09:03 06/03/2019 Vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành nghị quyết 45-NQ/TW về xây dựng và phát triển Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Trong đó nhấn mạnh quan điểm Hải Phòng cần “khai thác hiệu quả các lợi thế, tiềm năng, mối tương quan, liên kết với các tỉnh ven biển Bắc Bộ, khu vực đồng bằng Sông Hồng, các tỉnh phía Bắc và kết nối quốc tế”. Như vậy, kinh tế Hải Phòng đã được đặt trong mối liên hệ liên kết vùng, cho cả khu vực phía Bắc và cả nước.
Hệ thống cảng là đầu mối quan trọng trong kết nối kinh tế từ Hải Phòng
Kể từ khi được người Pháp thành lập vào năm 1888, tính đến nay, thành phố Hải Phòng đã được 131 tuổi. Nhưng từ trước đó, địa lý tự nhiên đã kiến tạo cho vùng đất này một vị thế quan trọng, với tiềm năng kết nối khá toàn diện với khu vực trong nước và toàn thế giới, nhất là trên lĩnh vực kinh tế.
Nhìn trên bản đồ, Hải Phòng nằm chính điểm lõm của vịnh Bắc Bộ xâm thực vào lục địa, cũng là ranh giới của vùng núi Đông Bắc với vùng đồng bằng Bắc Bộ. Nhưng điều đặc biệt nhất, Hải Phòng là địa phương chiếm hữu gần hết các cửa sông chính đổ ra biển thuộc cả phụ lưu và phân lưu của hai con sông nổi tiếng, hình thành miền đồng bằng này, đó là sông Hồng và sông Thái Bình. Đồng nghĩa với việc từ Hải Phòng, giao thông đường thủy sẽ đến hầu hết các tỉnh phía Bắc.
Tiếc rằng, các tài liệu lịch sử không ghi nhiều về vai trò của các dòng sông từ Hải Phòng đối với công cuộc phát triển kinh tế, xã hội thời trước. Mặc dù vậy, trong lịch sử hiện đại, theo tác giả Trần Trọng Kim trong “Việt Nam Sử Lược”, thì vào cuối thể kỷ 19, một thương nhân Pháp tên là Jean Dupuis, được sự yểm trợ của hải quân Pháp, đã tìm cách mở đường thông thương với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) theo tuyến sông Hồng. Sự kiện này cũng tạo duyên cớ cho người Pháp mở rộng xâm chiếm miền Bắc Việt Nam, lúc đó thuộc sự cai quản của nhà Nguyễn. Và cũng trong thời gian này, người Pháp đã nhận rõ tầm quan trọng của vị thế địa lý vùng cửa biển Hải Phòng, cho xây dựng ở đây một thương cảng và thành lập thành phố Hải Phòng vào tháng 7-1888.
Nhìn rộng ra toàn cầu, lịch sử phát triển hàng nghìn năm của các quốc gia đều khẳng định giao thông là gốc rễ của mọi sự kết nối, tạo ra các giá trị về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh… Tóm lại là giao thông chi phối xã hội trên diện rộng, đây là yếu tố vượt trội của kết cấu địa lý mà Hải Phòng được sở hữu. Về đặc thù, tiền đề kết nối Hải Phòng với các khu vực nội địa cũng như ra ngoài Việt Nam chính là lợi thế đặc biệt về đường sông và đường biển, trong đó dịch vụ cảng biển giữ vị trí đầu mối quan trọng nhất. Năm 1874, khi người Pháp xây dựng “bến 6 kho”, các tuyến quốc lộ từ Hải Phòng đi liên tỉnh cũng hình thành như QL5 nối Hải Phòng, qua Hải Dương, Hưng Yên đến Hà Nội; QL10 nối Hải Phòng với các tỉnh duyên hải Bắc Bộ… Đặc biệt đầu thế kỷ 20, từ năm 1901 tuyến đường sắt từ cảng Hải Phòng xuyên qua Hà Nội đến tận Côn Minh (Vân Nam - Trung Quốc) đã được xây dựng. Đây là tuyến đường sắt kết nối cảng biển với lục địa duy nhất tại Việt Nam cho tận đến thời điểm này. Trong khi đó các dòng sông len lỏi trong nội địa, vẫn giữ vai trò huyết mạch.
Giao thông đường sông đã phát triển ở Hải Phòng từ hàng trăm năm trước (ảnh tư liệu)
Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, ngày giải phóng Hải Phòng 13-5-1955 cũng là ngày cả miền Bắc hoàn toàn được giải phóng, mở ra thời kỳ mới cho phát triển tái thiết đất nước, Hải Phòng nhanh chóng trở thành trung tâm kinh tế của vùng đồng bằng sông Hồng. Từ Hải Phòng, nguồn viện trợ quốc tế được phân bổ đến các địa phương khác, đồng thời chi viện cho chiến trường miền Nam, khiến cái tên Thành phố Cảng được xem như tên gọi khác của Hải Phòng. Không chỉ có dịch vụ cảng biển và hàng hải, Hải Phòng thời kỳ bao cấp còn là nơi cung cấp hàng tiêu dùng nổi tiếng với điểm nhấn là chợ Sắt; là nguồn cung cấp những sản phẩm công nghiệp chất lượng như xi măng “rồng xanh”, hóa chất sông Cấm, tàu thủy Bạch Đằng, sơn Hải Phòng, len Hải Phòng… Chưa kể các ngành kinh tế đối ngoại của Hải Phòng cũng phát triển rất mạnh, nằm trong số ít những đầu mối duy trì kết nối kinh tế với các nước tư bản.
Từ khi kinh tế đất nước bước vào giai đoạn mở cửa năm 1986, những năm đầu tiên đổi mới, kinh tế kết nối của Hải Phòng có một thời kỳ bị chững lại, phần vì tác động của sự kiện đổ vỡ của Liên Xô và khối các nước XHCN Đông Âu, phần vì các địa phương lân cận cũng trỗi dậy phát triển. Tuy nhiên theo đánh giá của các chuyên gia, thì nguyên nhân lớn nhất là nền kinh tế đổi mới chưa định hình được hướng đi cụ thể, quy hoạch bị hạn chế đã khiến mọi lợi thế và nguồn lực phát triển theo hướng tự phát, nhất thời không có sự kết nối đồng bộ. Nhưng cần phải khẳng định rằng, với riêng Hải Phòng thì lợi thế, vị thế và tiềm năng không hề thay đổi. Đó chính là tiền đề quan trọng đã được Bộ Chính trị khẳng định cách đây hơn 15 năm, khi ban hành Nghị quyết 32-NQ/TW ngày 5-8-2003, về “xây dựng và phát triển Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.
Trở lại với Nghị quyết 45-NQ/TW, sau hơn 15 năm theo đánh giá của Bộ Chính trị: Hải Phòng đã khẳng định được là thành phố cảng, đầu mối giao thông quan trọng và cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc; hệ thống cảng biển, hạ tầng giao thông được đầu tư mạnh, có bước phát triển đột phá theo hướng đồng bộ, hiện đại… như mục tiêu Nghị quyết 32-NQ/TW đề ra. Tuy nhiên trong đó, Bộ Chính trị cũng nhận định “Liên kết vùng trong phát triển kinh tế - xã hội còn mờ nhạt”, đồng thời mở hướng để Hải Phòng đi tới mục tiêu cao hơn, mà liên kết vùng được xác định là đòn bẩy cơ hữu.
(còn nữa)
Lê Minh Thắng
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết