09:33 14/10/2017 Dáng người thanh thoát, đôi mắt sáng trên khuôn mặt rạng ngời và đặc biệt giọng nói trầm khàn nhưng vẫn có sự hào sảng riêng, đó là điều ít ai có thể ngờ khi gặp một người phụ nữ đã hơn 50 tuổi, một nghệ sĩ cải lương gạo cội như chị. Chị là NSND Thanh Thuấn, Đoàn Cải lương Hải Phòng…
NSND Thanh Thuấn luôn cống hiến hết mình cho nghệ thuật
Một sáng mùa thu, heo may đã về với vài giọt mưa lất phất, lần đầu tiên tôi được gặp NSND cải lương Thanh Thuấn khi chị đang ngồi xem những diễn viên trong Đoàn Cải lương Hải Phòng tập duyệt vở mới trước khi đi công diễn. Trong ánh sáng mờ ảo của sân khấu, đôi mắt chị chăm chăm quan sát từng động tác, cử chỉ diễn xuất của từng anh em nghệ sĩ trong đoàn, đặc biệt đối với anh em trẻ tuổi, mới vào nghề, lắng nghe từng câu hát của họ, rồi tận tình góp ý…
Nhâm nhi chén trà xanh ấm nóng, NSND Thanh Thuấn kể cho tôi nghe câu chuyện về cuộc đời mình. Sinh năm 1966, tại xã Gia Luận, huyện Cát Hải, Thanh Thuấn được nuôi dưỡng trong một gia đình yêu nghệ thuật, bố đàn giỏi, mẹ hát hay. Thấm thoắt đã hơn 40 năm, chị vẫn còn nhớ y nguyên cái háo hức, thích thú của một cô bé nhóc tì 9 tuổi ở miền quê nghèo, năm 1975, lần đầu được nghe chiếc đài radio của người anh họ đi bộ đội mang về.
Điều đặc biệt, ngay từ lúc đó, chị đã thường xuyên được nghe chương trình những bài ca cổ của Đài tiếng nói Việt Nam phát vào buổi trưa mỗi ngày. Mỗi khi đến tiết mục ca cải lương, Thanh Thuấn “say” đến quên ăn, quên ngủ... Thế rồi từ đó, cứ đến giờ phát chương trình chị lại nghe lỏm từ đài nhà hàng xóm và những bài ca cải lương đã ngấm vào tâm hồn chị. Chị nghe rồi bắt chước hát theo những nghệ sỹ hát cải lương từ khi là cô bé 10 tuổi. Đến tuổi 15, chị đã hát thuần thục được rất nhiều bài ca, biểu diễn cho thầy cô, bạn bè nghe trong trường.
Như duyên trời định, năm 1983, trong một lần đến Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật Hải Phòng thăm người chị gái đang theo học khoa cải lương, Thanh Thuấn có cơ hội thể hiện giọng hát của mình. NSND Thanh Thuấn kể lại: Năm đó chị hát bài “Hoa mua trắng”. Sau khi nghe chị thể hiện xong bài ca cải lương này, các thầy cô đặc cách tuyển thẳng chị vào Khoa cải lương của trường.
Năm 19 tuổi, rất may cho Thanh Thuấn, trong lứa học sinh cùng khoa, chị được vào vai bà chánh án trong vở “Tiếng gọi” của NSND - đạo diễn Dương Ngọc Đức.
NSND Thanh Thuấn chia sẻ: Nhận vai diễn đầu tiên của cuộc đời, chị vô cùng lo lắng, bởi đây là vai vô cùng khó đối với diễn viên trẻ như chị. Trong vở “Tiếng gọi”, Bà chánh án ngoài 50 tuổi có hoàn cảnh éo le, có sự biến đổi tâm lý mạnh mẽ và phức tạp, trong khi đó Thanh Thuấn tuổi chưa tròn đôi mươi. Song vượt qua tất cả trở ngại, chị say mê, nỗ lực hết mình để nhập vai một nhân vật có tuổi đời bằng tuổi người mẹ của mình.
Giao cho Thuấn vai này, Đoàn cải lương Hải Phòng từng rất lo, nhất là Hội đồng nghệ thuật, nhưng với sự giúp đỡ của đoàn cùng sự quyết tâm lao động nghiêm túc của một diễn viên trẻ tài năng, chị đã hoàn thành nhiệm vụ, đoạt huy chương Bạc tại Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1985 tại thành phố Vinh, Nghệ An. Đây được xem là bước đột phá, tạo dấu mốc quan trọng tiếp thêm “lửa” để Thanh Thuấn thăng hoa trên suốt chặng đường nghệ thuật sau này với những vai chính để đời, đoạt nhiều giải thưởng cao trong các kỳ hội diễn.
Năm 1986, Thanh Thuấn tốt nghiệp Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật về công tác tại Đoàn Cải lương Hải Phòng. Với chất giọng trầm khàn, khỏe khoắn, tố chất thông minh, cá tính và khi ra sân khấu luôn sống hết mình với nhân vật, chị luôn được các đạo diễn giao đảm nhiệm nhiều vai khác nhau: già, trung niên, chính diện, phản diện, nghèo hèn, giàu sang...
Mỗi vai diễn chị đều làm bật lên được tính cách, cái “thần” của nhân vật, mỗi vai diễn đều là những kỷ niệm không thể nào quên trong cuộc đời chị. Thanh Thuấn trải lòng: Năm 2009, tại thành phố Hồ Chí Minh, chị vào vai già Trúc trong vở “Ngô Vương Quyền”. Khi diễn cảnh già Trúc chèo đò đưa Ngô Vương Quyền sang sông, do sân khấu lạ, lại trơn, chị đã rơi vào trạng thái sắp ngã. Ngay lúc đó, trong đầu chị đã lóe ý nghĩ nếu có bị ngã thật thì chị sẽ diễn tiếp cảnh thuyền bị lật, già Trúc bị rơi xuống sông, rồi cùng bơi đưa Ngô Vương Quyền vào bờ.
Nhưng rất may Thanh Thuấn lại không bị ngã. Cái khoảnh khắc chị cố giữ thăng bằng ấy lại làm nên hình ảnh “chòng chành” đắt nhất của cảnh già Trúc chèo đò.
NSND Thanh Thuấn tâm sự: Cuộc sống vốn rất nhiều khó khăn nhưng niềm đam mê nghệ thuật trong chị luôn luôn cháy bỏng, không bao giờ tắt. Chị luôn cảm thấy cuộc đời làm nghệ thuật mình thật may mắn và hạnh phúc vì được thử sức với hàng loạt vai diễn và được nhiều khán giả yêu mến. Đã có rất nhiều lời đề nghị, nhiều cơ hội đổi đời đến với chị nhưng chị vẫn một lòng cho nghệ thuật cải lương, cháy hết mình với công chúng yêu mến môn nghệ thuật này.
NSND Thanh Thuấn đã giành được nhiều giải thưởng lớn, huy chương ở các hội diễn, hội thi. Năm 1994, chị đoạt huy chương Vàng đầu tiên tại Hội thi Tiếng hát hay toàn quốc. Năm 1998, Thanh Thuấn đoạt giải Nhì tại Hội thi Tài năng trẻ toàn quốc. Năm 2000, chị là nữ diễn viên duy nhất của cải lương toàn quốc nhận giải thưởng Sao Đỏ của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam. Năm 2001, Thanh Thuấn là Nữ diễn viên xuất sắc nhất Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp phía Bắc và đây cũng là thời điểm chị được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT.
Sau 2 huy chương Vàng năm 2005 và 2009 tại thành phố Hồ Chí Minh với vai diễn Lê Chân trong vở “Nữ tướng Lê Chân” và vai già Trúc trong “Ngô Vương Quyền”, năm 2012, Thanh Thuấn vinh dự được nhận danh hiệu NSND - danh hiệu cao quý duy nhất của cải lương miền Bắc thời điểm đó.
Xuân Hạ
10:11 20/10/2024
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh