09:15 16/08/2021 Năm nào cũng vậy, cứ đến tháng Bảy âm lịch (tháng Bảy) là không khí thị trường lại bị trầm xuống, bởi tâm lý kiêng kị mua sắm theo lệ tục. Nhưng ngược lại, riêng nhóm hàng phục vụ cho cõi “âm” lại luôn sôi động, thậm chí sôi động nhất trong năm, kể cả khi đại dịch Covid-19 đang hoành hành...
Hàng mã được hoàn thiện chuẩn bị đưa ra thị trường
Tác động “kép”
Có thể nói, tháng Bảy hàng năm ăn sâu vào tiềm thức người Việt không chỉ với sự tích về tình yêu vĩnh cửu của Ngưu Lang-Chức Nữ, mà còn là một trong những tháng quan trọng nhất của hệ thống tín ngưỡng văn hoá. Dịp Rằm tháng Bảy được gắn liền hai lễ “Vu Lan” và “xá tội vong nhân”, một là để báo hiếu tổ tiên đã khuất bóng, hai là chia sẻ với những cô hồn lang bạt không nơi nương tựa.
Về sự báo hiếu, trong Kinh Thi của Khổng Tử có câu: “Phụ hề sinh ngã, Mẫu hề cúc ngã, ai ai phụ mẫu, sinh ngã cù lao, dục báo thâm ân, hạo thiên võng cực”. Dịch nghĩa là: “Cha sinh ra ta, Mẹ nuôi nấng ta, thương sao cha mẹ nuôi nấng vất vả, muốn báo ơn sâu, trời cao khó sánh”.
Mới thấy trong đạo Nho, “hiếu” đứng đầu mọi tính hạnh của con người, nhưng dù hiểu theo nghĩa nào, gắn với những câu chuyện hoang đường hay gì chăng nữa thì cúng rằm tháng Bảy phải nói là một tập tục đẹp, xuất phát từ đạo lý thuần phong.
Vào những ngày này, người ta đồng thời lễ bái tổ tiên và phát thí bạt hồn, thả cá xuống nước, phóng chim lên trời, làm những điều tu nhân tích đức. Về cúng chúng sinh, một trong những lễ vật phổ biến nhất là cúng cháo hoa, rồi nắm cơm nhỏ, nẻ bỏng, bánh kẹo, xôi chè… người ta tin rằng cô nhi yểu vong, người chết vô thừa nhận sẽ là đối tượng được “thụ hưởng” những lễ vật này.
Ngoài ra còn có những vật dụng sinh hoạt như vải vóc, quần áo, mũ dép, tiền vàng, mã… tất cả được tượng hình bằng nguyên liệu dễ hóa hỏa. Nhiều nơi có tục khi đốt mã xong, bố trí cho thật nhiều trẻ nhỏ “cướp chúng sinh”, như thể tái trần cái cảnh vong nhân đói khát được mở cửa phóng thích kiếm ăn, cho rằng thế mới linh ứng.
Về hàng mã, trước kia, hàng mã chỉ đơn giản là ngựa được đan bằng cốt tre, trang trí bằng giấy, kèm theo quần áo, giầy hia, mũ cánh… mô phỏng trang sức của một chức sắc hoặc người giàu có thời phong kiến trên trần gian. Nhưng giờ đây, phong tục cũ ngày càng được phát triển theo trí tưởng tượng phong phú.
Chỉ có điều, bên cạnh tâm lý báo hiếu tổ tiên và xá tội vong nhân, nhân cơ hội này người ta cũng cầu mong cho những lợi ích thiết thực cho cuộc sống hiện tại. Rằng “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, cầu là được, ước là thấy, đốt tiền giả được trả bằng tiền thật, lấy lòng người âm để được phù hộ khỏe mạnh, làm ăn suôn sẻ, thăng quan tiến chức...
Bởi vậy tín ngưỡng đôi khi bị biến thái, ngay cả việc vi phạm pháp luật bị truy cứu, người ta cũng đổ tại thất lễ với người âm, tại quỷ quấy ma rầy, tại động mồ đổ mả… Đáng nói là, kinh tế càng khó thì không khí tâm linh rằm tháng Bảy càng tỏ ra nhộn nhịp, ciệc cúng lễ được tổ chức rầm rĩ ngay từ đầu tháng chứ không phải đợi đến tuần rằm.
Hàng mã bày bán dịp Rằm tháng Bảy
Thị trường nhộn nhịp
Những ngày này, dù thời tiết không được thuận cho lưu thông hàng hóa do mưa Ngâu rả rích, lại giữ bối cảnh dịch bệnh Covid-19 rình rập, nhưng tại các cửa hàng chuyên kinh doanh nhóm hàng phục vụ tháng Bảy vẫn khá nhộn nhịp. Bà Nguyễn Thị O. – một tiểu thương ở đường Phan Bội Châu cho biết, từ cách đây hơn một tháng bà đã đặt hàng chuẩn bị cho dịp cúng Rằm.
Bà O. nói: “Tôi bán buôn, phải đặt trước cho các đầu mối phân phối, họ cũng nhập hàng của tôi từ trước nửa tháng mới kịp bán lẻ, cũng có một số khách đặt làm loại hàng mã đặc thù, không làm sớm không kịp cho họ…”.
Bà Nguyễn Thị O. cho biết thêm, ở Hải Phòng, làm món hàng mã nổi tiếng nhất là làng Tiên Cầm (xã An Thái, huyện An Lão). Cả làng ai cũng biết đan ngựa, người khoẻ chặt chẻ, người già cần mẫn tước nan, còn trẻ nhỏ mím chân, luồn tay thoăn thoắt vặt néo. Tiên Cầm đã được công nhận là một trong 12 làng nghề truyền thống của Hải Phòng từ hàng chục năm nay, làng có khoảng gần 500 hộ thì có tới trên 400 hộ cuộc sống cơ bản dựa vào đan cốt mã.
“Nhưng các cụ trong làng bảo nghề hàng mã bạc lắm!” – Bà O. nói. Chẳng biết có đúng không nhưng làng Cầm thì nghèo thật, mỗi ngày một thợ lành nghề đan được khoảng hai chục cốt mã, bán chỉ vài nghìn đồng/cốt, trừ tiền nguyên liệu mất một nửa, cùi cũi cả ngày cũng được có vài chục nghìn đồng.
Giờ đây, khi xã hội văn minh “đẻ” ra quá nhiều phương tiện hiện đại nên khéo nghề như người Tiên Cầm cũng không theo kịp, mà có người trong phố đốt một lần bằng tiền cả làng còng lưng kiếm vài tháng.
Như câu chuyện kể của ông Phạm Văn H., cũng là tiểu thương buôn bán hàng mã. Mấy hôm trước người viết bài này có dịp ngồi với ông H., cứ chốc chốc lại thấy khách từ các chợ lẻ, tỉnh lẻ tới tấp điện về cho ông H. đặt hàng. Ông H. khoe với vẻ mặt hớn hở: “Hàng khủng năm nay vẫn theo xu hướng một biệt thự, xe sang, thiết bị công nghệ thông tin..!".
Nói đến đây, ông H. như chợt nhớ ra, rút điện thoại a-lô cho người nào đó: “Làm luôn cho một con Ôsin, một vệ sỹ có vũ khí nóng nữa nhé, làm cẩn thận vào để nhà dùng đấy!". Xong ông H. quay ra cười típ mắt: “ Hàng tôi thửa để dùng, gửi đồ xịn cho các cụ còn phải kèm theo nhân sự hỗ trợ nữa chứ…”.
Theo ông H. ra các quầy bán hàng, mới thấy loá mắt bởi hàng mã ở đây, đồ truyền thống vẫn bày bán nhiều, từ 15.000 đồng đến 80.000đồng/con ngựa tuỳ theo độ lớn; quần áo “may” sẵn cả mốt kim lẫn cổ, Tây và ta, Complet, áo dài, quần âu… được bán từ 8.000 đồng đến 40.000đồng/bộ.
Trong các loại hàng “đời mới” phổ biến nhất là nhà cao tầng và xe máy, ô tô, máy tính xách tay, smartphone… những thương hiệu nổi tiếng thế giới đều hội tụ, được “mã hoá” có giá từ 50.000 đồng đến 300.000đồng/sản phẩm. Chủ cửa hàng nào cũng sẵn sàng tư vấn cho người mua, cúng cho ai, chết già hay trẻ, chết vì tai nạn hay bệnh tật, lúc sống thích loại hàng gì..?
Ông H. còn nửa đùa nửa thật: “Thích đặt gì cũng được, súng ống, máy bay, tàu chiến, xe tăng, lính tráng, ôsin, thẻ ATM… có tiền là có hàng”.
Mới thấy, đốt mã mùa Vu Lan với tất cả ý nghĩa về đạo đức có thể nói là một tập quán hướng thiện, nhiều người coi đây như ngày sum họp gia đình, để tưởng nhớ tổ tiên, gắn kết tình thân trợ giúp nhau trong cuộc sống.
Hơn nữa, dù còn nhiều điều phải bàn, nhưng dẫu sao đây cũng là một kênh kích cầu cho thị trường hàng hóa dịp này, bởi ngoài hàng mã còn nhiều nhóm hàng khác bán chạy, nhất là thực phẩm cả chế biến công nghệ và tươi sống.
Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, phong tục truyền thống đang bị “người trần mắt thịt” làm mất đi diện mạo cổ truyền. Nét đẹp của văn hoá tín ngưỡng biến tướng sỗ sàng, không chỉ tốn kém tiền của mà còn làm ảnh hưởng đến cả hệ tri thức của một thời đại văn minh, những điều lẽ ra không đáng có.
Gia Lê
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về dịch vụ nổ mìn
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết