Nghề truyền thống, cần một đòn bẩy phát triển bền vững (Kỳ 2): Tìm tiếng nói chung

15:22 15/08/2019

Tiên Cầm là tên làng nghề thuộc xã An Thái của huyện An Lão. Trước kia, sản phẩm của Tiên Cầm chủ yếu là đồ gia dụng như rổ giá, rần sàng, nong nia, thúng mủng… Rồi các ngành công nghiệp ào ào phát triển, gần như chẳng có sản phẩm nào từ tre mà không bị thay thế bằng nhựa hay kim loại, vì thế sản phẩm tre cùng những người thợ nghề bị dồn chung vào một nỗi buồn.

Sản phẩm gốm của làng nghề Dưỡng Động (Thủy Nguyên)

Người Tiên Cầm xoay ra đan cốt tre làm ngựa mã, mỗi sản phẩm vặn ghì xước chảy máu tay mới bán được vài nghìn đồng. Khổ nỗi hàng “đặc chủng” này phụ thuộc vào vận thịnh suy của nhân thế, dịp nào người ta cúng nhiều thì ngựa mã còn “phi” được, chứ những tháng ế ẩm, rỗi vụ cứ đan để đấy.

Không chỉ nghề mây tre đan như Tiên Cầm (An Lão), Chính Mỹ (Thủy Nguyên) hay Tiên Sa (An Dương),  mà cả chiếu cói Lật Dương (Tiên Lãng), trồng cau ở Cao Nhân (Thủy Nguyên) cũng chưa thể xem là kế sách dài lâu để tiến tới hoà nhịp với một xã hội ngày càng văn minh hiện đại.

Tuy nhiên, những làng nghề trên đây chỉ chỉ mang tính nổi bật, chiếm tỷ lệ khá nhỏ trong tổng thể ngành nghề nông thôn Hải Phòng. Có thể thấy, bên cạnh những kết quả tích cực của một số sản phẩm, việc đầu tư phát triển cho sản phẩm ngành nghề nông thôn Hải Phòng còn bộc lộ nhiều bất cập. Sự dàn trải sản phẩm ngành nghề nông thôn khiến sự phân nhóm nghiên cứu để quy hoạch và định hướng phát triển khá khó khăn đối với các nhà quản lý.

Trong khi đó việc gìn giữ nghề truyền thống vẫn mang nặng phương pháp kinh nghiệm là một áp lực đè lên sự phát triển của ngành nghề nông thôn hiện nay. Mới thấy việc công nhận danh hiệu làng nghề truyền thống mới chỉ nói lên sự tồn tại tự nhiên theo cơ chế tự phát, chưa toát lên được vai trò của chính sách trong việc thúc đẩy hoạt động nghề nói chung trong thời gian qua. Đây là những nét khuyết trong bức tranh toàn cảnh về nghề ở Hải Phòng.

Nghề sản xuất gạch xây dựng ở Tiên Hội (An Lão)

Đấy là sản phẩm, còn đánh giá ở góc độ khác như môi trường, hiện cũng đặt ra những vấn đề nan giải đối với các cơ sở sản xuất ngành nghề nông thôn Hải Phòng. Tại xã Mỹ Đồng, mặc dù đã có cụm công nghiệp tập trung nhưng vẫn còn nhiều công xưởng nằm trong khu dân cư, nước thải và khí bụi trong quá trình nấu luyện là điều khó tránh khỏi. Hoặc ở làng nghề mộc, người sinh hoạt chung với khí bụi mùi sơn, nguyên vật liệu dễ cháy tập kết bừa bộn ngay trong buồng bếp cũng là điều phổ biến.

Trong khi đó sản phẩm chế biến bánh đa ở Đông Phương (Kiến Thụy) hay Tân Tiến (An Dương), dù đã nhiều hộ sản xuất áp dụng các phương pháp kỹ thuật mới, nhưng việc hong phơi vẫn tận dụng mái nhà, đường rãnh và bờ ruộng, gây bất ổn về  an toàn vệ sinh thực phẩm.

Mấy năm gần đây, ngành nghề nông thôn càng ít được quan tâm, gần như là khoảng trống trong quy hoạch phát triển của thành phố. Trong khi hiện có rất nhiều ngành chi phối đến hoạt động của ngành nghề nông thôn, thành phố cũng có nhiều đơn vị hỗ trợ như các trung tâm khuyến nông, khuyến công, khuyến ngư…

Nhưng vấn đề đặt ra là hiện đang thiếu một cơ chế kết nối từ lựa chọn ngành nghề, xác định nguồn nguyên liệu, quy chuẩn kỹ thuật, tạo vốn và nhân lực, đánh giá tác động môi trường đến sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Thiết nghĩ vấn đề này cần phải được đẩy mạnh hơn, để ngành nghề nông thôn thực sự xứng đáng là một kênh kinh tế đóng góp hiệu quả vào sự nghiệp phát triển.

          Nhìn vào thực trạng, đánh giá đúng bản chất truyền thống ngành nghề nông thôn để phân biệt với sức hút đầu tư từ bên ngoài là cả một vấn đề. Có quan điểm cho rằng, việc quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn phải lấy nghề truyền thống làm mấu chốt, mà trong đó xây dựng cơ sở hạ tầng là động lực thúc đẩy cơ bản, điều hiện nay khả năng tự phát của các địa phương còn yếu toàn diện.

Kết quả khảo sát cho thấy, ngoài các mô hình sản xuất manh mún tại gia, ngay ở những nơi sản xuất tập trung tỷ lệ nhà xưởng tạm, thiết bị công cụ lạc hậu chiếm vẫn chiếm đa số. Nguồn lực lao động hiện cũng vậy, đa số thành nghề nhờ phương pháp “khẩu thủ” nghĩa là truyền trực tiếp bằng tay bằng miệng.

          Phải nói rằng những năm gần đây, nhiều hoạt động hỗ trợ đã được xúc tiến, nhưng cần phải thẳng thắn nhìn nhận là một số không nhỏ những mô hình được hỗ trợ hoạt động không có hiệu quả.

Nhiều ứng dụng khoa học công nghệ về đến địa phương bị “đắp chiếu”, mà phần lỗi thuộc rất nhiều vào những đơn vị có trách nhiệm ở cơ sở. Trong khi vấn đề phục hồi và phát triển nghề truyền thống là cả một quy trình, từ việc lựa chọn sản phẩm đủ sức cạnh tranh để phát triển, đầu tư hạ tầng cơ sở, truyền nghề, tổ chức sản xuất đến tiêu thụ… đều phải thực hiện khép kín.

Nhưng việc quản lý quy hoạch theo hình thức phối quản và cộng quản thuộc nhiều cấp ngành, khiến công tác phối hợp giữa các ngành rất yếu, gần như là tiền thuộc về ngành nào ngành ấy tiêu, thành thử ngân sách đổ vào không nhỏ nhưng hiệu quả không đúng với yêu cầu.

Một tâm lý đang tồn tại ở nhiều địa phương là chỉ mong nhận hỗ trợ theo kiểu “hoa thơm mỗi người hưởng một tí”, không đạt được nhiều tác dụng so với mục tiêu đặt ra. Nhìn từ góc độ quản lý,  bản thân nhiều cán bộ làm công tác tư vấn, hỗ trợ cũng không phải là những người thợ hoặc làm thương mại giỏi, nên nhận thức và đánh giá cũng như thực hiện vẫn còn nan giải.

          Thực tế nếu giữ nghề truyền thống theo tập quán như hiện nay, khi mà sản phẩm đã quá lạc hậu không đủ sức cạnh tranh với thời đại, thì việc công nhận danh hiệu làng nghề cũng không có nhiều ý nghĩa. Thiết nghĩ các ngành nên có một tiếng nói chung và cụ thể về vấn đề này.

Lê Minh Thắng

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông