Người dân an tâm với chính sách bảo hiểm tiền gửi, tiếp tục gửi tiền vào ngân hàng dù lãi suất giảm

15:19 25/10/2023

Từ đầu năm đến nay, lãi suất tiền gửi được các ngân hàng thương mại (NHTM) liên tục điều chỉnh giảm nhằm tạo cơ sở hạ lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.

Tiền gửi dân cư vào hệ thống ngân hàng vẫn không ngừng tăng trong thời gian dài giữa bối cảnh các kênh đầu tư khác nhiều rủi ro, cho thấy niềm tin của người dân với hệ thống ngân hàng và chính sách bảo hiểm tiền gửi (BHTG) khi quyền và lợi ích người gửi tiền luôn được đảm bảo.

Lãi suất giảm, người dân vẫn gửi tiền vào ngân hàng

Theo cập nhật biểu lãi suất niêm yết của 34 ngân hàng thương mại (NHTM) trên toàn hệ thống tại ngày 12/9, chỉ có 1 ngân hàng đang áp dụng mức lãi suất tiết kiệm cao nhất với các kỳ hạn 1 tháng đến 9 tháng; với tiền gửi từ 12 tháng trở lên, ngân hàng Bảo Việt, CBBank, OCB, Đông Á…đang trả lãi suất cao nhất…

Tuyên truyền chính sách Bảo hiểm tiền gửi đến đông đảo nhân dân

Cập nhật thị trường cho thấy chỉ còn 1 ngân hàng áp dụng mức lãi suất 7%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 12 tháng. Mặt bằng lãi suất tiết kiệm giảm khá sâu. Chênh lệch lãi suất giữa các kỳ hạn không đáng kể.

Tại một số ngân hàng, lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dài từ 9 tháng trở lên đang thấp hơn kỳ hạn 6 tháng. Mặt bằng lãi suất huy động tương đối đồng đều trên toàn hệ thống, chênh lệch lãi suất giữa các ngân hàng được thu hẹp đáng kể, là tín hiệu cho thấy thanh khoản hệ thống ổn định. Đáng chú ý, nhóm 4 NHTM nhà nước (Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank) đã không còn là ngân hàng lãi suất thấp nhất thị trường tại các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.        

Cụ thể, lãi suất tiền gửi 1 tháng thấp nhất là 3%/năm, áp dụng tại 4 NHTM Nhà nước. Ở kỳ hạn 3 tháng, có 9 ngân hàng áp dụng mức lãi suất tiết kiệm cao nhất hệ thống là: Bắc Á, Bảo Việt Bank, GPBank, NCB, Oceanbank, PGBank, SCB và VIB. Lãi suất tiết kiệm 6 tháng cao nhất là 6,55%/năm, được áp dụng tại Bắc Á Bank. Theo sát là mức lãi suất 6,5%/năm, được Bảo Việt, Publicbank áp dụng. Lãi suất tiết kiệm 6 tháng thấp nhất là 4,7%/năm, được áp dụng đồng loạt tại 4 ngân hàng Agribank, BIDV, Vietcombank và Vietinbank. Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 9 tháng không có sự chênh lệch lớn so với kỳ hạn 6 tháng. Hầu hết các ngân hàng chỉ điều chỉnh tăng rất nhẹ, chỉ 0,1% - 0,2% đối với tiền gửi kỳ hạn 9 tháng (so với 6 tháng).

BHTGVN góp phần củng cố niềm tin của công chúng đối với hệ thống các TCTD

Lãi suất tiết kiệm 12 tháng cao nhất là 7%/năm, tại ngân hàng Publicbank. Theo sát là Bảo Việt Bank, CBBank, với 6,9%/năm và 6,8%/năm. Đáng chú ý, tại kỳ hạn 12 tháng, lãi suất ngân hàng Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank (5,8%/năm) không phải là thấp nhất. Các ngân hàng thương mại tư nhân đã giảm mạnh lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng. Theo đó, ABBank chỉ 5%/năm; ACB 5,3%/năm; SeABank 5,5%/năm; Techcombank 5,75%/năm.

Lãi suất tiết kiệm 18 tháng và 24 tháng cao nhất ở mức 6,9%/năm; áp dụng tại Bảo Việt Bank, CBBank, Đông Á Bank, OCB.

Về lãi suất điều hành, từ đầu năm đến nay, thực hiện chủ trương của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân, NHNN đã điều chỉnh giảm 04 lần các mức lãi suất với mức giảm 0,5-2,0%/năm. Việc liên tục điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay để hỗ trợ quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Quốc hội và Chính phủ, qua đó tiếp tục định hướng giảm mặt bằng lãi suất cho vay của thị trường, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Theo NHNN, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới có xu hướng giảm. Đến tháng 8/2023, lãi suất tiền gửi bằng VND bình quân của NHTM trong nước ở mức 0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 3,9-4,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 7,0-8,1%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng; 7,4-8,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ trên 12 tháng đến 24 tháng và 7,2- 8,4%/năm đối với kỳ hạn trên 24 tháng. Đến ngày 20/9/2023, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới của các NHTM ở mức 4,5%/năm và 8,2%/năm, giảm khoảng hơn 1% so với cuối năm 2022.

Đến cuối tháng 8, huy động vốn đạt 11.756.015 tỷ đồng, tăng 3,87% so với cuối năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 tăng 4,39%). Trong những tháng gần đây, số dư tiền gửi của dân cư liên tục tăng (tháng 6/2023 là 6.382.886 tỷ đồng, tăng 8,82% so với cuối năm 2022; tháng 5/2023 là 6.347.545 tỷ đồng; tháng 4/2023 là 6.332.843 tỷ đồng).

Theo các chuyên gia, lượng tiền gửi ngân hàng liên tục tăng cho thấy người dân chưa sẵn sàng đầu tư vào các phân khúc khác. Trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản đang đình trệ, nên họ chỉ tập trung vào kênh tiền gửi tiết kiệm nhằm đảm bảo nguồn vốn, chờ đợi cơ hội kinh doanh khi nền kinh tế  khởi sắc hơn. Hơn nữa, gửi tiền vào ngân hàng, khách hàng vừa được hưởng lãi suất, vừa được BHTG, quyền và lợi ích hợp pháp luôn được đảm bảo.

“Tấm khiên” bảo vệ người gửi tiền

Khi gửi tiền, người dân cần nhận biết được chính sách BHTG tại Việt Nam, các tổ chức tín dụng (TCTD) nào được nhận tiền gửi theo quy định và các tổ chức này phải tham gia bắt buộc BHTG. Từ đó, người dân có thể tránh được nguy cơ bị mất tiền do gửi tiền vào các kênh phi chính thức trên mạng hoặc bị các đối tượng lừa đảo dụ dỗ với chiêu lãi suất cao. Đặc biệt, khi gửi tiết kiệm trực tuyến, người dân cần chú ý các kỹ năng về an ninh, bảo mật thông tin tài khoản, thông tin đăng nhập ngân hàng điện tử, tránh bị lừa đảo truy cập vào các website giả mạo ngân hàng hoặc bị lộ mật khẩu đăng nhập do click vào các link lạ…

Ở Việt Nam hiện nay, có duy nhất 01 tổ chức BHTG là Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN). Theo Điều 2, Quyết định số 1394/QĐ-TTg ban hành ngày 13/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng của BHTGVN như sau: “BHTGVN là tổ chức tài chính nhà nước hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, thực hiện chính sách BHTG, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các BHTGVN, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng”.

Đối với người gửi tiền, hoạt động của BHTGVN còn góp phần củng cố niềm tin của công chúng đối với hệ thống các TCTD, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền. Đối với hệ thống các TCTD, hoạt động BHTG tạo thuận lợi cho hệ thống các TCTD phát triển lành mạnh, an toàn và huy động tiền gửi cho đầu tư phát triển, từ đó tạo điều kiện thúc đẩy nền kinh tế đất nước phát triển bền vững.

BHTGVN bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được BHTG thông qua các hoạt động nghiệp vụ của mình, từ đó góp phần hạn chế rủi ro, giúp các tổ chức tham gia BHTG hoạt động an toàn, hiệu quả hơn, đảm bảo an toàn tiền gửi của người được BHTG. Các hoạt động nghiệp vụ của BHTGVN liên quan trực tiếp tới việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền bao gồm: (i) BHTGVN theo dõi, kiểm tra và giám sát các tổ chức tham gia BHTG trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về BHTG, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xử lý hành vi vi phạm; (ii) BHTGVN tổng hợp, phân tích và xử lý thông tin về tổ chức tham gia BHTG nhằm phát hiện và kiến nghị NHNN xử lý kịp thời những vi phạm quy định về an toàn hoạt động ngân hàng, rủi ro gây mất an toàn trong hệ thống ngân hàng; (iii) BHTGVN tham gia vào quá trình kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tham gia BHTG theo quy định của NHNN; tham gia quản lý, thanh lý tài sản của tổ chức tham gia BHTG theo quy định của Chính phủ; cho vay đặc biệt đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt để hỗ trợ thanh khoản, cho vay đặc biệt theo quy định của NHNN và cho vay đặc biệt theo phương án phục hồi TCTD được phê duyệt, mua trái phiếu dài hạn của TCTD hỗ trợ; (iv) Khi tổ chức tham gia BHTG lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả hoặc phá sản, BHTGVN chi trả tiền bảo hiểm cho người được BHTG theo quy định của pháp luật; (v) BHTGVN tuyên truyền chính sách pháp luật về BHTG nhằm nâng cao niềm tin công chúng, góp phần đảm bảo an toàn hệ thống các TCTD.

Theo Điều 6, Luật BHTG và Điều 4, Nghị định 68/2013/NĐ-CP ngày 28/6/2013 của Chính phủ, tổ chức tham gia BHTG là các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được nhận tiền gửi của cá nhân, bao gồm NHTM, ngân hàng hợp tác xã, QTDND, và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật các TCTD; tổ chức tài chính vi mô (TCVM) phải tham gia BHTG đối với tiền gửi của cá nhân bao gồm cả tiền gửi tự nguyện của khách hàng TCVM, trừ tiền gửi tiết kiệm bắt buộc theo quy định của tổ chức TCVM; ngân hàng chính sách không phải tham gia BHTG.

Khi gửi tiền tại các tổ chức tham gia BHTG nói trên, quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền luôn được đảm bảo.

Theo Điều 15, Luật BHTG, “tổ chức tham gia BHTG phải niêm yết công khai bản sao Chứng nhận tham gia BHTG tại tất cả các điểm giao dịch có nhận tiền gửi”. Bản sao Chứng nhận tham gia BHTG là bản sao do BHTGVN cấp từ sổ gốc.

Như vậy, người gửi tiền có thể nhận biết TCTD đã tham gia BHTG qua việc quan sát điểm giao dịch của TCTD có niêm yết bản sao Chứng nhận tham gia BHTG hay không. Ngoài ra, người gửi tiền có thể truy cập website của tổ chức BHTG (tại địa chỉ: www.div.gov.vn) để biết rõ hơn các thông tin về tổ chức tham gia BHTG.

Người được BHTG (người gửi tiền) có quyền và nghĩa vụ: được bảo hiểm số tiền gửi của mình tại tổ chức tham gia BHTG theo quy định; được nhận tiền bảo hiểm đầy đủ và đúng thời hạn; yêu cầu tổ chức tham gia BHTG, tổ chức BHTG cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin, chế độ về BHTG; khiếu nại, tố cáo, khởi kiện cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến BHTG theo quy định của pháp luật; có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ, trung thực thông tin về tiền gửi theo yêu cầu của tổ chức tham gia BHTG, tổ chức BHTG khi thực hiện thủ tục trả tiền bảo hiểm. Trong thời hạn 60 ngày, kể từ thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm, tổ chức BHTG có trách nhiệm trả tiền bảo hiểm cho người được BHTG.

Theo Điều 25 của Luật BHTG, số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của một người tại một tổ chức tham gia BHTG bao gồm tiền gốc và tiền lãi nhưng tối đa chỉ bằng hạn mức trả tiền bảo hiểm.

Hạn mức trả tiền bảo hiểm được Thủ tướng Chính phủ quy định trong từng thời kỳ. Hạn mức trả tiền bảo hiểm là số tiền tối đa mà tổ chức BHTG trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của một người tại một tổ chức tham gia BHTG khi tổ chức đó được cơ quan chức năng xác định là lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả hoặc phá sản. Số tiền tối đa tổ chức BHTG trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật BHTG (gồm cả gốc và lãi) của một người tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm là 125 triệu đồng.

Trong trường hợp tổ chức tham gia BHTG gặp phải sự cố mất khả năng thanh toán, BHTGVN sẽ bảo vệ trực tiếp người gửi tiền thông qua nghiệp vụ chi trả tiền gửi được bảo hiểm cho người gửi tiền với hạn mức theo quy định của pháp luật. Số tiền vượt hạn mức sẽ được chi trả trong quá trình thanh lý tài sản của tổ chức tham gia BHTG đó. Nhờ vậy, người gửi tiền an tâm hơn khi gửi tiền tại các tổ chức tín dụng có tham gia BHTG, qua đó chủ động hơn trong các giao dịch tài chính, góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện.

Tăng cường vai trò của BHTGVN nhằm bảo vệ tốt hơn người gửi tiền

Sau gần 25 năm hoạt động, có thể nói, BHTGVN đã bảo vệ tốt quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, cũng chính là bảo vệ người tiêu dùng tài chính – chủ thể, trọng tâm của Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia thông qua việc cụ thể hóa chính sách BHTG, triển khai đồng bộ các nghiệp vụ để củng cố niềm tin của người gửi tiền vào hệ thống tài chính, nâng cao nhận thức tài chính. Nhờ đó, người tiêu dùng đưa ra lựa chọn tốt nhất để tham gia các giao dịch tài chính, đồng thời khuyến khích họ sử dụng dịch vụ tài chính chính thống, hợp pháp. Chính vì vậy, thời gian tới, cần nâng cao hơn nữa vai trò của BHTGVN trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng tài chính – người gửi tiền.

Hiện nay, Luật BHTG là cơ sở pháp lý cao nhất điều chỉnh hoạt động BHTG tại Việt Nam.Với việc luật hóa và cụ thể hóa nhiều nội dung, Luật BHTG đã nâng cao hiệu lực cũng như khả năng thực thi của chính sách BHTG, đưa chủ trương bảo vệ người gửi tiền và đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng lên một tầm cao mới. Luật này đã xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước về BHTG, tổ chức BHTG, tổ chức tham gia BHTG cũng như quy định về quyền lợi của người gửi tiền, qua đó tạo hành lang thông thoáng, rõ ràng cho hoạt động BHTG. Suốt quá trình triển khai, các quy định của luật đã đi vào cuộc sống, tiếp tục phát huy hiệu quả mạnh mẽ.

Tuy nhiên, qua 10 năm triển khai, Luật BHTG cũng đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế, do thực tiễn đã có nhiều thay đổi, hơn nữa Luật chưa quy định, quy định chưa rõ hoặc có quy định nhưng không thống nhất với luật khác như: Về thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm, miễn phí BHTG; về tiền gửi không được bảo hiểm; về trục lợi BHTG...

Việc sửa đổi, bổ sung Luật BHTG được đặt ra ở thời điểm này là rất cần thiết, nhằm nâng cao hiệu quả bảo vệ người gửi tiền, bảo vệ an toàn hệ thống ngân hàng; xử lý những vướng mắc đã phát sinh trong quá trình triển khai chính sách này trong thời gian qua; và để có những quy định thống nhất với các luật có liên quan như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng (Luật số 17/2017/QH14), Luật Phá sản…

Bên cạnh đó, sửa đổi, bổ sung Luật BHTG còn nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý, phù hợp với thông lệ quốc tế, nâng cao vị thế, vai trò của BHTGVN để tham gia sâu hơn, hiệu quả hơn vào quá trình cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng, nhằm bảo vệ tốt hơn, kịp thời hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, mở rộng hơn nữa là bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng tài chính.

Đồng thời, BHTGVN cần tập trung nâng cao vai trò tuyên truyền chính sách BHTG đến công chúng; tích cực phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền như NHNN để tổ chức thêm nhiều chương trình phổ biến chính sách, giáo dục tài chính cho người dân tại các địa phương; triển khai đánh giá hiệu quả của hoạt động tuyên truyền một cách định kỳ thông qua điều tra, khảo sát; qua đó xây dựng được một Chiến lược truyền thông phù hợp cho từng thời kỳ. Hình thức tuyên truyền cần lan tỏa, tiếp cận đối với đa số người dân - người gửi tiền, các TCTD. Đồng thời, việc phối hợp với các cấp chính quyền và các bộ - ban - ngành liên quan, các tổ chức hành nghề về pháp luật (như Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam), đội ngũ nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn... đã góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các bên.

Với sự phát triển nhanh và mạnh của hệ thống ngân hàng với hàng loạt các sản phẩm, dịch vụ mới được giới thiệu ra thị trường, cùng với đó là xu hướng áp dụng các sản phẩm mang tính công nghệ cao đặt ra nhiều thách thức đối với nhiệm vụ bảo vệ người gửi tiền của BHTGVN. Do vậy, trong ngắn hạn, BHTGVN cần nghiên cứu đề xuất định kỳ tăng hạn mức trả tiền bảo hiểm; nâng cao nhận thức công chúng về BHTG, nhất là với những đối tượng yếu thế trong xã hội và có ít hiểu biết về mặt tài chính như người già, người khuyết tật, người dân ở vùng sâu vùng xa...Trong trung và dài hạn, BHTGVN cần nghiên cứu để áp dụng các nguyên tắc về bảo vệ người tiêu dùng tài chính nhằm nâng cao hiệu lực bảo vệ người gửi tiền.

Ở tầm vĩ mô, cần tăng cường năng lực tài chính cho BHTGVN (như tăng vốn điều lệ, đa dạng hoá danh mục đầu tư…) để thực hiện chính sách BHTG - chính sách bảo vệ người gửi tiền – người tiêu dùng tài chính, đảm bảo sự phát triển an toàn, lành mạnh của các tổ chức tín dụng. 

Thái Bình

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông