Nghĩ về ngày Độc lập, Tự do

08:18 02/09/2022

Cách đây 77 năm, ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), trước hàng vạn đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước công nông đầu tiên của Việt Nam, cũng đồng thời của cả khu vực Đông Nam Á. Sự kiện gây chấn động thế giới lúc đó, và đi vào lịch sử như một dấu son chói lọi trên đỉnh cao niềm tự hào dân tộc Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) - Ảnh tư liệu.

          Khi nói về ngày Quốc khánh 2/9, nhiều nhà sử học, nhà nghiên cứu đều khẳng định, Việt Nam là nhà nước thuộc địa đầu tiên của thế giới tự giành độc lập bằng phong trào cách mạng nội lực, mở ra tiền đồ cho công cuộc đấu tranh của các nước bị áp bức trong phần còn lại của thế giới. Một sản phẩm của cuộc cách mạng Nhân dân, “đem sức ta để giải phóng dân ta”, dù cũng có sự can thiệp của bên ngoài, nhưng hầu hết đó là sự can thiệp nhằm phá hoại thành quả cách mạng. Nói cách khác, chúng ta đã tự ghi tên mình vào lịch sử.

          Nhìn lại bối cảnh nước Việt trước Cách mạng tháng Tám. Chúng ta có hàng nghìn năm văn hiến, song song tồn tại với các triều đại phong kiến phương Bắc. Nhưng thẳng thắn mà nhìn nhận, đó là một nền văn hiến còn lệ thuộc, khi các vương triều nước Nam còn chịu ảnh hưởng trực tiếp từ nước lớn Trung Quốc, phải nhận những sắc phong, những chính sách bị động và cả áp lực về văn hóa, rồi phải cống nạp để đổi lấy sự ổn định, bình trị. Chưa kể gần một nghìn năm thuộc thiên niên kỷ thứ nhất công nguyên, nước Việt chìm đắm trong nền Bắc thuộc, cho thấy dù có chiều dài văn hiến, nhưng nước Việt có độc lập nhưng chưa hẳn tự do.

          Kể từ năm 1858, khi tiếng súng xâm lược của thực dân Pháp nổ trên bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), nước Việt sa vào cảnh lệ thuộc mới, mức độ tệ hại cũng lớn hơn. Dẫu nước còn triều đình, nhưng đó là một triều đình bù nhìn, mà mỗi vị vua lên nắm quyền nếu tỏ thái độ độc lập, tự chủ đều bị chèn ép phế bỏ, mọi cuộc khởi nghĩa đấu tranh đều bị đàn áp tàn khốc. Quyền định đoạt của nước Nam hoàn toàn bị các thế lực ngoại bang định đoạt, đất nước bị chia cắt thành 3 kỳ, có thời điểm bị sáp nhập vào liên bang thuộc địa, chế độ chính sách phải theo đế chế mẫu quốc. Đau lòng hơn, Việt Nam không có tên trên bản đồ thế giới, trong gần trăm năm rên siết trong nỗi thống khổ, ô nhục của người dân mất nước.

          Nước mất nhưng lịch sử không mất, nhiệt huyết dân tộc vẫn hừng hực, trong suốt chiều dài tăm tối ấy vẫn lóe lên những tia sáng tìm hướng đến độc lập, tự do. Kể cả trong thời gian Pháp thuộc, nhiều quý tộc, nhân sỹ, hào kiệt nước Việt vẫn đau đáu nỗi niềm Tổ quốc, từ những gương sáng như vua Thành Thái, Hàm Nghi, cho đến quý tộc chí sỹ, hào kiệt như Tôn Thất Thuyết, Phan Đình Phùng… rồi Hoàng Hoa Thám, Trương Công Định, Nguyễn Trung Trực, Đội Cấn, Phan Chu Chinh, Phan Bội Châu, Nguyễn Thái Học… Họ đã viết tiếp những trang sử mới, giữ liên thông dòng chảy cội nguồn.

          Chỉ có điều, trong diễn biến mới đối với kẻ thù mới, mọi nỗ lực đấu tranh theo lề lối cũ đã không còn phù hợp, vì vậy các phong trào phục quốc của người Việt lần lượt bị thất bại. Chỉ đến khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tiếp cận đường lối tiến bộ, chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam đến với chủ nghĩa Mác – Lê nin, bài toán đấu tranh giành độc lập, tự do thực sự cho dân tộc mới tìm được lời giải. Sự kiện hợp nhất các tổ chức cộng sản ngày 3/2/1930 có ý nghĩa như Đại hội thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, mở ra thời kỳ mới cho cách mạng Việt Nam - thời kỳ đấu tranh giành độc lập, đáp ứng nhu cầu bức thiết của lịch sử và trở thành ngọn cờ tập hợp, đoàn kết thống nhất các lực lượng cách mạng và toàn thể dân tộc.

          Trở lại với Ngày Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc có một Nhà nước mang tên Nhân dân, tập hợp mọi tầng lớp xã hội, vùng lên không toan tính cá nhân, chỉ chung một ý chí độc lập, tự do. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã phá tan sự thống trị của thực dân gần một trăm năm và lật đổ chế độ phong kiến đè nặng lên nhân dân ta mấy mươi thế kỉ, mở ra bước ngoặt vĩ đại, đưa dân tộc Việt Nam bước sang kỷ nguyên mới. Kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, Nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước.

        Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời đã khắc vào dòng chảy lịch sử như một mốc son chói lọi, khẳng định vai trò to lớn của Đảng ta trong công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Đúng như Tuyên ngôn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên Quảng trường Ba Đình: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do. Dân tộc đó phải được độc lập.”. Trong chớp mắt của thời gian, Nhà nước ấy đã đem lại quyền tự quyết cho dân, của dân, do dân và vì dân, mà không bị chi phối của bất cứ thế lực nào. Lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam thực sự độc lập, thực sự tự do.

          Nhà nước Dân chủ Cộng hòa ra đời, trở thành yếu tố nền tảng bảo đảm vững chắc cho nền độc lập, tự do mà Nhân dân ta hằng khát khao. Trên thực tế, ngay sau khi thành lập, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thể hiện rõ bản chất chuyên chính vô sản, là Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Không lâu sau khi thành lập, Chính phủ Cách mạng lâm thời đã tổ chức cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội vào ngày 6-1-1946 và Hội đồng Nhân dân các cấp, nhằm củng cố chính quyền dân chủ Nhân dân, xây dựng nền móng của chế độ mới, tạo cơ sở pháp lý vững chắc để đập tan những luận điệu xuyên tạc và hành động của các thế lực thù địch đang nuôi dưỡng mưu đồ đặt lại ách đô hộ lên đất nước ta.

       Kỷ niệm 77 năm Ngày Tết Độc Lập, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vô cùng tự hào vì đất nước có một Đảng Cộng sản kiên cường, lãnh đạo Nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, làm nên những kỳ tích vĩ đại, đóng góp xứng đáng vào phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, vì hòa bình và tiến bộ của nhân loại.

          Tự hào về Đảng quang vinh, về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, người Hải Phòng cũng như mọi người dân Việt Nam càng thấy rõ hơn trách nhiệm của mình, nguyện đi theo Đảng, tiếp tục đặt niềm tin vào Đảng, giữ vững cơ đồ mà chúng ta đã phải đánh đổi bằng bao mồ hôi, nước mắt, xương máu mới có được hào quang như ngày hôm nay.

          Như lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh cách đây 77 năm “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Hoàng Minh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông