Nơi ươm mầm thiện trong mỗi phạm nhân

18:41 07/03/2023

Có mặt tại Trại tạm giam CATP Hải Phòng. Từ lúc 7 giờ sáng, chúng tôi chứng kiến các phạm nhân bắt đầu ngày mới với các hoạt động lao động, cải tạo. Trại tạm giam cũng vì thế mà bước vào một ngày làm việc theo vận hành của mình. Phía sau cánh cổng của Trại quả là một thế giới thu nhỏ với bao mảnh đời, bao số phận đang từng ngày, từng phút vật vã để thay đổi mình. Và cũng ở đó, những “người thầy giáo đặc biệt” đang thầm lặng với trọng trách ươm mầm thiện, làm tươi lại những tâm hồn tưởng đã tàn úa để trả lại cho đời.

 Những người thầy không giáo án

Mỗi năm, Trại tạm giam CATP Hải Phòng tiếp nhận, giam giữ, quản ly, giáo dục, cải tạo hàng nghìn can, phạm nhân. Công việc ở đây bởi vậy vô cùng phức tạp, không giống với một môi trường giáo dục nào. 

Một ngày mới tại Trại Tạm giam CATP

 

 

Đặc biệt, đội ngũ các CBCS làm nhiệm vụ quản giáo luôn đối mặt với nhiều hiểm nguy. Trong trại, các phạm nhân mới vào đều có tâm lý tiêu cực, hoang mang, mặc cảm với  tội lỗi đã gây ra nên thường có tâm lý bất mãn, tự ti, thậm chí là chống đối. Không ít trường hợp còn tìm cách tự sát nhằm trốn tránh sự trưng phạt của pháp luật.

 

Chính vì thế, với trách nhiệm nặng nề của mình mỗi cán bộ của Trại trăn trở để tìm ra những giải pháp tối ưu nhất có thể giúp những người lầm lỗi sau cánh cửa nhà tù có thể nhìn thấy lại niềm tin và động lực sống; để đánh thức mầm thiện còn lại trong mỗi phạm nhân, giúp họ ăn năn, hối cải, được học nghề, hướng nghiệp để chuẩn bị hành trang cho ngày về.

 

Trên hành trình về nẻo thiện của những phạm nhân luôn có sự quan tâm giáo dục, động viên, hướng dẫn của các cán bộ quản giáo

 

Dẫn chúng tôi đi thăm những hàng cây vừa được các phạm nhân trồng, Trung tá Vũ Trung Kiên, cán bộ quản giáo phụ trách Đội phạm nhân số 3, Phân trại quản lý phạm nhân của Trại chia sẻ, mỗi can phạm nhân vào đây là một câu chuyện đời vô vàn éo le, không ai giống ai và thường có tâm sinh lý khác biệt so với người thường.

Bởi vậy, trong tiếp xúc, nhất là đối với những phạm nhân mới, điều trước tiên là phải nắm rõ diễn biến tư tưởng, hoàn cảnh cá nhân của họ để từ đó đưa ra những biện pháp giáo dục, thuyết phục và phân công công việc phù hợp. Đối với những phạm nhân có tư tưởng không ổn định, cán bộ quản giáo phải động viên từng ngày, hướng dẫn họ chấp hành nội quy, quy chế và phổ biến các quy định về cuộc sống trong khu giam giữ trong suốt quá trình cải tạo.

 

Cùng với việc quản lý, cải tạo những mảnh đời lầm lỗi, mỗi cán bộ quản giáo nơi đây còn là người thầy thực thụ trong đào tạo nghề, giúp phạm nhân có cơ hội được học việc, làm việc, quên đi  chán nản, tích cực cải tạo để được giảm án, đặc xá, tự mình nắm lấy cơ hội sớm được về với người thân, hoà nhập cộng đồng.

Bằng việc hướng dẫn cụ thể, kiên trì đầy vất vả đó, các cán bộ quản giáo đa giúp họ biết trân quý những giá trị vật chất từ sức lao động của chính mình. Hiệu quả giáo dục, cải tạo phạm nhân cũng từ đây được nâng cao. Mỗi người qua sự quan tâm, dạy dỗ của cán bộ quản giáo ngày một yên tâm cải tao tốt, tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

 

Một buổi lao động của các phạm nhân

 

“Phần lớn các phạm nhân khi vào trại đều không có kỹ năng lao động trực tiếp. Họ cần thời gian để tìm hiểu, thích nghi với nội quy, giờ giấc sinh hoạt trong trại tạm giam. Cũng vì thế, mỗi cán bộ quản giáo phải như người thầy, hết sức kiên trì, nhẫn nại, tự tay hướng dẫn từng bước cho mỗi phạm nhân.

Điều khó khăn nhất không phải là giúp phạm nhân nhận thức được nội dung bài học mà quan trọng là cách nào để chính bản thân họ tự ý thức được lỗi lầm đã gây ra để có động lực học tập, rèn luyện, chấp hành quy chế trại và vươn lên hướng thiện.

Muốn làm được điều đó, mỗi chúng tôi không chỉ là người cán bộ quản lý, cải tạo mà còn như là người thân, người thầy không giáo án biết cách đánh thức mầm thiện trong mỗi phạm nhân”, Trung tá Vũ Trung Kiên chia sẻ.

 

Ươm mầm xanh những tâm hồn tàn úa

 

Ngồi cặm cụi bên gốc hồng vừa trồng, phạm nhân Nguyễn Hữu M. (sinh năm 1977, đang thụ án về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng) bộc bạch, trước kia ở ngoài chỉ làm công việc văn phòng nên khi mới vào đây anh ta rất bỡ ngỡ, thậm chí có những lúc chán nản, tuyệt vọng và cũng đã từng có ý định bỏ trốn.

Tuy nhiên, được sự quan tâm, chỉ bảo, hướng dẫn và động viên của các cán bộ quản giáo, M. giờ đã có tư tưởng ổn định, nỗ lực cải tạo, phấn đấu tốt. Với công việc trồng và chăm sóc cây, được các quản giáo chỉ dạy, phạm nhân mong rằng khi trở về với cuộc sống đời thường mình có thể dùng chính hành trang này để ổn định cuộc sống mới...

 

Các phạm nhân tham gia trồng, chăm sóc cây

Cùng với M. và các phạm nhân đang chấp hành án tại Trại, hàng ngày, phạm nhân Nguyễn Trọng T. (sinh năm 1982, đang thụ án về tội Điều khiển phương tiện hàng hải vi phạm quy định về hàng hải của nước CHXHCN Việt Nam) cũng luôn nhận được sự quan tâm, động viên chia sẻ của cán bộ quản giáo, Ban Giám thị trại giam.

Khoảng thời gian gần 10 tháng tại đây, phạm nhân T. đã dần quen với giờ giấc sinh hoạt, nghiêm túc chấp hành các nội quy, quy chế.

Phạm nhân T. cho biết thêm: “Các phạm nhân sẽ lao động sản xuất bắt đầu từ 7h sáng. Sau giờ lao động, mọi người sẽ trở về phòng mình để sinh hoạt cá nhân, có thể chơi thể thao, đọc sách báo trong thư viện, tham gia văn nghệ hoặc nghỉ ngơi”.

 

Các phạm nhân tham gia trồng, chăm sóc cây

 

Còn phạm nhân Ngô Đức V. (sinh năm 1969, đang thụ án về tội Vi phạm các quy định về an toàn giao thông vận tải) chia sẻ: “Ngày mới bị bắt, tôi cảm tưởng rằng cuộc sống của mình đã đi vào đường cùng bởi bản thân đã hơn 50 tuổi còn phải đặt chân vào song sắt. Nhờ có sự quan tâm của ban Giám thị và các cán bộ quản giáo, tôi đã thay đổi được suy nghĩ và phấn đấu cải tạo tốt.”

 

Có lẽ, chính tấm lòng yêu thương, sự sẻ chia và trách nhiệm cao cả của các quản giáo - những “người thầy giáo đặc biệt” bắc cầu nối về nẻo thiện mà đã có rất nhiều phạm nhân tích cực cải tạo để sau khi ra trại đã có cuộc sống mới ổn định, trở thành những công dân tốt.

 

Cánh cổng Trại tạm giam khi đã khép lại, thế giới của phạm nhân chỉ còn là những bức tường kiên cố. Tiếng bạn tù, tiếng lòng ám ảnh và tiếng nhắc nhở, hỏi han, động viên, chia sẻ thông tin về diễn biến cuộc sống bên ngoài không ai khác ngoài can bộ quản giáo. Phía sau cánh cổng ấy là sự đối lập của ánh sáng và bóng tối, của thiện và ác, của cuộc sống tự do và ngục tù.

Và những cán bộ Trại tạm giam chính là những nhân tố vô cùng quan trọng giúp cho phạm nhân hiểu và thấy được những nét đẹp trong lao động, trong cuộc sống đời thường; ươm mầm thiện, làm tươi lại những tâm hồn tàn úa của mỗi phạm nhân để trả lại cho đời.

 

TÚ QUYÊN

Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông