08:16 02/09/2022 Thành viên EU Bulgaria là một trường hợp thử nghiệm thú vị liên quan đến tương lai của mối quan hệ với Gazprom và với chính Nga.
Nhà độc quyền khí đốt của Nga Gazprom đã đơn phương ngừng cung cấp cho Bulgaria vào ngày 27/4, trong khi chính phủ của Thủ tướng Kiril Petkov khi đó đang tìm kiếm nguồn cung cấp thay thế.
Giờ đây, một chính phủ mới cho biết việc nước này sẽ thảo luận về vấn đề nối lại việc cung cấp khí đốt từ Gazprom là điều “không thể tránh khỏi”. Chính phủ lâm thời do Tổng thống Rumen Radev bổ nhiệm đã cáo buộc nội các của Thủ tướng Petkov làm tổn hại quan hệ với Nga sau cuộc xung đột ở Ukraine.
Điều này dẫn đến việc hàng trăm người Bulgaria đã tổ chức các cuộc biểu tình phản đối kể từ khi chính phủ lâm thời nhậm chức vào ngày 2/8, lo lắng rằng việc nối lại nguồn cung cấp khí đốt của Nga một lần nữa làm gia tăng ảnh hưởng của Điện Kremlin đối với nền kinh tế của họ.
Bulgaria nhập khẩu hơn 90% lượng khí đốt mà họ cần từ Nga, thông qua đường ống TurkStream, theo hợp đồng 10 năm và sẽ hết hạn vào cuối năm 2022. Trong khi Nga đã ngừng cung cấp cho Bulgaria, nước này vẫn tiếp tục vận chuyển khí đốt của Nga qua đường ống trên đến các nước Serbia và Hungary.
Các chính trị gia và nhà phân tích ở Bulgaria không thống nhất về việc liệu có thể thay thế khí đốt của Nga bằng nguồn cung cấp thay thế hay không - chẳng hạn như nguồn cung từ đường ống Azeri thông qua một đầu nối với Hy Lạp và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ thông qua các thiết bị đầu cuối ở Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ.
Mới đây, Chính phủ lâm thời Bulgaria đã bác bỏ lời đề nghị cho 6 chuyến tàu chở LNG của Mỹ, với lý do giá cả và việc thiếu kho chứa ở các bến gần đó để tải xuống và tái khí hóa.
Đại sứ Nga tại Bulgaria cho biết việc giao khí đốt tới Bulgaria có thể được tiếp tục nếu có ý chí chính trị từ Sofia, đồng thời nhắc lại rằng các khoản thanh toán phải bằng đồng rúp. Tuy nhiên, Ủy ban châu Âu cho biết họ đang giám sát chặt chẽ việc vi phạm các lệnh trừng phạt của EU đối với Nga, với việc thanh toán khí đốt bằng đồng rúp được coi là như vậy.
Tại Bulgaria, nhiều người ủng hộ việc quay trở lại “kinh doanh như bình thường” với Nga nói rằng nhiều nước EU, bao gồm cả Đức và Italy, vẫn tiếp tục nhận khí đốt của Nga, điều đó có nghĩa là Bulgaria có thể làm theo các thỏa thuận tương tự.
Ngoài ra, Bộ trưởng Năng lượng Bulgaria Rosen Hristov tuyên bố rằng nếu nước này không nối lại nguồn cung cấp khí đốt từ Nga, Sofia có thể phải trả khoản tiền phạt rất lớn trong trường hợp có khả năng xảy ra một vụ kiện thương mại về chênh lệch giá. Hợp đồng có điều khoản nhận hoặc trả, buộc Bulgaria phải mua 80% trong tổng số 3 tỷ m3 khí đốt đã hỏa thuận hàng năm. Nếu không, nước này sẽ phải bồi thường.
Cho đến nay trong năm 2022, Bulgaria đã nhập khẩu 1 tỷ mét khối (bcm) và theo điều khoản trên, Sofia sẽ bị buộc phải thanh toán cho 1,4 bcm khác mà nước này đã không được sử dụng. Do đó, Chính phủ lâm thời Bulgaria muốn có một thỏa thuận với Gazprom để sử dụng 1,4 bcm này cho đến cuối mùa Đông, nghĩa là sau cuối năm 2022.
Được biết, các liên hệ giữa Chính phủ Bulgaria và Gazprom đã được thiết lập. Tuy nhiên, lợi thế rõ ràng đang nghiêng về phía Nga vì chỉ có Moskva mới có quyền quyết định xem họ có muốn trở lại “kinh doanh như bình thường” hay không.
Người dân Bulgaria sẽ bỏ phiếu trong cuộc bầu cử sớm vào ngày 2/10 tới và có thể chính phủ lâm thời của nước này sẽ cố gắng tìm ra một phương thức hợp tác với Nga trước thời điểm đó.
Theo TTXVN
09:05 23/12/2024
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về dịch vụ nổ mìn
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết