Nhìn lại Hội nghị Hợp tác hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố: Chung tay vì sự thịnh vượng chung

18:58 24/11/2017

Hội nghị Hợp tác hành lang kinh tế 5 tỉnh, TP Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và Vân Nam (Trung Quốc) khép lại sau 2 ngày tổ chức đạt hiệu quả cao. Với chủ đề “Thúc đẩy hợp tác, để cùng phát triển”, hội nghị đã thảo luận và đi đến thống nhất các nội dung hợp tác phát triển trong thời gian tới với trọng tâm phát triển hạ tầng giao thông, logistisc, thương mại, giáo dục, y tế, du lịch...

 5 tỉnh, thành phố ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác

Mỗi địa phương một lợi thế

Tại hội nghị, ông Nguyễn Minh Vũ, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định, thời gian qua, cơ chế hợp tác giữa các tỉnh, thành phố Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc) ngày càng phát huy vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác giữa các địa phương dọc tuyến hành lang kinh tế, trong đó hội nghị lần này là một biểu hiện sinh động. Bộ Ngoại giao Việt Nam đánh giá cao những kết quả hợp tác giữa 4 tỉnh, thành phố của Việt Nam và tỉnh Vân Nam, Trung Quốc thời gian qua, cũng như nỗ lực của các địa phương trong việc triển khai các nội dung hợp tác trong khuôn khổ “hai hành lang, một vành đai kinh tế”, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng cho biết, với vai trò là cửa chính ra biển của tuyến hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố, Hải Phòng rất chú trọng và ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông kết nối vùng. Đồng chí nhấn mạnh, kỳ vọng lớn nhất của thành phố Hải Phòng và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) là mở đường bay kết nối giữa Hải Phòng với thành phố Côn Minh và có tuyến tàu hỏa cao tốc Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai và Côn Minh. Đây chính là những hành động thiết thực nhất để thực hiện kết quả cuộc hội đàm giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình vừa qua.

Ông Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho biết, phát huy vị trí “cầu nối” trên tuyến hành lang kinh tế, tỉnh Lào Cai đã có nhiều hoạt động tích cực nhằm thúc đẩy hoạt động giao thương, hợp tác phát triển kinh tế - xã hội. Nhất là sau khi tuyến đường cao tốc Hải Phòng - Hà Nội, Hà Nội - Lào Cai được vận hành, sẽ mở ra các cơ hội hợp tác giữa các tỉnh, thành phố Việt Nam với Vân Nam (Trung Quốc) thiết thực và hiệu quả hơn trên các lĩnh vực thương mại, du lịch, dịch vụ qua biên giới, quản lý biên giới, phòng chống tội phạm; quản lý lao động qua biên giới.

Còn ông Nguyễn Doãn Toản, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội nêu bật lợi thế của Hà Nội, một trong hai trung tâm kinh tế lớn của đất nước, là nơi kinh doanh thành công của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trong đó, hiện có 340 dự án đầu tư trực tiếp từ Trung Quốc với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 382 triệu USD vào TP Hà Nội. Ông cũng đánh giá, mặc dù đã cùng chủ động, có nhiều nỗ lực tích cực triển khai hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực để thúc đẩy quá trình phát triển của mỗi địa phương nhưng các kết quả đạt được còn khiêm tốn và chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của mỗi tỉnh, thành phố. Để hợp tác đi vào thực tế cần xây dựng cơ chế liên kết vùng, trong đó mỗi tỉnh, thành phố cần mở rộng các quan hệ thương mại, du lịch, thu hút đầu tư, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Cùng chung ý kiến với lãnh đạo TP Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thành cho hay, Quảng Ninh có nhiều ưu thế trong hợp tác phát triển với các địa phương thành viên. Quảng Ninh có 63/121 dự án vốn FDI có vốn đầu tư của Trung Quốc (bao gồm cả vùng lãnh thổ Hông Kông, Ma Cao và Đài Loan), tuy nhiên do vị trí hai tỉnh nằm ở đầu, cuối tuyến hành lang, khoảng cách khá xa về địa lý nên vẫn chưa có doanh nghiệp nào từ Vân Nam hợp tác hoặc đầu tư vào Quảng Ninh. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đưa ra đề xuất một số nội dung hợp tác, trong đó có việc nghiên cứu, xây dựng mô hình “Hai quốc gia, năm điểm đến” tức là “Hai quốc gia gồm Trung Quốc và Việt Nam, năm điểm đến là Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Lào Cai và Vân Nam” như một sản phẩm du lịch đặc sắc riêng hành lang kinh tế.

Những kỳ vọng mới

Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Trung Quốc tại Việt Nam Hồng Tiểu Dũng đánh giá, 13 năm, trong khuôn khổ hợp tác trên các lĩnh vực, tổng vốn đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam lên tới gần 12 tỷ USD. Trung Quốc trở thành nguồn du khách quốc tế lớn nhất của Việt Nam. Du khách Việt Nam vào Trung Quốc chiếm trên 1/10 du khách quốc tế đến Trung Quốc. Hành lang kinh tế 5 tỉnh, TP với khoảng 20 triệu dân có ưu thế bổ sung cho nhau về mặt kinh tế. Hành lang này là một trong hai hành lang của “Hai hành lang, một vành đai”, là phần quan trọng để thực hiện kết nối chiến lược phát triển hai nước.

Phát biểu tại phiên bế mạc, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng tin tưởng, những nội dung hợp tác được thỏa thuận, ký kết tại hội nghị sẽ góp phần cho sự thịnh vượng chung của các tỉnh, thành phố và hai quốc gia, các doanh nghiệp và nhân dân hai nước.

Tại hội nghị, các tỉnh, thành phố đã thảo luận, thống nhất bổ sung những nội dung hợp tác mới trên các lĩnh vực. Đối với hợp tác kết nối giao thông, các tỉnh, thành phố sớm báo cáo Chính phủ hai nước, Bộ Giao thông - Vận tải và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đầu tư các hạng mục kết nối giao thông bao gồm xây dựng tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, kết nối tuyến đường sắt khổ rộng 1,435 m từ ga Lào Cai (Việt Nam) đến ga Bắc Hà Khẩu (Trung Quốc); khuyến khích các hãng hàng không hai bên nghiên cứu, theo dõi thị trường và xin phép Chính phủ hai nước cho mở tuyến đường hàng không vận chuyển hành khách và hàng hóa từ Cát Bi  (Hải Phòng) -  Trường Thủy (Côn Minh) và tuyến Vân Đồn (Quảng Ninh) - Trường Thủy (Côn Minh). Hai tỉnh Lào Cai (Việt Nam), Vân Nam (Trung Quốc) tích cực đề nghị Chính phủ hai nước sớm cho phép xây dựng cầu đường bộ qua sông Hồng thuộc khu vực Bát Xát (Lào Cai, Việt Nam) - Bá Sải (Hà Khẩu, Trung Quốc).

Đối với hợp tác thương mại, đầu tư, các tỉnh, thành phố thống nhất hợp tác thúc đẩy thương mại song phương bền vững, tiếp tục phát triển, mở rộng xuất nhập khẩu các sản phẩm hai bên có thế mạnh. 5 tỉnh, thành phố thống nhất báo cáo kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành 2 nước nghiên cứu thúc đẩy hạng mục mạng lưới điện 500 KV Việt - Trung; cho phép nâng cấp thiết bị phần cứng và cùng xây dựng “cửa khẩu điện tử”, thúc đẩy thông quan tự động tại cửa khẩu Lào Cai - Hà Khẩu;  cho phép Lào Cai và tỉnh Vân Nam thỏa thuận xây dựng Khu hợp tác kinh tế biên giới Việt - Trung; thiết lập các khu, điểm, chợ biên giới; kéo dài thời gian thông quan tại cửa khẩu quốc tế đường bộ Kim Thành (Lào Cai, Việt Nam) - Bắc Sơn (Vân Nam, Trung Quốc). Hợp tác tiền tệ, nghiệp vụ bảo hiểm cũng được các tỉnh, thành phố xây dựng quan hệ hợp tác. Các tỉnh, thành phố trong Hành lang kinh tế thống nhất thúc đẩy phát triển ngành logistics qua biên giới, thu hút các doanh nghiệp logistisc có thực lực để hợp tác, đầu tư kinh doanh kéo dài mạng lưới phục vụ logistisc qua biên giới, tạo thế liên kết logistisc trong hành lang. Hội nghị cũng nhất trí thúc đẩy hợp tác trong công tác quản lý, chia sẻ thông tin về nguồn tài nguyên nước, môi trường sinh thái của sông Hồng.

HẢI HẬU

 

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông