Nghị định 56/2023/NĐ-CP: Quy định về huấn luyện kỹ thuật an toàn trong sản xuất, quản lý, bảo quản, sử dụng pháo hoa, pháo hoa nổ, thuốc pháo

11:36 18/09/2023

Tại khoản 8 Điều 3 Nghị định 56/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 96/2016/NĐ-CP ngày 1-7-2016 quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, Nghị định 99/2016/NĐ-CP ngày 1-7-2016 về quản lý và sử dụng con dấu, Nghị định 137/2020/NĐ-CP ngày 27-11-2020 quy định về quản lý, sử dụng pháo (NĐ56/CP), được Chính phủ ban hành ngày 24-7-2023, đã sửa đổi, bổ sung Điều 18 Nghị định số 137/2020/NĐ-CP ngày 27-11-2020 về quản lý, sử dụng pháo (NĐ137/CP).

Theo đó, công tác huấn luyện về kỹ thuật an toàn trong sản xuất, quản lý, bảo quản, sử dụng pháo hoa, pháo hoa nổ, thuốc pháo được quy định như sau:

Một là. Đối tượng phải huấn luyện về kỹ thuật an toàn trong sản xuất, quản lý, bảo quản và sử dụng pháo hoa nổ, thuốc pháo nổ bao gồm:

a) Người quản lý;

b) Người lao động trực tiếp sản xuất pháo hoa nổ, thuốc pháo nổ;

c) Người được giao quản lý kho pháo hoa nổ, thuốc pháo nổ;

d) Chỉ huy bắn pháo hoa nổ;

đ) Người sử dụng pháo hoa nổ;

e) Người bảo vệ, bốc dỡ tại kho pháo hoa nổ, thuốc pháo nổ; người áp tải, điều khiển phương tiện vận chuyển pháo hoa nổ, thuốc pháo nổ.

Hai là. Đối tượng phải huấn luyện kỹ thuật an toàn trong sản xuất, kinh doanh pháo hoa bao gồm:

a) Người quản lý;

b) Người lao động trực tiếp sản xuất pháo hoa, thuốc pháo hoa;

c) Người được giao quản lý kho pháo hoa, thuốc pháo hoa;

d) Người bảo vệ, bốc dỡ tại kho pháo hoa, thuốc pháo hoa và tại cửa hàng kinh doanh pháo hoa; nhân viên bán pháo hoa; người áp tải, điều khiển phương tiện vận chuyển pháo hoa, thuốc pháo hoa.

Ba là. Nội dung huấn luyện bao gồm 9 nội dung sau:

a) Quy định của pháp luật trong hoạt động sản xuất, quản lý, bảo quản và sử dụng pháo hoa nổ, thuốc pháo; hoạt động sản xuất, kinh doanh pháo hoa;

b) Yêu cầu an toàn khi tiếp xúc với pháo hoa, pháo hoa nổ, thuốc pháo; biện pháp về quản lý, kỹ thuật bảo đảm an toàn trong hoạt động sản xuất, quản lý, bảo quản và sử dụng pháo hoa nổ, thuốc pháo và trong sản xuất, kinh doanh pháo hoa; tiêu hủy pháo hoa, pháo hoa nổ, thuốc pháo; dấu hiệu, biểu trưng và ký hiệu nguy hiểm của bao gói, thùng chứa và phương tiện vận chuyển; cách sắp xếp, bảo quản pháo hoa, pháo hoa nổ, thuốc pháo; yêu cầu về an toàn khi bốc xếp, bảo quản, vận chuyển trong phạm vi kho và trên phương tiện vận chuyển;

c) Nhận diện nguy cơ, yếu tố nguy hiểm, đánh giá rủi ro về các mặt an ninh, an toàn, phòng chống cháy, nổ, thiên tai trong hoạt động sản xuất, quản lý, bảo quản và sử dụng pháo hoa, pháo hoa nổ, thuốc pháo;

d) Tổ chức diễn tập ứng phó sự cố trong hoạt động sản xuất, quản lý, bảo quản, sử dụng pháo hoa, pháo hoa nổ, thuốc pháo;

đ) Yêu cầu an toàn khi vận hành máy, thiết bị sản xuất và phương pháp làm việc an toàn;

e) Yêu cầu về kho chứa, phương tiện, thiết bị bảo đảm an toàn, phòng cháy, chữa cháy, chống sét, kiểm soát tĩnh điện kho bảo quản;

g) Thành phần, tính chất, phân loại và chất lượng pháo hoa, pháo hoa nổ, thuốc pháo; các quy định về thử nghiệm, kiểm tra và biện pháp bảo đảm chất lượng pháo hoa, pháo hoa nổ; yêu cầu về bao bì, ghi nhãn pháo hoa, pháo hoa nổ, thuốc pháo;

h) Quy trình xuất, nhập, thống kê pháo hoa, pháo hoa nổ, thuốc pháo;

i) Các phương pháp bắn và biện pháp bảo đảm an toàn khi bắn pháo hoa nổ; ảnh hưởng của bắn pháo hoa nổ đối với công trình, môi trường và con người; xác định khoảng cách an toàn khi bắn pháo hoa nổ; xây dựng phương án bắn pháo hoa nổ.

Bốn là. Căn cứ vào đối tượng quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có thẩm quyền huấn luyện quy định tại khoản 7 Điều này xây dựng nội dung, chương trình huấn luyện phù hợp với từng đối tượng.

Năm là. Thủ tục đề nghị huấn luyện thực hiện như sau:

a) Hồ sơ đề nghị gồm: Văn bản đề nghị ghi rõ tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng; số Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật; nội dung, số lượng người, thời gian, địa điểm huấn luyện theo mẫu quy định tại Phụ lục IX ban hành kèm theo Nghị định này. Lập danh sách cá nhân tham gia huấn luyện ghi rõ họ tên, ngày, tháng, năm sinh, chức vụ, trình độ chuyên môn, số Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu và 02 ảnh màu chụp kiểu chân dung cỡ 03 cm x 04 cm, mặc trang phục theo quy định (ảnh chụp không quá 06 tháng tính đến ngày nhận hồ sơ);

b) Hồ sơ lập thành 1 bộ gửi về Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, Bộ Quốc phòng;

c) Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị, cơ quan có thẩm quyền kiểm tra hồ sơ và tổ chức huấn luyện theo quy định hoặc có văn bản đồng ý cho phép tổ chức, doanh nghiệp tổ chức huấn luyện.

Sáu là. Việc tổ chức huấn luyện do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp quy định tại khoản 6 Điều này thực hiện như sau:

a) Xây dựng kế hoạch, nội dung, chương trình huấn luyện và ra quyết định về việc mở lớp huấn luyện báo cáo Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, Bộ Quốc phòng;

b) Bố trí cán bộ huấn luyện bảo đảm tiêu chuẩn thực hiện huấn luyện;

c) Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, Bộ Quốc phòng ra quyết định mở lớp huấn luyện cho các đối tượng quy định tại điểm a, d khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều này có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho tổ chức, doanh nghiệp đề nghị. Đối với các đối tượng quy định tại điểm b, c, đ, e khoản 1 và điểm b, c, d khoản 2 Điều này, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc huấn luyện tổ chức, doanh nghiệp phải có văn bản đề nghị Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, Bộ Quốc phòng kiểm tra, cấp giấy chứng nhận.

Bảy là. Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức huấn luyện, kiểm tra, cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn đối với các đối tượng quy định tại điểm a, d khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều này. Tổ chức, doanh nghiệp được phép nghiên cứu, sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, cung cấp pháo hoa nổ, thuốc pháo nổ và tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa có trách nhiệm tổ chức huấn luyện, báo cáo Tổng cục Công nghiệp quốc phòng tổ chức kiểm tra, cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn đối với các đối tượng quy định tại điểm b, c, đ, e khoản 1 và điểm b, c, d khoản 2 Điều này.

Tám là. Giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn theo mẫu quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này và có thời hạn 4 năm. (Còn nữa).

KC

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông