Nhân lên niềm tin cho những gia đình quân nhân hiếm muộn

16:28 13/06/2015

 

...
...

Trong đợt hỗ trợ quân nhân hiếm muộn đợt I, có 8 gia đình quân nhân đang công tác tại Bộ chỉ huy BĐBP TP được Bộ Tư lệnh hỗ trợ kinh phí, mức hỗ trợ từ 20-30 triệu đồng/gia đình để điều trị hiếm muộn. Niềm vui của các gia đình như được nhân lên gấp bội, bởi không chỉ nhận tiền hỗ trợ, họ còn được nhận những lời động viên, chia sẻ, sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Bộ chỉ huy BĐBP, tiếp thêm nghị lực để các gia đình thắp sáng những ước mơ về mái ấm đầy tiếng cười trẻ thơ…

Thỏa nỗi khao khát, mong chờ

Xuân Ất Mùi vừa qua, vợ chồng thượng úy Dương Đăng Hải, trợ lý thanh niên Phòng chính trị Bộ chỉ huy BĐBP TP ngập tràn hạnh phúc được đón đứa con đầu lòng chào đời.  Vợ anh, chị Nguyễn Thị Hồng Vân, sinh 1986, vừa sinh bé trai bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Sau 6 năm kết hôn, đằng đẵng những hồi hộp mong chờ, giờ đây anh chị mới được làm cha, làm mẹ. Cuộc sống của anh chị từ nay sẽ vất vả hơn bởi chăm sóc con nhỏ nhưng căn nhà luôn tràn ngập tiếng cười. Ngày đón em bé chào đời, hai bên nội ngoại vui mừng khôn xiết. Các cụ đều đã ở vào tuổi "cổ lai hy", nay có thêm cháu dường như khỏe ra.

Anh Hải cho biết: "Cưới nhau rồi nhưng mong mãi mà chẳng thấy tin vui. Gia đình 2 bên lo lắng hỏi han, vợ chồng tôi cũng chạnh lòng khi nhìn thấy những đôi lứa cùng kết hôn đã sinh con". Với suy nghĩ "có trục trặc" nên ai mách gì anh chị làm nấy. Bốc thuốc nam, thuốc bắc ở tận miền ngược, miền xuôi nhưng không có kết quả. "Có lúc vợ chồng tôi đã tính buông xuôi vì quá mệt mỏi và tốn kém. Giữa lúc đó thì vào đầu năm 2014, khi lực lượng biên phòng có kế hoạch giúp đỡ những cặp hiếm muộn, chúng tôi được tạo điều kiện vào thành phố Hồ Chí Minh chữa trị. May mắn thay việc chạy chữa có kết quả ngoài mong đợi” - thượng úy Hải không giấu niềm vui mừng.

Nhớ lại quá trình 2 vợ chồng vào thành phố Hồ Chí Minh chữa trị, anh Hải nói đó là những ngày hồi hộp xem lẫn lo âu. Vợ anh từng có thai nhưng cứ đến tháng thứ 2 hoặc 3 là thai bị chết lưu hoặc bị sẩy. Khám ở các bệnh viện phụ sản Hải Phòng, Hà Nội đều kết luận vô sinh "chưa rõ nguyên nhân" khiến anh chị rối bời. "Lần đầu tiên điều trị tại thành phố Hồ Chí Minh, vợ tôi có thai nhưng tháng thứ 3 thì bị chết lưu. Cũng từ lần này, bác sĩ đã xác định được nguyên nhân khiến thai không đậu. Chúng tôi kiên trì ở lại chữa trị và lần sau đã có được kết quả" - anh Hải tâm sự.

Từ ngày có con, vợ chồng anh Hải như được tiếp thêm động lực, cùng nhau vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống. Niềm vui của anh Hải là sau những giờ làm việc ở cơ quan, anh dành hết thời gian cho thiên thần nhỏ Dương Gia Bảo, ở ngôi nhà nhỏ tại huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang. 

Cùng trong niềm vui đón thiên thần bé nhỏ sau nhiều năm chờ đợi là thiếu tá Bùi Văn Đoàn, quân nhân chuyên nghiệp, nhân viên phòng trinh sát ở Bộ chỉ huy BĐBP thành phố. Sau đổ vỡ lần đầu, anh Đoàn kết hôn lần 2 vào tháng 4-2011. Sau 3 năm chung sống, mong mãi mà chưa có “tin vui”, vợ chồng anh Đoàn rất lo lắng. Được sự quan tâm hỗ trợ kinh phí của Bộ Tư lệnh BĐBP, sự quan tâm tạo điều kiện về thời gian của lãnh đạo Bộ chỉ huy BĐBP TP, vợ chồng anh Đoàn đã đi điều trị hiếm muộn thành công. Cuối năm 2014, chị Đỗ Thị Luân - vợ anh sinh con gái trong niềm hạnh phúc của hai vợ chồng và họ hàng hai bên nội ngoại. Từ ngày có được “của để dành”, cuộc sống gia đình anh Đoàn tuy vất vả nhưng lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười trẻ thơ.

Thắp sáng niềm tin và hy vọng

Năm 2013, Bộ Tư lệnh BĐBP Việt Nam có cuộc khảo sát số gia đình quân nhân hiếm muộn trong toàn lực lượng và "giật mình" trước con số hơn 300 gia đình, trong đó tại Hải Phòng có 10 gia đình quân nhân hiếm muộn. Cuối tháng 4-2013, trung tướng Võ Trọng Việt, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng Việt Nam chủ trì buổi gặp mặt đại biểu các gia đình quân nhân hiếm muộn con trong lực lượng. Tại buổi gặp mặt, lãnh đạo lực lượng rất xúc động trước tâm tư, tình cảm của các gia đình hiếm muộn khao khát có con, càng xúc động hơn khi biết một trong những nguyên nhân là do đặc thù công tác của người lính biên phòng nơi núi cao, đảo xa ít được gần vợ. Từ thực tế này, đồng chí Tư lệnh chỉ đạo các cơ quan liên quan, các đơn vị tìm biện pháp khắc phục.

Trong đó yêu cầu các cơ quan đơn vị không điều động, luân chuyển đối với quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng bị hiếm muộn con công tác xa gia đình. Những quân nhân đã có quyết định điều động tăng cường cho các tỉnh phía Nam, phía Bắc thì để lại; những đồng chí đã điều động thì xem xét điều trở lại đơn vị cũ, đồng thời toàn lực lượng phải chung tay giúp đỡ các gia đình hiếm muộn, coi đó là nhiệm vụ, sự chia sẻ với đồng đội, nhân lên tinh thần sống có "tình thương, trách nhiệm" thông qua việc đóng góp thành lập quỹ hiếm muộn con trong Bộ đội Biên phòng.

Trung tướng Võ Trọng Việt, Tư lệnh BĐBP đã phê duyệt kế hoạch xây dựng quỹ hiếm muộn trong BĐBP. Tùy theo điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, các cặp quân nhân hiếm muộn sẽ được hỗ trợ đợt I từ 10 đến 30 triệu đồng. Đây là đợt vận động thiết thực, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc nhằm giúp đỡ và động viên kịp thời đối với các gia đình quân nhân hiếm muộn... Tính đến tháng 2-2015, toàn lực lượng BĐBP đã vận động được 10,7 tỷ đồng, tiêu biểu là BĐBP các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Hà Tĩnh, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Nghệ An, Bình Phước, Bà Rịa-Vũng Tàu, Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh...

Theo đó, những đồng chí công tác ở xa sẽ được bố trí về đơn vị gần nhà hơn, được sắp xếp nghỉ phép dài ngày, được hỗ trợ tiền để đi chữa trị ở những bệnh viện có uy tín. Nếu vào chữa trị tại TP Hồ Chí Minh, các cặp gia đình quân nhân hiếm muộn sẽ được bố trí chỗ ở miễn phí tại Bệnh xá 264 BĐBP, hoặc cơ quan Thường trực Bộ Tư lệnh BĐBP.

 Đại tá Tô Tiến Lực, Phó chủ nhiệm Chính trị Bộ chỉ huy BĐBP TP cho biết: "Việc vận động xây dựng quỹ hiếm muộn con trong BĐBP Hải Phòng được cán bộ chiến sĩ tự nguyện và tích cực tham gia bởi đây là chương trình rất ý nghĩa, góp phần giúp đỡ thiết thực các gia đình hiếm muộn. Hải Phòng được giao chỉ tiêu ủng hộ 400 triệu đồng, con số không nhỏ nhưng bằng nỗ lực cao nhất, lực lượng đã hoàn thành. Đơn vị hỗ trợ các đồng chí hiếm muộn con cao nhất trong điều kiện có thể như tạo điều kiện về thời gian gần gia đình, khi đi chữa trị, biên chế ở khu vực có phụ cấp cao hơn...”.

Trong số 10 trường hợp quân nhân hiếm muộn trong BĐBP thành phố, đã có 4 trường hợp điều trị cho kết quả và đã sinh nở “mẹ tròn con vuông”. Có được kết quả khả quan đó, bên cạnh sự nỗ lực, cố gắng của các cặp vợ chồng quân nhân hiếm muộn, là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của Đảng ủy BĐBP thành phố, cấp ủy, chỉ huy các cấp, sự quan tâm giúp đỡ về chuyên môn nghiệp vụ, tư vấn và điêu trị của Học viện Quân y, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Từ Dũ... Niềm tin và hy vọng sẽ được thắp sáng để các gia đình quân nhân hiếm muộn được điều trị hiệu quả, đó cũng là động lực giúp những người lính mang quân hàm xanh yên tâm công tác, vững chắc tay súng bảo vệ biên cương.

Hồng Hải


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông