16:06 24/10/2017 Khoảng hai tháng nay, thị trường thực phẩm thành phố chứng kiến nhiều đợt giá rau xanh “nhảy múa”, đây là biểu hiện bất thường so với mọi năm, bởi trong đó có nhiều loại rau đang chính vụ.
Úng lụt ảnh hưởng nặng tới nguồn cung rau xanh
Bất thường mang tên “rau, củ, quả”
Khảo sát tại thị trường thành phố những ngày qua cho thấy, so với thời điểm cách đây hai tháng, giá rau xanh đã tăng bình quân 1,7 lần, trong đó loại rau có lá tăng 1,5 lần và một số loại rau dạng củ quả tăng gần 2 lần. Việc giá một số loại củ quả tăng với cường độ cao hơn rau có lá là điều chưa từng xảy ra trong mấy năm gần đây, kể cả vào thời điểm đáo vụ. Bởi lẽ các loại củ quả dễ bảo quản, chịu được va đập khi vận chuyển xa, chủ yếu được nhập từ nơi khác về Hải Phòng, còn rau có lá thì ngược lại nên giá lên xuống thất thường phụ thuộc nhiều vào mùa vụ.
Theo ông Thắng, một thương lái ở huyện An Dương chuyên cung cấp rau cho khu vực nội thành, thì những ngày vừa qua, có lúc giá rau củ cao tới mức ông chỉ dám nhập số lượng nhỏ để bán cho nhà hàng, còn không thể giao cho chợ đầu mối. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến sự bùng phát về giá rau đợt này? Cũng theo ông Thắng, việc diện tích và sản lượng rau tự cung của Hải Phòng tăng hay giảm hiện không phải là nguyên nhân chính tác động vào nguồn cung và giá. Vì khi nguồn tại chỗ thiếu, thị trường thành phố ngay lập tức được bù đắp từ nhiều nguồn khác. Theo lý giải của ông Thắng, thì đợt bão quét ngang vào miền Trung và những đợt mưa lớn kéo dài kỷ lục mới là thủ phạm chính.
Củ quả cũng tăng giá đáng kể
Lâu nay, ngoài nguồn cung tại chỗ, thị trường Hải Phòng phải nhập một số lượng rau củ quả khá lớn từ bên ngoài. Cụ thể là dạng tươi nhập từ các tỉnh Hải Dương, Thái Bình, Hưng Yên…; dạng đã quá sơ chế bảo quản nhập từ các tỉnh trung du phía Bắc, các tỉnh phía Nam và Trung Quốc; nông sản khô từ các tỉnh miền núi, trung du phía Bắc và Trung Quốc. Nhưng diễn biến đợt mưa bão vừa qua đã khiến tuyến đường bộ Nam – Bắc gián đoạn ở miền Trung; tuyến lên vùng cao phía Bắc và Trung Quốc cũng bị đình trệ bởi lũ, sạt lở, trong đó đường nhập khẩu lớn nhất tới cửa khẩu Lào Cai bị thiệt hại nặng. Còn nguồn cung từ các tỉnh lân cận thì cũng rất hạn chế, bởi lũ lụt đang tung hoành hầu hết vùng châu thổ sông Hồng.
Rau xanh trong siểu thị cũng khan hàng
Nguồn cung trào ngược
Bà Dung – một tiểu thương bán rau ở chợ Con chia sẻ, trước kia mỗi lần biến động giá rau, nhiều người tranh thủ vào siêu thị lấy rau ra bán. Nhưng hiện nay, những siêu thị vốn vẫn khai thác rau từ phía Nam và nhập khẩu về bán lẻ, nay cũng tìm cách khai thác ở vùng lân cận để vừa bán lẻ, vừa chuyển cho các siêu thị khác trong hệ thống…? Thông tin này chưa được kiểm chứng, nhưng chưa hẳn không có căn cứ, vì nhìn vào mắt thường thì cơ cấu chủng loại rau được bán tại một số siêu thị đã có sự thay đổi so với trước đó.
Theo phản ánh của người dân, những ngày gần đây có nhiều thương lái thu gom rau các loại chuyển về các vùng bị lũ lụt, động thái này đã khiến nguồn cung cho thị trường Hải Phòng bị ảnh hưởng. Mà không chỉ có rau, thời gian qua hầu hết thực phẩm đều tăng giá, ổn định nhất như gạo cũng lên bình quân 7%, giá thịt lợn tăng từ 5 đến 7%, giá gia cầm tăng khoảng 10%, một số loại thủy sản tăng tới 20%. Một chủ quầy thịt ở chợ Quán Mau cho biết, đã từ lâu rồi cơ bản nguồn thịt được giết mổ sẵn ở ngoại thành rồi mới đem vào bỏ mối cho các quầy. Sau đợt mưa bão vừa qua, nguồn cung ở ngoại thành không còn dồi dào như trước, một phần trước đó các trang trại đã bán hết hàng, một phần bị hư hại do lũ lụt.
Dù tăng với cường độ khác nhau, nhưng tình trạng chung là tất cả thực phẩm tươi sống đều không đủ hàng để bán, chất lượng cũng kém hơn so với lúc bình thường.Nhiều khách hàng trung thành với chợ truyền thống phải dồn vào siêu thị, nhưng nguồn hàng của các siêu thị có vẻ cũng không làm thỏa mãn nhu cầu của người tiêu dùng. Đáng chú ý là, giá một số mặt hàng trong các siêu thị cũng bắt đầu được điều chỉnh tăng, bao gồm cả thực phẩm chế biến công nghệ và tươi sống.
Giá thủy sản tăng tốc sau đợt mưa bão
Nỗi lo nhìn về cuối năm
Kinh nghiệm từ mấy năm nay cho thấy, nguồn hàng khan và giá tăng sau mỗi trận mưa bão chỉ là cục bộ, thông thường khi lưu thông ổn định trở lại thì giá sẽ giảm. Thậm chí theo một số tiểu thương thì trong dịp tới giá thịt, rau có thể giảm, do người nuôi trồng buộc phải giải quyết một lượng lớn sản phẩm bị úng lụt.
Tuy nhiên, vấn đề chính là những tháng tiếp theo đến tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Theo các số liệu cập nhật thì thiệt hại của đợt mưa bão vừa qua Hải Phòng không phải là tâm điểm, mặc dù vậy một số trang trại chăn nuôi tại Hải Phòng đã bị “choáng” sau đợt lao dốc của lợn thịt trước đó, cộng hưởng thêm đợt thiên tai này. Bằng chứng là tại các chợ nội thành xuất hiện cả thịt lợn “lái” bày bán, cho thấy độ nản của các hộ chăn nuôi. Hơn nữa, một số chủ trang trại ở An Lão cũng cho biết, dù chuẩn bị tốt đến mấy thì lợn gà “dính” bão đều phải tìm cách tiêu thụ nhanh để thu hồi vốn, lỗ lứa này đã đành nhưng cái khó là việc tái tạo kịp cho dịp tết. Chẳng hạn chu kỳ thu hoạch một lứa gà thịt khoảng 50 ngày, nhưng ngay bây giờ gà giống cũng không phải dễ kiếm. Còn thủy sản nuôi như tôm cá, chu kỳ sinh trưởng còn dài hơn, đợt ngập úng này nhiều vùng đầm bị thất thoát, cơ bản không chủ động được nguồn vào cuối năm.
Một khối lượng công việc lớn đang được đặt ra, từ việc tiêu thụ gấp lượng gia súc, gia cầm, rau xanh bị ảnh hưởng, đến lo tiền mua giống, thức ăn chăn nuôi, phân bón mới… Rất khó cho công tác dự báo thị trường trong thời gian từ nay đến tết, bởi việc điều tra thị trường lâu nay ít được quan tâm, nên hậu quả cộng hưởng nguồn cung cầu sẽ có thể đem đến nhiều tiêu cực. Trong khi đó, năm nào cũng vậy, dù nguồn cung có dồi dào đến mấy, thì thị trường cuối năm luôn bị biến động. Trong khi theo thông lệ, thì thời điểm này mọi năm chính là lúc các thương lái Hải Phòng tăng cường thu gom, tích trữ hàng nông sản phục vụ tết, nhưng nguồn này cũng đang bị hạn chế không nhỏ.
Mặt khác, nếu không chủ động được nguồn tại chỗ, phải phụ thuộc vào bên ngoài không những làm khó cho bà con nông dân mà còn có rất nhiều hệ lụy, chi phí sẽ tăng vì một lượng lớn tài chính từ nội lực sẽ bị “chảy máu”, rất khó kiểm soát, quản lý cả số lượng và chất lượng, và quan trọng nhất là không thể chủ động về giá cả… Tất nhiên, khi mà bà con đang lúng túng, vai trò này đang rất cần trách nhiệm và những giải pháp hợp lý từ các cơ quan chức năng liên quan.
Lê Minh Thắng
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết