10:06 05/11/2019 Liên tiếp trong những ngày vừa qua, nhiều tỉnh, thành phía Nam chìm trong biển nước do mưa to cộng với triều cường. Không chỉ TP Hồ Chí Minh mà còn cả Cần Thơ, Vĩnh Long, Bến Tre, Bình Dương, Gia Lai, Đồng Nai, Khánh Hoà…
Có thể thấy, chưa bao giờ triều cường lại ở diện rộng đến vậy và Đài Khí tượng thuỷ văn của các địa phương đều thông báo mực nước đỉnh triều cao nhất từ trước đến nay. Hậu quả là nhiều tuyến đường phố trong nội đô bị ngập cao, giao thông tê liệt, làm đảo lộn sinh hoạt của người dân, trẻ em tại nhiều trường phải nghỉ học. Bên cạnh đó, nhiều vùng trũng thấp bị ngập lụt đã gây tràn bờ, hàng trăm ha sản xuất nông nghiệp của nông dân bị ảnh hưởng, chưa tính được thiệt hại.
Thông tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia thì hiện tượng triều cường ngày càng mạnh hơn do lưu lượng nước từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về hạ lưu ngày càng giảm và kỷ lục về mực nước triều cường đạt đỉnh luôn bị phá vỡ trong thời gian gần đây.
Theo nghiên cứu mới nhất của Tổ chức khoa học Climate Central-một tổ chức phi lợi nhuận-mới được công bố vào ngày 29-10 vừa qua thì mực nước biển dâng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng hơn đến khu vực ven biển, số cư dân bị ảnh hưởng sẽ tăng gấp 3 lần vào năm 2050. Đặc biệt, sát sườn hơn là các nhà khoa học cũng chỉ ra rằng: Phần lớn miền Nam Việt Nam sẽ ngập dưới nước khi ở đỉnh triều vào năm 2050.
Hiện, ¼ dân số Việt Nam, tức là khoảng 20 triệu người đang sống trong khu vực đang ngập lụt và dự báo sẽ tiếp tục chịu cảnh trên. Trong khu vực châu Á thì ngoài miền Nam Việt Nam, còn có Băng Cốc-Thái Lan, Thượng Hải-Trung Quốc, Jakarta-Inđônêxia, rồi Ấn Độ, Banglades cũng nằm trong tình trạng báo động đỏ về triều cường gây ngập lụt.
Cũng theo các nhà khoa học Hà Lan thì hiện đồng bằng sông Cửu Long chỉ còn cao hơn mực nước biển 0,8m thay vì con số trước đây là 2,6m. Với tốc độ tăng đến chóng mặt như trên thì dự báo nước biển sẽ “xoá sổ” nhiều vùng đất của miền Đông Nam Bộ-một thảm hoạ ngập lụt kinh hoàng.
Cùng chung mục tiêu nghiên cứu vì nhân loại, Trung tâm nghiên cứu khí hậu Mỹ đã sử dụng một mô hình kỹ thuật số mới để ước tính độ cao khu vực ven biển và kết quả đã ra một con số khủng khiếp, đó là mực nước biển dâng sẽ đe doạ cuộc sống của 480 triệu người tại các khu vực ven biển.
Ở Việt Nam, không chỉ ở khu vực phía Nam mà các tỉnh, thành ven biển phía Bắc cũng đã có những con số dự báo về hiểm học trên. Đơn cử như ở Nam Định, từ năm 2005 đến nay, mực nước biển ở huyện Giao Thuỷ đã dâng cao thêm 20cm. Số liệu quan trắc tại các Trạm hải văn dọc bờ biển Việt Nam nói chung và ở Hòn Dáu-Đồ Sơn, Hải Phòng nói riêng cũng cho kết quả trung bình tốc độ nước biển dâng là 3mm/năm. Tức là trong khoảng 50 năm qua, nước biển tại khu vực Hòn Dáu-Hải Phòng đã tăng thêm 20cm.
Dự báo đến năm 2100, nhiệt độ trung bình ở Việt Nam sẽ tăng lên 3 độ C, kéo theo mực nước biển sẽ dâng lên 1m và như vậy 90% diện tích trồng lúa ở vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ ngập hoàn toàn, đe doạ an toàn an ninh lương thực của cả quốc gia. Chưa hết, 4,4% lãnh thổ Việt Nam sẽ ngập vĩnh viễn, tương đương với 20% số xã trên cả nước và gần 10.000 km đường giao thông bị xoá sổ.
Còn tại vùng duyên hải Bắc bộ, trong đó có Hải Phòng thì mực nước biển dâng sẽ thu hẹp diện tích rừng ngập mặn, tạo điều kiện cho xói lở bờ biển, gây khó khăn cho nghề cá cũng như ảnh hưởng đến nguồn lợi thuỷ sản.
Trong những năm qua, hiện tượng xâm nhập mặn đã thu hẹp diện tích sinh sống của hàng trăm hộ dân ở huyện đảo Cát Hải, đe doạ trực tiếp các công trình giao thông, xây dựng, nông nghiệp, công nghiệp, nhất là các tuyến đê, cống, đầm nuôi trồng thuỷ sản của người dân.
Có thể thấy, biến đổi khí hậu nói chung và nước biển dâng nói riêng không còn là nguy cơ, là cảnh báo mà nó đã hiển hiện trong cuộc sống, thậm chí là thảm hoạ đối với nhân loại trong tương lai gần.
Các tổ chức nghiên cứu khoa học phi chính phủ, phi lợi nhuận đã khuyến cáo các quốc gia ven biển, nếu với tốc độ mực nước biển dâng chóng mặt như hiện nay thì không thể xây kịp hệ thống phòng thủ và buộc hàng triệu người dân phải di cư. Đây cũng được xem là điều bất ổn nhất trong cuộc khủng hoảng của biến đổi khí hậu.
Mới đây thôi, những ngày đầu tháng 10 vừa qua, núi băng khổng lồ có diện tích 1.636km2, chỉ nhỏ hơn một chút so với đảo Skye của Scotland, ước tính khoảng 315 tỷ tấn, đã tách ra từ thềm băng Nam Cực. Lượng băng trên bằng cả khối lượng băng đã mất đi trong 50 năm qua và đang tiềm ẩn những hiểm hoạ khôn lường cho con người. Các quốc gia, các nhà khoa học hiện đang theo dõi sát sao diễn tiến của núi băng trên bởi một phần nó sẽ tan chảy vào mùa hè và có thể gây nguy hiểm cho tàu thuyền.
Biển mang lại cho con người nguồn sống, song nước biển dâng lại đặt ra những thách thức không nhỏ cho con người trong tương lai không xa!
Kim Oanh
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về dịch vụ nổ mìn
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết