nội.

Trong 5 người thì có duy nhất anh là nam giới. Mà chỉ có nam giới mới sử dụng được đàn đáy vì cây đàn này rất to lớn, muốn chơi được đàn phải là người có tầm vóc và sức khỏe. Nên anh được chọn là người học đàn đáy từ đó.

Những ngày đầu tiếp xúc với cây đàn đáy, anh cảm thấy thật khó vô cùng. Bởi theo anh Tô Văn Tuyên, muốn ra được tiếng đàn hay thì tay “gẩy” với tay “nhấn” phải có sự kết hợp hài hòa, mà phải thật “chỉn chu”.

Chỉ cần tay nhấn “sâu” một chút là tiếng đàn phô, chênh. Còn tay nhấn “nông” một chút là tiếng đàn “non”, không có độ sâu lắng. Phải thật “nắn nót”, “chắt chiu” mới có được những ngón đàn hay, những giọt đàn đong đầy xúc cảm.

Sau 1 tháng học những kiến thức về nhạc lý, về đàn đáy và 1 tháng say mê với cây đàn đáy cùng những ngón gẩy, ngón nhấn, anh Tô Văn Tuyên học được 3 thể cách.Nhưng ngày đó anh mới chỉ gọi là “đánh đúng”.

Cũng từ khi ấy, anh Tuyên đã biết  mình “thuộc” về đàn đáy. Tuy nhiên, sau thời gian học đàn, anh lại không có nhiều cơ hội đưa tiếng đàn đáy tới những người yêu thuật ca trù.

Nhưng tình yêu với những cây đàn dân tộc đã thôi thúc anh Tô Văn Tuyên tiếp tục tự học và tự thi vào Khoa Đàn dân tộc của Trường Trung học Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch nay là Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Hải Phòng.

Ở trường vì khoa không có giáo viên giảng dạy về đàn đáy nên anh theo học đàn Nguyệt. Song không phải vì thế tình yêu với đàn đáy trong anh bị bỏ lửng.

Vừa theo học ở trường, anh Tuyên vừa tham gia vào Câu lạc bộ Ca trù Đông Môn và Giáo phường Ca trù Hải Phòng. Ở đó, anh đã học được rất nhiều từ các nghệ nhân như cụ Trần Trọng Quế, cụ Nguyễn Hãn.

Đặc biệt cuộc gặp gỡ với cụ Nguyễn Phú Đẹ, một kép đàn tài hoa còn sót lại của thế kỷ 20 thì anh mới vỡ vạc ra nhiều hơn về các ngón đàn.

Với những gì chắt chiu được sau gần 20 năm gắn bó với đàn đáy, kép đàn Tô Văn Tuyên đã đạt được huy chương vàng, nhiều danh hiệu cao quý như “Kép đàn xuất sắc”, “Kép đàn triển vọng”, “Kép đàn tài năng” tại các kỳ Liên hoan Ca trù toàn quốc.

Năm 2016, anh Tô Văn Tuyên được trao tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian đàn đáy. Vừa qua, tại Liên hoan Ca trù toàn quốc 2018, Nghệ nhân dân gian đàn đáy Tô Văn Tuyên Giải A cho “Kép đàn tài năng”.

Hiện nay ở Hải Phòng chỉ có 2 kép đàn. Song việc truyền dạy lại gặp rất nhiều khó khăn. Trăn trở về điều này, nghệ nhân dân gian đàn đáy Tô Văn Tuyên tâm sự: Đàn đáy rất kén người chơi. Là một trong những cây đàn lớn nhất thế giới, đàn đáy đòi hỏi phải là người có sức khỏe, ở độ tuổi trưởng thành mới chơi được.

Thêm vào đó, lại đòi hỏi khả năng thẩm âm, đặc biệt là tình yêu với cây đàn dân tộc này. Tại khoa đàn dân tộc của các trường văn hóa nghệ thuật cũng chưa có bộ môn đàn đáy. Thế nên việc truyền dạy rất hạn chế. Anh mong muốn các cấp, các ngành chức năng quan tâm có cơ chế thành lập, xây dựng một chuyên ngành đàn đáy trong các trường nghệ thuật để có thể bảo tồn, phát triển loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc này.

Xuân Hạ

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông