09:34 29/09/2021 Do diễn biến tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, nhất là biến thể Delta bùng phát dữ dội, thời gian qua khu vực phía Nam đã trải qua thời gian dài thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch với cường độ cao nhất từ trước đến nay. Điều này đã làm đứt gãy nhiều tuyến lưu thông và chuỗi cung ứng hàng hóa của thương mại nội địa, trong đó thị trường Hải Phòng cũng có không ít nhóm hàng hóa bị ảnh hưởng, khi nguồn cung không được ổn định.
Nguồn thực phẩm chế biến từ phía Nam đang gặp khó về lưu thông
Chuỗi cung ứng nội địa bị ảnh hưởng?
Trong nhiều năm qua, Hải Phòng cũng như các địa phương khu vực phía Bắc trở thành thị trường tiêu thụ khá lớn thực phẩm cung cấp từ phía Nam, đặc biệt là thực phẩm chế biến.
Chỉ nhìn trên kệ hàng các siêu thị, từ thủy sản sơ chế như thịt gia súc, gia cầm, thủy sản đông lạnh, cho đến các loại thực phẩm công nghệ như nước chấm các loại, xúc xích, cá thịt viên, các loại mỳ ăn liền, các loại bột ngọt... rồi bánh kẹo, đồ uống, hầu hết là được sản xuất ở miền Nam.
Vì vậy, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh mẽ, các tỉnh phía Nam buộc phải giãn cách xã hội, đồng thời triển khai thắt chặt vận chuyển hàng hóa, một số ngành sản xuất cũng bị đình trệ, dẫn đến chuỗi cung ứng kết nối thị trường Bắc - Trung – Nam bị đứt gãy.
Trong khoảng hơn một tháng nay, hệ thống các siêu thị cũng như các đại lý phân phối hàng hóa liên quan tại Hải Phòng khá khan nhiều mặt hàng không còn đủ để bán. Có thể kể tới một số mặt hàng vốn được người tiêu dùng ưa chuộng hiện đang được phân phối rất hạn chế như nước chấm Nam Ngư, mỳ ăn liền Ômachi…
Không chỉ có thực phẩm, mà nhiều nhóm hàng khác xuất nguồn từ phương Nam cũng đang trong tình trạng này, đơn cử như nhóm hóa mỹ phẩm có nhiều thương hiệu dù sản xuất trong nước nhưng hiện cũng khó mua.
Chị Nguyễn Phương D.- Chủ một cơ sở làm đẹp ở đường Hàng Kênh chia sẻ, vừa qua thành phố cho phép một số dịch vụ trở lại hoạt động, chị D. gọi mua mỹ phẩm để mở hàng, nhưng đầu mối cung cấp trước đó báo hết. Chị D. lên siêu thị thì hàng đang phải chờ.
Tương tự ở nhóm hàng điện máy, theo bà Vũ Thu Th. – Người phụ trách đại lý phân phối độc quyền xe máy các thương hiệu Suzuki, Sym và Kymco trên đường Nguyễn Văn Linh, thì thời gian qua đại lý không đủ xe để bán, do nguồn cung từ các nhà máy trong Nam bị gián đoạn.
“Các loại xe phân khối lớn của hãng Suzuki hiện không đủ loại để trưng bày chứ chưa nói đến bán. Rất may là trước đó chúng tôi đã đón trước nhu cầu năm học mới, tích trữ nhiều xe máy loại dưới 50cc phục vụ khách hàng là học sinh, sinh viên, nếu không giờ chẳng biết bán cái gì…” – bà Vũ Thu Th. cho biết.
Trở lại với thị trường thực phẩm, cùng với tình trạng không đủ chủng loại hàng hóa như trước thời điểm miền Nam giãn cách xã hội, thời gian qua thị trường Hải Phòng cũng chứng kiến sự tăng giá của khá nhiều loại hàng hóa. Khảo sát theo phương pháp ngẫu nhiên của một số mặt hàng, cho thấy nhóm thực phẩm sơ chế tăng giá bình quân 10%, nhóm thực phẩm công nghệ tăng giá bình quân 15%, cá biệt có mặt hàng dầu ăn tăng giá tới 50%.
Mặt hàng dầu ăn tăng giá rất mạnh thời gian qua
Cần lo sớm cho thị trường cuối năm
Tính đến thời điểm này, quý 4 đã bắt đầu, nghĩa là chỉ còn 3 tháng nữa là hết năm 2021, cũng là thời gian đáo hạn của nhiều hợp đồng thương mại cả nội địa và quốc tế.
Đối với hoạt động thương mại nội địa, điểm nhấn quan trọng nhất là thị trường dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, theo thông lệ thì thường được khởi động từ trước vài tháng, nhất là trên phân khúc tích tụ nguồn thực phẩm.
Dù có những biến động nhẹ như đã nêu ở trên, nhưng nhìn chung thị trường thực phẩm Hải Phòng hiện vẫn tương đối ổn định, nhiều lựa chọn thay thế nên tình hình giá cũng như cung ứng đều suôn sẻ.
Vấn đề đặt ra là thời gian từ nay đến tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 không còn nhiều, diễn biến dịch bệnh tiếp tục phức tạp, nếu không có sự chủ động vào cuộc sớm thì cũng khó lường hết những kịch bản ngoài mong muốn xảy ra.
Đánh giá về thị trường, nhiều tiểu thương có kinh nghiệm cho biết, thực phẩm chế biến sản xuất ở phía Nam bị đứt gãy do nhiều nguyên nhân, nhưng hầu hết liên quan đến dịch bệnh.
Thứ nhất, quá trình triển khai phòng, chống dịch đã khiến các nhà máy gặp khó, thậm chí không thể duy trì sản xuất. Thứ hai, một lượng lớn hàng hóa phải tập trung để cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng vùng dịch, khi thương mại không hoạt động được bình thường. Thứ ba, do đặc thù về khối lượng, trọng lượng, chế độ bảo quản, thời hạn sử dụng… nhiều loại thực phẩm chế biến chủ yếu được vận chuyển bằng đường bộ, nhưng loại hình vận chuyển này cũng đang còn nhiều thách thức.
Về thực phẩm tươi sống ở Hải Phòng được hình thành từ rất nhiều nguồn, còn nguồn cung tại chỗ chỉ đạt khoảng 40% nhu cầu, đơn giản vì Hải Phòng không phải là địa phương có thế mạnh về nông nghiệp.
Vì vậy, bên cạnh nguồn cung tại chỗ, thị trường Hải Phòng còn nhập một số lượng rất lớn thực phẩm từ các địa phương khác trong nước và cả nước ngoài (thực phẩm đông lạnh). Trong đó một trong những nguồn cung chủ yếu thịt gia súc, gia cầm và rau xanh các loại là từ Hải Dương, Thái Bình và một số địa phương lân cận.
Điều đáng lưu ý là, kể từ khi dịch Coovid-19 xuất hiện, nhất là đợt bùng phát lớn hồi đầu năm 2021, trong đó Hải Dương là tâm điểm, nhiều nhà đầu tư và hộ chăn nuôi, trồng trọt khác, hoặc vì tổn thất, hoặc nhụt chí mà không mặn mà tái đầu tư, tạo ra khoảng trống khó lấp cho thị trường.
Trong khi đó tại Hải Phòng, tham khảo ý kiến một số chủ trang trại ở An Lão và Tiên Lãng, hầu hết người được hỏi đều cho rằng, năm nay giá nông sản nói chung không đáp ứng được yêu cầu đầu tư, lợi nhuận chăn nuôi, trồng trọt đạt thấp.
Từ nguyên nhân này, nếu thị trường biến động bất thường thì nguồn lực chăn nuôi sẽ bị động, bởi các thời gian tái tạo các loại nông sản không thể trong một sớm một chiều. Trao đổi với ông Lê Văn C. – chủ một gia trại ở huyện An Lão, thì để có thịt lợn và gia cầm thương phẩm, tính từ lúc thả chuồng đến lúc xuất chuồng phải mất vài tháng.
Nghĩa là nếu cần nguồn hàng phục vụ tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, thì ngay từ bây giờ các trang trại, gia trại đã phải nhập cuộc, tính toán đầu tư và tích trữ.
Lê Minh Thắng
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về dịch vụ nổ mìn
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết