Nữ tướng Lê Chân và dấu ấn Hải Tần Phòng Thủ

10:21 10/03/2019

Theo kế hoạch, chỉ vài ngày nữa Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân sẽ được tổ chức. Theo đó, trong các ngày từ 12 đến 14/3/2019 (tức mồng 7 - 9/2 Kỷ Hợi), sẽ có nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc, tại quần thể khu di tích Nữ tướng Lê Chân, thành phố Hải Phòng.

Tượng đài Nữ tướng Lê Chân ở dải trung tâm thành phố Hải Phòng

Không chỉ là huyền thoại

Theo nhiều nguồn tài liệu, thời kỳ đầu Công nguyên, ở làng Vẻn xứ Đông Triều có ông Lê Đạo làm nghề thầy thuốc, vợ tên Trần Thị Châu, đều là người thuần hậu. Ông bà sinh được người con gái, đặt tên là Lê Chân, nổi tiếng sắc nước nghiêng thành, khiến quan thái thú Tô Định trong chuyến kinh lý qua đây, nghe danh bèn ép dâng Lê Chân làm tì thiếp. Bị cự tuyệt, Tô Định đã giết chết bố mẹ Lê Chân, vốn đã căm hận giặc Hán từ trước, nay mang nợ nước thù nhà, bà bèn tìm thầy học binh thư, võ nghệ.

Khi đã thành tài, Lê Chân rời bỏ xứ Đông, xuôi thuyền hướng ra biển, thấy một vùng bãi bồi bèn dừng lại chiêu dân lập ấp, mở mang điền trạch, đặt theo tên tục quê cũ là làng Vẻn, trang An Biên. Bấy giờ được tin ở xứ Đoài, Hai Bà Trưng đã dựng cờ khởi nghĩa, Lê Chân cũng chiêu binh ứng theo, được Trưng Vương phong làm Trấn Đông đại tướng quân, thống lĩnh đạo Nam Hải. Nhà Hán sai tướng Mã Viện làm Phục Ba Tướng quân, thống suất đạo thủy binh tiến theo đường biển sang dẹp khởi nghĩa, Lê Chân bèn sai lập phòng tuyến ngăn địch, đặt tên là Hải Tần Phòng Thủ, được coi chính là tên Hải Phòng (rút gọn) ngày nay.

Trước thế giặc quá mạnh, nữ tướng Lê Chân phải lui về căn cứ Kim Khê ở chân dãy núi Ba Vì. Khi Hai Bà Trưng thất thủ, Lê Chân tiếp tục đem quân về vùng núi Lạt Sơn (nay thuộc Kim Bảng – Hà Nam). Quân Mã Viện tiến đánh, bà rút lên núi Giát Dâu rồi gieo mình tự vẫn, quyết không để sa vào tay giặc. Ngay nay tại Lạt Sơn vẫn còn nhiều địa danh cổ, tương truyền có từ thời Lê Chân như thung Mộc Bài, thung Bể, thung Đội Nhất, Đội Nhị, thung Trống, đồi Dốc Voi Trượt, đồi Điểm Quân, đồi ông Tượng... Cũng tại núi Giát Dâu, dân chúng nhớ ơn lập đền thờ bà, tôn là Tiên động Thánh Chân.

Đền thờ An Biên tại xã Thủy An (Đông Triều/Quảng Ninh)

Có một nơi Nguồn cội

Lần theo chỉ dẫn của lịch sử, người viết bài này đã có dịp tìm đến quê gốc của Nữ tướng Lê Chân ở xã Thủy An (Đông Triều-Quảng Ninh). Nằm trên trục lộ 18, cách Hải Phòng chưa đầy 50 cây số, xã Thủy An nằm dưới chân núi Vẻn, có dáng uốn lượn theo dòng sông Đạm Thủy. Khác hẳn với những con sông phẳng ở Hải Phòng, sông Đạm Thủy mang đặc trưng của vùng trung du, hai bờ cao dốc thẳng xuống, khiến cho dòng nước được tách biệt đều tăm tắp, lách theo chiều sắp đặt của núi đồi, ẩn chứa nhiều điều thú vị. Đến nơi, khỏi tả cảm giác nao nao đến nhường nào, và đây núi Vẻn (An Biên) là của Đông Triều, nguồn cội của Hải Phòng, được trở về quê cổ hai nghìn năm có ai mà không xao động.

Từ lâu lắm rồi, người làng Vẻn tôn thờ nữ tướng Lê Chân là Thành Hoàng Thánh Chân công chúa, đền thờ bà ở đây có tên là An Biên, nhưng thường gọi theo nghĩa tình sâu lắng là Đền Bà. Đền được xây dựa lưng đỉnh núi Vẻn, hướng về phía Đông Nam, trước mặt là sông Đạm Thủy. Một người dân địa phương cho biết, trước kia đền rất lớn, nhưng trong kháng chiến chống Pháp, đền bị pháo giặc bắn sập, người làng Vẻn luôn đau đáu vì nỗi niềm ấy, hiềm nỗi quê hương còn nghèo, nên việc phục dựng phải theo từng bước, nhưng lòng người làng Vẻn đối với bà không bao giờ thay đổi. Mỗi năm đủ ba lần, làng mở hội dâng hương, một lần vào ngày sinh  của bà (mùng 8 tháng 2 - AL), một vào ngày thắng trận của bà (rằm tháng Tám - AL) và ngày hóa của (25 tháng Chạp - AL).

Được công nhận là di tích lịch sử của tỉnh Quảng Ninh năm 2005, tuy nhiên so với nhiều ngôi đền thờ các vị anh hùng dân tộc khác, quy mô hiện tại của đền An Biên có thể nói là khiêm tốn, chưa thực sự tương xứng với tầm vóc của nữ tướng Lê Chân.

Tác giả tại Tượng đài Nữ tướng Lê Chân (Đông Triều/Quảng Ninh)

Ước nguyện “uống nước nhớ nguồn”

Nhìn lại hai nghìn năm, cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng đã để lại dấu ấn đặc biệt cho lịch sử dân tộc, bởi giữa thời phong kiến mà nước Việt đã nổi lên những nữ tướng hào kiệt. Trong khoảnh khắc dựng cờ khởi nghĩa, tiếng trống Mê Linh vang vọng tới mọi miền, trong đó trấn An Biên (Hải Phòng ngày nay) gắn liền với tên tuổi nữ tướng Lê Chân, là một trong những nơi tiêu biểu nhất.

Ở Hải Phòng, những địa danh như làng Vẻn, Chùa Vẻn, đình An Biên… trùng với địa danh quê cũ của bà, tồn tại từ lâu là chuyện hiếm thấy, đồng thời cũng là những minh chứng hùng hồn của lịch sử. Đối với Hải Phòng, nữ tướng Lê Chân là người khai sinh lập địa, đi vào huyền thoại với ý nghĩa tâm linh sâu sắc. Cũng như Hải Phòng, người dân Thủy An nhắc đến bà như một vị thánh, tượng bà được tạc sừng sững uy nghi trước sân đền An Biên, tay cầm kiếm chỉ về hướng biển, gợi nhớ tới hình ảnh những người phụ nữ đất Việt oai hùng một thủa.  

Điều đặc biệt khi đến Thủy An, sau khi thắp tuần nhang tưởng niệm, chúng tôi thấy nhiều người dân tụ dưới gốc cây cổ thụ bên đền trò chuyện. Hỏi ra, mới biết chỗ ấy có một mạch nước chảy ra từ lòng núi, bao đời nay nuôi sống người làng Vẻn. Theo cán bộ xã, thì chất lượng nước từ mạch vô cùng tinh khiết, hầu như không có một thứ tạp chất nào. Ông kể rằng, có năm trời hạn hán, nước sông Đạm Thủy cạn trơ đáy, nhưng mạch nước đền Bà vẫn tuôn chảy không ngừng. Chính vì vậy, khi tôn tạo đền Bà, người làng Vẻn đã tạc hình một “ông Voi” ngậm vòi vào mạch nước, xem như tinh túy của Bà ban cho, ở làng Vẻn không nhà nào không dùng nước lộc Bà.

Trở lại với Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân được thành phố Hải Phòng phục dựng năm 2011 và được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2016. Với tinh thần giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, tri ân công đức của Nữ tướng Lê Chân đối với Hải Phòng, Lễ hội là một phần giá trị không thể tách rời các giá trị văn hóa của Hải Phòng nói riêng và cả nước nói chung. Tuy nhiên, giả như có sự kết nối giữa Lễ hội Hải Phòng và các lễ hội liên quan đến bà ở Quảng Ninh và Hà Nam, chắc hẳn hình ảnh của Nữ tướng sẽ thêm nhiều ý nghĩa.

Hy vọng một ngày không xa, đền An Biên ở núi Vẻn (Đông Triều – Quang Ninh), đền Tiên Động Thánh Chân (Kim Bảng – Hà Nam) sẽ cùng với đền Nghè, chùa Vẻn, đình An Biên (Hải Phòng), thực sự xứng đáng là nơi hướng cội của người dân, đồng thời là điểm đến hấp dẫn của du khách thập phương.

Gia Lê

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông