10:35 01/07/2023 Gửi tiết kiệm vẫn đang là kênh đầu tư tài chính được đánh giá an toàn nhất trong bối cảnh hiện nay. Ngoài vấn đề lãi suất, an toàn tiền gửi, đối với không ít khách hàng, tiền gửi được bảo hiểm và tiền gửi không được bảo hiểm là hai khái niệm cần làm rõ.
Nếu bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe bảo vệ khách hàng trước các rủi ro liên quan sức khỏe thì bảo hiểm tiền gửi (BHTG) là sự bảo đảm hoàn trả tiền gửi cho người được BHTG trong hạn mức trả tiền bảo hiểm khi tổ chức tham gia BHTG lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền hoặc phá sản.
Tiền gửi không được bảo hiểm có khác gì tiền gửi được bảo hiểm?
Người được BHTG là cá nhân có tiền gửi được bảo hiểm tại tổ chức tham gia BHTG. Tổ chức tham gia BHTG là: các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài được nhận tiền gửi của cá nhân, bao gồm ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật các TCTD; tổ chức tài chính vi mô phải tham gia BHTG đối với tiền gửi của cá nhân bao gồm cả tiền gửi tự nguyện của khách hàng tài chính vi mô, trừ tiền gửi tiết kiệm bắt buộc theo quy định của tổ chức tài chính vi mô. Ngân hàng chính sách không phải tham gia BHTG.
Người gửi tiền tiết kiệm không phải trả bất cứ khoản tiền nào thêm để được hưởng lợi từ chính sách BHTG. Mà đây là quy định của nhà nước nhằm bảo vệ lợi ích của người có tiền gửi tiết kiệm. Ngân hàng và tổ chức tài chính nói trên sẽ là người có trách nhiệm mua BHTG cho khách hàng của mình.
Theo Thông tư 48/TT-NHNN ngày 31/12/2018 quy định về tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi tiết kiệm là khoản tiền được người gửi tiền gửi tại TCTD theo nguyên tắc được hoàn trả đầy đủ tiền gốc, lãi theo thỏa thuận với TCTD.
Vậy nhưng, cùng là tiền gửi lại có tiền gửi được bảo hiểm và tiền gửi không được bảo hiểm.
Theo Điều 18, Luật BHTG quy định: “Tiền gửi được bảo hiểm là tiền gửi bằng đồng Việt Nam của cá nhân gửi tại tổ chức tham gia BHTG dưới hình thức tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các hình thức tiền gửi khác theo quy định của Luật Các TCTD, trừ các loại tiền gửi quy định tại Điều 19 của Luật này.”
Như vậy, tiền gửi được bảo hiểm là tiền gửi bằng đồng Việt Nam của cá nhân gửi tại tổ chức tham gia BHTG dưới hình thức tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các hình thức tiền gửi khác theo quy định của Luật Các TCTD.
Giống như các sản phẩm tiền gửi khác của ngân hàng, khoản tiền gửi dưới hình thức chứng chỉ tiền gửi cũng bảo hiểm theo quy định.
Bên cạnh đó, kỳ phiếu, tín phiếu cũng được bảo hiểm. Theo Điều 5 Thông tư 01/2020/TT-NHNN, kỳ phiếu là bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát hành đối với người mua giấy tờ có giá trong một thời hạn nhất định, điều kiện trả lãi và các điều kiện khác.
Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể về tín phiếu là gì. Nhưng có thể hiểu tín phiếu là một loại giấy tờ có giá trị và là chứng nhận nợ do Ngân hàng Nhà nước hoặc Chính phủ phát hành. Trong đó, có hai loại tín phiếu phổ biến là tín phiếu ngân hàng và tín phiếu kho bạc.
Đối với tiền gửi tiết kiệm trực tuyến, theo quy định, tiết kiệm trực tuyến (hay tiết kiệm online) là hình thức gửi tiết kiệm mà khách hàng gửi/tất toán tiền tiết kiệm thông qua internet mà không phải trực tiếp tới điểm giao dịch của TCTD. Tiền gửi bằng đồng Việt Nam tại tổ chức tham gia BHTG có nhận tiền gửi của cá nhân đều được bảo hiểm, kể cả tiền gửi tiết kiệm trực tuyến, trừ trường hợp là tiền gửi của các đối tượng không được bảo hiểm theo quy định của pháp luật. Khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm, người gửi tiền tiết kiệm trực tuyến chứng minh quyền sở hữu hợp pháp của mình đối với khoản tiền gửi để được bảo vệ quyền lợi theo quy định của pháp luật.
Tiền gửi không được bảo hiểm, theo Điều 19, Luật BHTG, Khoản 2 Điều 4 Nghị định 68/2013/NĐ-CP ngày 28/6/2013 quy định chi tiết và hướng dẫn ban hành Luật BHTG: Tiền gửi tại TCTD của cá nhân là người sở hữu trên 5% vốn điều lệ của chính TCTD đó; Tiền gửi tại TCTD của cá nhân là thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát, Tổng Giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng Giám đốc (Phó Giám đốc) của chính TCTD đó; tiền gửi tại chi nhánh ngân hàng nước ngoài của cá nhân là Tổng Giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng Giám đốc (Phó Giám đốc) của chính chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó; Tiền mua các giấy tờ có giá vô danh do tổ chức tham gia BHTG phát hành.
Ngoài ra, tiền gửi không phải bằng Đồng Việt Nam, tiền gửi tiết kiệm bắt buộc theo quy định của tổ chức tài chính vi mô, tiền gửi không phải của cá nhân thì không được bảo hiểm.
Vậy vì sao tiền gửi của thành viên ban lãnh đạo, cổ đông lớn của tổ chức tham gia BHTG lại không được bảo hiểm? Mục đích của chính sách này là nhằm nâng cao trách nhiệm trong quản lý và điều hành của thành viên Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát, Tổng Giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng Giám đốc (Phó Giám đốc) trong hoạt động của TCTD và hạn chế rủi ro đạo đức, do đó, tiền gửi của các đối tượng trên không được bảo hiểm.
TB