Người tiêu dùng “than trời” vì giá lợn thịt

20:03 09/12/2019

Những ngày qua, thị trường lợn thịt tiếp tục rơi vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng, khi nguồn cung ngày càng khan hiếm và giá leo thang tính theo từng ngày, lên tới mức kỷ lục cao chưa từng có từ trước đến nay. Hoàn cảnh này đã khiến người tiêu dùng, nhất là những người thu nhập thấp, đang phải đối mặt với việc cân đối cơ cấu cho tiêu trong bữa ăn hàng ngày.

Giá thịt lợn tăng cao từ kỷ lục từ trước đến nay

          Thực sự gọi tên: khủng hoảng

          Khảo sát trên thị trường chợ truyền thống thành phố, hiện giá bán thịt lợn đang ở mức rất cao. Cụ thể loại thịt ngon như mông – vai cắt sấn, sườn than, ba chỉ lọc… được bán từ 130 nghìn đồng đến 130 nghìn đồng/kg, các loại thị tạp có giá từ 110 nghìn đồng đến 125 nghìn đồng/kg.

Đây là mức giá cao nhất trong vòng vài chục năm trở lại đây, chưa nói rất có thể là từ trước đến nay trên thị trường tự do. Tương tự như vậy, giá lợn hơi cũng đạt mức từ 72 nghìn đồng đến 80 nghìn đồng/kg tùy theo từng loại. Còn thực phẩm chế biến từ lợn, đơn cử như giò chả loại bình dân cũng 140 nghìn đồng/kg, loại ngon 170 nghìn đồng/kg.

          Có lẽ chưa có khi nào giá lợn thịt lại thu hút nhiều sự quan tâm của cộng đồng nói chung và người tiêu dùng nói riêng như đợt này. Bà Bùi Thị N. – một tiểu thương ở chợ An Đà chia sẻ, giá lợn thịt hiện đang cao gấp hai lần cùng thời điểm năm ngoái. Còn nếu so sánh với thời điểm giá lợn lao dốc thấp nhất năm 2017, thì chênh lệch bình quân cao gấp 4,5 lần.

Còn bà Nguyễn Thị T. – một người nội trợ ở phường Lạch Tray (Ngô Quyền) thì tâm sự, chi phí thịt lợn tăng khiến nhiều gia đình phải lựa chọn thực phẩm khác thay thế. Nhưng thịt lợn là món quá phổ biến, thực phẩm khác cũng không thể thay thế mãi được, nên thi thoảng bà T. cũng chỉ dám mua một, hai lạng về ăn cho… đỡ nhớ.

          Mặt khác, cũng vì sự lựa chọn “thay thế” của người tiêu dùng, nên nhiều loại thực phẩm khác cũng tăng giá theo thịt lợn. Cũng theo một tiểu thương ở chợ An Đà, thì thời gian qua giá thịt gia cầm, thủy sản tươi sống đều tăng, mức tăng bình quân so với tháng trước khoảng 15%. Còn tại các siêu thị, thực phẩm đông lạnh kể cả nhập khẩu lẫn nội địa đều tăng giá, với mức từ 5% đến 10% tùy theo từng loại.

Giá tăng, tạo phản ứng dây chuyền không mấy tích cực, mà hiện hiện rõ nhất là các hàng ăn vỉa hè phục vụ người lao động và sinh viên. Bà Đặng Thị L. – chủ một quán cơm ở đường Hàng Kênh (Lê Chân) cho biết, giá suất ăn không tăng được, nên bà đành chọn cách thái mỏng từng miếng thịt để bù đắp. Rõ ràng, dù khắc phục nào thì thua thiệt cuối cùng vẫn thuộc về người tiêu dùng.

          Như báo An ninh Hải Phòng đã có nhiều bài phân tích, dẫn đến tình trạng khủng hoảng thị trường lợn thịt hiện nay có 3 nguyên nhân chính: thứ nhất là do đợt giảm giá sâu năm 2017, nhiều chủ trang trại, gia trại đã không dám tái đầu tư, khiến nguồn cung bị thâm hụt trong thời gian dài; thứ hai do ảnh hưởng nặng nề của đợt dịch tả châu Phi, không chỉ đàn lợn bị tổn hại, mà nguồn tái tạo cũng tiếp tục bị ảnh hưởng nặng hơn; thứ ba, do Thị trường Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng nặng nề, nên họ đang tìm mọi cách nhập nguồn lợn từ thị trường Việt Nam.

Lúng túng bài toán tái đầu tư đàn lợn thịt?

          Có nguyên nhân chủ quan?

Xem ra nhưng nguyên nhân kể trên mang nhiều tính khách quan, nhưng không ít ý kiến cho rằng chưa hẳn đã vậy. Về nguyên nhân thứ nhất, cần phải nhắc lại vào năm 2017, khi giá lợn hơi có lúc giảm sâu xuống 15 nghìn đồng/kg, một lãnh đạo ngành nông nghiệp phát biểu cho rằng: “Do nguồn cung lớn hơn cầu, bởi những năm qua mâm cơm của người Việt không còn thành phần chính là thịt lợn mà có thêm các thực phẩm khác như trứng, sữa, thịt gà...?”.

Cách lập luận này khó thuyết phụ, không dựa trên một cơ sở khoa học nào, bởi lẽ cơ cấu bữa ăn của người dân từ trước đến nay rất khó định lượng, càng không thể là nguyên nhân dẫn đến việc giá lợn thịt lao dốc có tính hệ thống dây chuyền trên phạm vi cả nước.

Tiếp theo là nguyên nhân do dịch tả châu Phi, tính theo số liệu hết tháng 10, tổng số lợn tiêu hủy trên địa bàn Hải Phòng là 182.328 con, chiếm 52,99% tổng đàn trước khi bùng phát dịch vào tháng 2-2019. Tuy nhiên cách so sanh sánh này không phản ánh đúng thực trạng thị trường, bởi lẽ số lợn tiêu hủy là lũy kế của cả thời gian dài, còn tổng đàn lợn chỉ tính trong một thời điểm.

Cũng theo số liệu báo cáo của tháng 10, tổng đàn lợn trên địa bàn Hải Phòng chỉ đạt khoảng 94,5 nghìn con, giảm gần 80% so với cùng kỳ năm trước. Ở đây, thấy rõ là việc giảm tái tạo mang tính chủ quan rất cao, do các chủ trang trại không dám tái đầu tư là một lẽ, nhưng bản thân ngành chủ quản cũng nhiều lần khuyến cáo không nên tái đầu tư.

Thậm chí một lãnh đạo ngành nông nghiệp còn “khuyên” người dân chuyển sang nuôi bò để thay thế lợn? Khi ý tưởng này được đưa ra, có không ít ý kiến phản biện. Ông Nguyễn Văn T. - một nhà đầu tư cho rằng, thịt bò và thịt lợn có đặc trưng riêng, không thể thay thế cho nhau được.

Hơn nữa, do thời gian sinh trưởng dài, cấu trúc hạ tầng nuôi dưỡng khác biệt, việc thay thế nuôi lợn bằng bò không phải ai cũng có điều kiện chuyển đổi. Chưa kể cũng vì lý do này nên dù có đầu tư đại trà, thì giá bán thịt bò vẫn luôn cao hơn lợn do chi phí giá thành cao hơn. Mới đây nhất, lãnh đạo các ngành liên quan lại đưa ra giải pháp nhập khẩu lợn thịt và giống tái tạo, càng thể hiện sự thiếu chủ động trong điều chỉnh vĩ mô.

Ở nguyên nhân thứ ba, do Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch tả lợn châu Phi, nên thời gian qua thị trường 1,5 tỷ dân này trở thành nguồn hút lợn thịt từ Việt Nam. Mặc dù ngành chức năng đã ban hành quy định cấm xuất khẩu, nhưng có thể nói quyết định được đưa ra chưa kịp thời, bởi thời điểm đó nạn xuất tiểu ngạch đã lên mức cao trào, trở thành nguồn cơn kích giá lợn thịt tại nội địa. Hơn nữa, dù nhiều biện pháp ngăn chặn đã được triển khai, nhưng chưa thể chắc chắn rằng nguồn lợn thịt từ Việt Nam không còn được xuất sang Trung Quốc nữa.

Nhưng điều nhiều người quan tâm, là kết quả đánh giá cụ thể những nguyên nhân nêu trên với những luận cứ cơ sở khoa học, nhằm mục đích đảm bảo an ninh thực phẩm chưa được cơ quan nào đưa ra? Đơn cử, đã là kinh tế thị trường thì phải tính đến sự vận động của quy luật cung cầu.

Vấn đề không phải ở lượng tăng hay giảm, mà ở chỗ đàn lợn lâu nay được tiêu thụ đi đâu, nếu xuất khẩu thì tới thị trường nào, bao nhiêu chính ngạch, bao nhiêu tiểu ngạch, bao nhiêu được tiêu thụ nội địa? Dường như câu chuyện này còn chưa rõ, mà hiển nhiên để có được các số liệu điều tra, khả năng thực tế chỉ có thể là các cơ quan quản lý.

Đã không có kết quả điều tra thị trường, thì chưa thể nói đến chuyện quy hoạch chăn nuôi và quản lý đầu ra cho sản phẩm. Rõ ràng, đây là vấn đề lớn mang tính lâu dài, nếu không có chiến lược cụ thể, thì mọi giải pháp tức thời đều khó thắng nổi sự vận động của quy luật cung cầu, mà câu chuyện của lợn thịt chưa chắc đã phải là cuối cùng.

Lê Minh Thắng

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông