10:36 12/06/2022 Trong số 12 bảo vật quốc gia vừa được công bố ở thành phố Hải Phòng, ông Trần Đình Thăng, không chỉ là doanh nhân thành đạt mà ông còn là Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Cổ vật Hải Phòng sở hữu 9 bảo vật quốc gia làm từ gốm men trắng triều Lý, đạt tới đỉnh cao nghệ thuật chế tác. Ngoài ra, ông còn được biết đến với bộ sưu tập “Cổ vật An Biên” bao gồm 300 hiện vật đã được trưng bày tại Bảo tàng Hải Phòng phục vụ du khách và nhân dân thành phố tới chiêm ngưỡng.
Vừa qua, trong khuôn khổ các sự kiện nổi bật tại Lễ hội Hoa Phượng Đỏ - Hải Phòng 2022, UBND thành phố tổ chức Lễ Công bố và trưng bày 12 bảo vật quốc gia được nhà nước công nhận tại Bảo tàng Hải Phòng. Trong đó 9 bảo vật quốc gia do ông Trần Đình Thăng sở hữu, 3 bảo vật còn lại của thành phố Hải Phòng thuộc về các di tích tại huyện Kiến Thụy, bao gồm: Thanh Long đao trưng bày tại Khu tưởng niệm Vương triều Mạc, xã Ngũ Đoan, tượng Thái tổ Mạc Đăng Dung và phù điêu Thái hoàng Thái Hậu Vũ Thị Ngọc Toàn (niên đại thế kỷ XVI) ở chùa Trà Phương, xã Thụy Hương.
Theo đánh giá của các chuyên gia ngành Bảo tàng, Hội Di sản văn hóa Việt Nam, giới yêu thích cổ vật cả nước và thành phố, đây là sự kiện đáng ghi nhớ khi lần đầu một bộ sưu tập tư nhân có đến 9 hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia, thể hiện sự quan tâm, đánh giá cao của Nhà nước đối với các nhà sưu tầm cổ vật tư nhân, góp phần huy động sức mạnh của cả cộng đồng chung tay bảo tồn và phát huy những giá trị tinh hoa văn hóa dân tộc.
Chia sẻ về cơ duyên đến với sưu tầm cổ vật, ông Trần Đình Thăng cho biết, ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Lịch sử là môn tôi yêu thích, đam mê. Đến khi trưởng thành, có dịp làm việc ở nước ngoài, tôi thường đến thăm các bảo tàng lớn. Từ đó, tôi dành nhiều sự quan tâm đến các di sản văn hóa của nhân loại. Dần dần, niềm đam mê, yêu thích cổ vật như ngấm vào máu. Tôi bắt đầu sưu tầm cổ vật từ khi còn rất trẻ, cách đây khoảng 40 năm. Ở tuổi 25 như tôi khi đó, nhiều người thích đi du lịch, mua xe..., còn tôi thích sưu tầm cổ vật. Trở về Việt Nam, qua tham quan, nghiên cứu, tôi học hỏi được nhiều điều từ những hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia Việt Nam, giúp tôi xác định hướng đi sưu tầm những cổ vật có giá trị cao về văn hóa, lịch sử mà ông cha ta để lại…
Bộ sưu tập “Cổ vật An Biên” của ông Trần Đình Thăng với hàng nghìn hiện vật, có nguồn gốc xuất xứ ở Việt Nam, đa dạng loại hình và chất liệu từ đồ gốm men, đồ sứ, sành, đồ đồng…, được giới sưu tầm cổ vật trong và ngoài nước quan tâm, đánh giá cao.
Nói về nét nổi bật của cổ vật An Biên, không thể không nhắc đến nhóm hiện vật gốm men trắng thời Lý. 9 hiện vật, ngoài dáng đẹp cao sang, lớp men trắng thoát tục, văn hoa tinh mỹ thuần Việt, còn ẩn chứa tư duy, quan niệm, đạo đời, cõi giới của nhà nước quân chủ Phật giáo. Với giá trị cao không chỉ về mỹ thuật, mà còn có giá trị về lịch sử, xét hồ sơ đề nghị của thành phố Hải Phòng, nhóm 9 hiện vật gốm men trắng triều Lý trong cổ vật An Biên vinh dự được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia. Ngoài cổ vật An Biên, ông Thăng còn bật mí chia sẻ, vào thời điểm thích hợp ông sẽ tiếp tục ra mắt và giới thiệu thêm về bộ sưu tập với giới yêu cổ vật, với công chúng trong và ngoài nước.
9 bảo vật quốc gia do ông Trần Đình Thăng sở hữu gồm có 4 ấm, 3 đĩa, 2 liễn được làm từ chất liệu gốm men trắng triều Lý (thế kỉ XI-XII), đạt tới đỉnh cao nghệ thuật chế tác. Kiểu dáng, họa tiết trang trí, màu men độc đáo, thuần Việt. Người thợ làm gốm xưa đã khéo léo gắn triết lý Phật giáo vào sản phẩm.
4 chiếc ấm, bao gồm 2 chiếc ấm tạo dáng con quay, nắp và vai chạm băng cánh sen kép nổi, vòi tạo hình rồng, biểu thị vương quyền, quai tạo hình chim anh vũ; 2 chiếc ấm còn lại có dáng quả dưa, tuy nhiên 1 chiếc toàn thân để trơn không trang trí, toát lên vẻ đẹp thanh cao, 1 chiếc thân chia ô, trang trí ám họa hình em bé ở thế giới cực lạc.
2 chiếc liễn có thân hình quả bí, chia múi, được phủ kín men trắng, có điểm nhấn là vai và nắp được chạm băng cánh sen kép nổi rất cầu kỳ. 3 chiếc đĩa được phủ một lớp men trắng sáng, trang trí hoa sen, hoa cúc giàu tính Phật giáo, toát lên vẻ đẹp cao sang.
Theo các nhà nghiên cứu, những hiện vật trong bộ sưu tập gốm men trắng triều Lý của ông Thăng là hiện vật gốc, độc bản. Các hiện vật được bảo quản hoàn hảo, chưa từng gặp “phiên bản” thứ hai ở bất cứ bảo tàng hay trong các bộ sưu tập cá nhân nào ở Việt Nam.
TS. Phạm Quốc Quân, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam chia sẻ tại Lễ Công bố và trưng bày 9 bảo vật quốc gia được nhà nước công nhận tại Bảo Tàng Hải Phòng cho biết, bộ sưu tập của ông Trần Đình Thăng, gồm 9 bảo vật quốc gia, là hiện tượng hiếm có đối với sưu tập tư nhân. Đây có lẽ là người thứ hai, nhóm bảo vật quốc gia thứ hai được công bố với tư cách thuộc bộ sưu tập sở hữu tư nhân ở Việt Nam. Điều này mở ra hướng phát huy giá trị của các bảo vật trong các bộ sưu tập tư nhân; khuyến khích, động viên các sưu tập tư nhân lưu giữ tốt hơn nữa.
Để tiếp tục phát huy giá trị của bộ sưu tập cổ vật An Biên, không chỉ những hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia này, mà với những hiện vật khác có giá trị, đại diện giai đoạn lịch sử nhất định, chủ bộ sưu tập cần tiếp tục lập hồ sơ đề nghị công nhận bảo vật quốc gia… Cùng với đó, cần công bố những hiện vật này rộng rãi hơn nữa tới công chúng, để công chúng được biết đến qua những trưng bày, những cuốn sách, những ấn phẩm tạo ấn tượng sâu đậm… Không chỉ có 12 hiện vật của Hải Phòng vinh dự được công nhận là bảo vật quốc gia, TS.Phạm Quốc Quân nghĩ rằng, tiềm năng của Hải Phòng còn nhiều và rất cần phải được đánh thức, được khai thác tốt hơn
VŨ DUYÊN
15:05 08/01/2025
16:26 06/01/2025
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh