14:26 20/06/2017
Những năm gần đây, sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội facebook với những tiện ích tuyệt vời trong việc cập nhật tin tức, kết nối cộng đồng cũng làm nảy sinh mặt trái với việc xuất hiện ngày càng nhiều tin đồn mang tính giật gân, câu khách, sai sự thật với sức lan tỏa chóng mặt, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Không đơn giản là chơi “phây”
Có thể kể đến những vụ hoang tin gây bức xúc như: Cuối tháng 10-2016, trang facebook “Vịt Bầu” với lượng fanpage gần 70.000 lượt do 3 đối tượng quản trị, trong đó có Nguyễn Xuân Long (34 tuổi, ở Tổ 24, ấp Vườn Dừa, xã Phước Tân, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) liên tiếp tung tin đồn thất thiệt về việc Việt Nam chuẩn bị đổi tiền gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến đời sống và an ninh tiền tệ quốc gia. Ngày 14-12-2016, khi được triệu tập đến cơ quan Công an, Nguyễn Xuân Long thừa nhận hành vi trên là vi phạm pháp luật, tác động xấu tới xã hội.
Ngày 31-3, Nguyễn Hoài Nam (35 tuổi, ở phường An Bình, TP Biên Hòa) đã đăng tải lên trang facebook của mình việc một học sinh lớp 4, Trường tiểu học Bình Đa, TP Biên Hòa, bị hãm hiếp và sát hại nhưng nhà trường và chính quyền địa phương tìm cách che giấu thông tin. Sự việc này gây hoang mang cho các bậc phụ huynh và học sinh ở địa phương. Ngay sau đó, Công an TP Biên Hòa đã vào cuộc điều tra và xác định không có sự việc trên. Tại cơ quan công an, Nam thừa nhận đã nghe thông tin trên từ một người bạn rồi về đăng lên facebook để gây chú ý cho mọi người.
Ngày 6-6, Nguyễn Thị Ngọc (26 tuổi, ở tổ 31, phường Hòa Khánh Bắc, Liên Chiểu, TP Đà Nẵng), đã đưa trên facebook cá nhân nội dung 2 vụ bắt cóc trẻ con ở Hòa Khánh. Nội dung này ngay sau đó được Phạm Thị Minh Trang (26 tuổi, ở quận Thanh Khê) “cóp” về facebook của mình khiến thông tin càng lan rộng, gây hoang mang trong dư luận.
Công an quận Liên Chiểu đã mời Nguyễn Thị Ngọc và Phạm Thị Minh Trang đến làm việc. Trang khai, tình cờ đọc được thông tin nói trên từ mạng xã hội nên đăng lại với mục đích cảnh báo các bà mẹ có con nhỏ. Còn Ngọc khai nhận, tự nghĩ ra nội dung vụ việc và đăng tải lên trang facebook cá nhân nhằm thu hút sự chú ý để bán hàng online.
Tại Hải Phòng, ngày 30-5, rất nhiều trang facebook cá nhân đăng tải, chia sẻ thông tin về việc bắt cóc trẻ em “hụt” tại Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng. Vụ việc được kể là mẹ cháu bé trong lúc chờ người nhà thanh toán viện phí xuất viện đã bị hai người lạ mặt bỏ bùa và bế cháu nhỏ chạy khỏi bệnh viện nhưng không thành.
Tuy nhiên, qua tìm hiểu và xác minh thông tin, đại diện Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng khẳng định trong ngày 30-5 không có vụ việc nào về ANTT xảy ra tại bệnh viện như nội dung của status đã nêu. Trao đổi với CAP Lãm Hà (Kiến An), nơi bệnh viện đóng chân, Trung tá Phan Huy Cường, Trưởng CAP cho biết: CAP Lãm Hà không nhận được đơn trình báo cũng như thông tin gì về vụ việc trên.
Gần đây nhất, ngày 9-6, trên mạng xã hội Facebook bất ngờ lan truyền một đoạn clip ghi lại hình ảnh một người đàn ông bị người dân vây quanh tại đường Lạch Tray, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng. Theo chia sẻ trên Facebook, người này ép xe một phụ nữ để bắt cóc cháu bé đi cùng. Tuy nhiên, trao đổi với Báo An ninh Hải Phòng, CAP Lạch Tray khẳng định không có chuyện bắt cóc như tin đồn trên.
Hậu quả pháp lý
Những thông tin giật gân liên quan đến những vấn đề “nóng” được xã hội đặc biệt quan tâm như bắt cóc trẻ em, hiếp dâm, đổi tiền, dịch bệnh nguy hiểm... chưa được kiểm chứng hoặc sai sự thật được một số cá nhân đưa lên mạng facebook thời gian qua không chỉ gây hoang mang, lo lắng trong dư luận xã hội mà còn gây mất thời gian, công sức của cơ quan công an khi xác minh, làm rõ sự thật.
Điều đáng lên án là ngoài một số người đưa thông tin do nhận thức còn hạn chế thì cũng có những đối tượng có chủ đích lợi dụng mạng xã hội tung tin thất thiệt nhằm mục đích câu “like”, câu “view”, thu hút quảng cáo, tăng lượng truy cập cho những trang facebook bán hàng online; để bôi nhọ, làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, nhân phẩm của người khác; cạnh tranh không lành mạnh nhằm triệt hạ đối thủ hoặc vì những mưu đồ chính trị xấu…
Những đối tượng này nhiều khi không lường được hậu quả pháp lý mà họ phải gánh chịu khi đưa những thông tin sai sự thật. Chỉ đến khi bị cơ quan chức năng điều tra, xử lý theo quy định pháp luật thì lúc đó có hối cũng đã muộn.
Trên thực tế đã có nhiều trường hợp bị cơ quan chức năng xử phạt nghiêm khắc như trường hợp Nguyễn Sơn Tùng (sinh 1985, ở tổ 7, phường Trung Thành, thành phố Thái Nguyên) tung tin bắt cóc người để lấy nội tạng. Sau khi điều tra xác minh sự việc không đúng sự thật, ngày 10-3-2016, Công an tỉnh Thái Nguyên đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 12,5 triệu đồng đối với Tùng.
Ngày 9-3-2016, Công an tỉnh Quảng Bình cũng đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Nguyễn Đức Thành (sinh 1992, ở phường Hải Đình, TP Đồng Hới) 10 triệu đồng vì đăng tải nội dung trong cá xước có thuốc độc khiến người tiêu dùng lo sợ, tẩy chay cá bè, gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng cho những người nuôi và bán cá trên địa bàn. Và ngày 12-6 vừa qua, Công an quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) đã xử phạt hành chính 12,5 triệu đồng với Nguyễn Thị Ngọc (26 tuổi) như đã nói ở trên vì tung tin bịa đặt bắt cóc trẻ em trên facebook cá nhân…
Tuy nhiên, bên cạnh việc lên án những đối tượng với động cơ trục lợi cá nhân kể trên, cũng phải kể đến trách nhiệm của cộng đồng mạng đã nhẹ dạ, cả tin, vội vã không thẩm định khi tiếp nhận thông tin, vô tình tạo “đất sống” dung dưỡng cho những hoang tin này phát triển.
Để hạn chế các thông tin bịa đặt, sai sự thật, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, ngoài sự vào cuộc của các cơ quan chức năng cùng những chế tài xử phạt thật nghiêm khắc mang tính răn đe, giáo dục; người dân cũng cần thận trọng trước khi tiếp nhận những thông tin trên mạng xã hội. Trước khi “like”, chia sẻ hay bình luận một vấn đề gì, hãy cân nhắc kỹ lưỡng để không vô tình tiếp tay cho những kẻ xấu..
Điều 122 Bộ luật Hình sự quy định, người tung tin đồn thất thiệt và tin đồn đó có tính chất vu khống có thể phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm về tội Vu khống. Ngoài ra, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 10 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm.
Điều 226 Bộ luật hình sự về “Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet” quy định người phạm luật “xâm phạm trật tự, an toàn xã hội gây hậu quả nghiêm trọng” có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm. Ngoài ra, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đến 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định.
Bùi Hạnh
16:33 22/12/2024
14:01 21/12/2024
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về dịch vụ nổ mìn
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết