09:21 13/08/2019 Gương mặt tươi sáng, tràn trề niềm vui sướng, những người nghệ nhân ấy không giấu nổi niềm hạnh phúc của mình khi vinh dự là một trong số ít nghệ sĩ được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” (NNƯT) vì những cống hiến cho nghệ thuật dân gian trong những ngày vừa qua. 3 nghệ nhân đó là Nguyễn Thị Thu Hằng, Nguyễn Thị Sinh và Đinh Xuân Hăng.
Phó Chủ tịch UBND TP Lê Khắc Nam thừa ủy quyền Chủ tịch nước trao Danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” tặng 3 nghệ nhân
Cầm trên tay tấm Bằng danh hiệu Nhà nước phong tặng, NNƯT Nguyễn Thị Thu Hằng, người được mệnh danh là “Đào nương có giọng hát ca trù hay nhất Việt Nam” (năm 2011) xúc động trải lòng: Được đứng trên sân khấu ngày hôm nay để nhận danh hiệu cao quý do Nhà nước phong tặng này chị vô cùng hạnh phúc.
Chị không thể quên được những ngày đầu tầm sư học đạo với rất nhiều khó khăn, vất vả. Chị muốn chia sẻ và dành tặng những gì trân quý nhất tới những người thầy của mình trong lĩnh vực ca trù. Đây còn là trách nhiệm của chị để làm thế nào để ca trù ngày càng gìn giữ, bảo tồn và tỏa sáng, cũng như mang ca trù đến gần với thế hệ trẻ nhiều hơn.
NNƯT Nguyễn Thị Thu Hằng, sinh năm 1971, ở phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân đến với ca trù vào năm cuối của thế kỷ 20.
Chị đã được các nhà chuyên môn đánh giá là một giọng hát đầy cảm xúc, là tài năng của nghệ thuật ca trù trong những năm đầu tiên chị đứng trên sân khấu của liên hoan ca trù những năm 2005.
Giọng hát sáng, có nội lực, cách nhả âm, luyến chữ đạt đủ độ vang, rền, nền, nảy của ca nương đất Cảng đã thuyết phục được các nghệ nhân dân gian, đem đến sự ngỡ ngàng của ban giám khảo.
Đến nay, với gần 20 năm gắn bó thiết tha với ca trù, NNƯT Thu Hằng nắm bắt và hiểu biết sâu sắc về chuyên môn, kỹ thuật của nghệ thuật hát Ca trù; thành thạo nhuần nhuyễn hát và phách hơn 20 thể cách Ca trù (bắc phản, mưỡu, hát nói, gửi thư, thổng, bỏ bộ, chúc dỡ, hát giai, phú)...
Chị đã tham gia nhiều kỳ liên hoan ca trù toàn quốc, đoạt nhiều giải thưởng, bằng khen. Nhưng có lẽ điều đáng quý ở người nghệ nhân này, là tấm lòng của chị trong công cuộc truyền dạy cho thế hệ sau.
Từ thực tế trải nghiệm của bản thân lại học qua nhiều phương pháp truyền dạy khác nhau, chị đã tự hệ thống lại ưu khuyết của từng phương pháp rồi viết nên một giáo trình truyền dạy được đánh giá là hợp lí và đạt hiệu quả cao.
Chị tham gia truyền dạy ca trù cho các em học sinh khóa đầu tiên trong câu lạc bộ ca trù Trường tiểu học Nguyễn Công Trứ của quận Lê Chân theo một dự án đầy ý nghĩa và nhân văn là “đưa ca trù vào giảng dạy tại các trường học nhằm tạo nguồn bồi dưỡng nhân tài cho môn nghệ thuật bác học này trong tương lai”. Đến nay, chị đã trực tiếp truyền dạy 36 học trò.
Là chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) hát Đúm xã Lập Lễ (huyện Thủy Nguyên) nghệ nhân Đinh Như Hăng, được Nhà nước phong tặng danh hiệu NNƯT đã trở thành niềm hạnh phúc của riêng người nghệ nhân dân gian này mà trở thành niềm tự hào của cả một làng quê.
Nghệ nhân Đinh Như Hăng sinh năm 1960. Ông may mắn ngay từ lọt lòng mẹ đã được nuôi dưỡng tâm hồn trong các làn điệu hát Đúm từ bố mẹ là nghệ nhân dân gian Đinh Như Thiệu và Vũ Thị Liêm.
NNƯT Đinh Như Hăng chia sẻ: Từ khi là một cậu bé, ông thường đi theo bố và các nghệ nhân trong làng tham gia các hội xuân như hát hội làng, thi giao lưu giữa các CLB, hội, nhóm...
Các làn điệu hát đúm đã thấm vào trái tim, tâm hồn ông tự nhiên như hơi thở cuộc sống. Trải qua tháng năm, hiện ông đã nắm bắt, trình diễn thuần thục tất cả các làn điệu, các lối hát Đúm bao gồm: hát chào, hát mừng, hát huê tình, lối mời trầu, lối hát thư, hát chơi nhà, hát cưới, hát sắm, hát đi lính, hát đi học, lối đố giảng, lối hát họa và lối hát ra về.
Từ năm 2013 đến nay, ông Hăng và các thành viên CLB liên tục tham gia các cuộc thi hát Đúm giữa CLB các xã: Lập Lễ, Phả Lễ, Phục Lễ, Tam Hưng, Ngũ Lão vào dịp Tết và đoạt giải cao.
Không chỉ đi hát ở xã, huyện, ông còn được cử đi hát giao lưu tại Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội), Lễ hội Hoa Phượng Đỏ, lễ hội đền Tràng Kênh...
Hằng tháng, CLB hát Đúm xã Lập Lễ duy trì sinh hoạt đều kỳ và giao lưu giữa các CLB các xã trên địa bàn huyện. Đặc biệt, ông còn trực tiếp truyền dạy hát Đúm cho các cháu học sinh Trường THCS và Trường tiểu học Lập Lễ mỗi tháng 2 buổi, duy trì mỗi lớp học 20 em. ông Hăng cho biết.
Trong khi đó, nghệ nhân Nguyễn Thị Sinh (tức Nguyễn Thị Thủy), sinh năm 1955, ở phường Dư Hàng Kênh (quận Lê Chân) với hơn 30 năm thực hành nghề, nắm vững và thực hành thông thạo các nghi lễ chầu văn trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, truyền dạy nghề cho hơn 50 học trò.
Ông Nguyễn Đức Giang, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian thành phố cho biết: Hải Phòng có thêm 3 NNƯT trong nghệ thuật trình diễn dân gian và tập quán xã hội, tín ngưỡng tạo niềm vui, phấn khởi đối với những người làm công tác văn hóa thành phố, nhất là trong lĩnh vực sưu tầm, nghiên cứu, thực hành, truyền dạy và quảng bá văn hóa dân gian.
Trong thời gian tới, Hội sẽ đề xuất Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật thành phố, Sở Văn hóa - Thể thao tham mưu với thành phố tổ chức vinh danh, biểu dương và có chế độ đãi ngộ thỏa đáng như trợ cấp hằng tháng, cấp BHYT với các NNƯT như quy định. Đây là vinh dự, trách nhiệm của Hội trong việc kịp thời giữ gìn, tôn vinh các “báu vật nhân văn sống”.
Xuân Hạ
15:05 08/01/2025
16:26 06/01/2025
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh