22:24 22/11/2019 Khi mùa vụ mới bắt đầu, nguồn cung tại chỗ dồi dào khiến giá rau xanh trên thị trường thành phố quay đầu giảm mạnh. Trong khi đó giá gạo lại tăng, rất may là các loại gạo bình dân mức tăng không cao nên tạm thời ảnh hưởng không lớn đến an sinh xã hội… Tuy nhiên, việc phân hóa của mặt hàng nông sản cũng tiềm ẩn nhiều nỗi lo
Rau loại củ cũng tăng giá mạnh so với rau có lá
Giá rau có lá lao dốc
Tính từ đầu năm, có lẽ đợt giữ giá cao trong quý 3 của rau xanh là dài nhất, gây khó cho người tiêu dùng. Một số loại rau phổ biến nhất có nguồn cung tại Hải Phòng có lúc tăng gấp hơn hai lần với mức bình quân chung của cả năm.
Vấn đề ở chỗ, giá tăng cao luôn đi đôi với nguồn cung hạn chế, các loại rau đều được mua vét hết từ rất sớm tại những chợ đầu mối. Nhưng dẫu sao thực trạng giá rau tăng cao trong một thời điểm nhất định cũng xuất phát từ những nguyên nhân dễ chấp nhận, nhất là do ảnh hưởng của diễn biến thời tiết và mức tiêu dùng gia tăng của nhu cầu mùa du lịch.
Bước sang tháng 11, thị trường rau xanh biến chuyển mạnh mẽ theo hướng giảm, trong đó nguồn tại chỗ đang chiếm ưu thế. Theo chia sẻ của ông Vũ Đức T. – một tiểu thương cung cấp rau xanh cho thị trường thành phố, thì trong bối cảnh miền Trung và miền Nam gặp nhiều thiên tai, nhưng khu vực phía Bắc lại có thời tiết khá thuận lợi.
Điều này đã giúp Hải Phòng và các tỉnh lân cận tái tạo nhiều vùng trồng, thâm canh trên những diện tích lúa vụ mùa đã thu hoạch sớm. Những loại rau của Hải Phòng thường là các loại phổ thông, được dùng nhiều như cải, muống, mồng tơi, đay, rút, ngải… và một số loại quả như mướp, đậu, dưa chuột.
Thời điểm này, cải đang là chính vụ, chiếm áp đảo nguồn rau xanh với giá chỉ từ 4.000 đồng đến 6.000 đồng/bó, giảm gần một nửa so với tháng trước. Ngay kể cả những loại rau đã đáo vụ cũng giảm như muống cũng chỉ còn 8.000 đồng/bó, mồng tơi 5.000 đồng/bó…
Nhưng nhìn lại, việc giá rau giảm nhanh và mạnh cũng đang thể hiện không ít bất cập. Dù nguồn rau tại chỗ đang rất dồi dào nhưng kém phong phú về chủng loại, có thời gian thu hoạch ngắn lại khó bảo quản, đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến sự thất thường của thị trường rau xanh lâu nay.
Rau dạng củ - quả leo thang
Bất cập nữa của mặt hàng rau xanh chính là thiếu đồng bộ trong sự tương hỗ giữa các nhóm rau. Thực tế như đã nói ở trên, hiện rau tại Hải Phòng nhiều nhưng chỉ là các giống thuần như cải, muống, mồng tơi… còn các loại củ quả thường được nhập từ các tỉnh lân cận và Trung Quốc đang có giá rất cao.
Ở xã Tú Sơn (Kiến Thụy), vốn là một trong những vùng trồng rau xanh lớn nhất thành phố, thì theo một nông dân cho biết, bà con ở đây cũng chỉ dự kiến trồng các loại rau vụ đông dễ canh tác, đầu tư thấp như bắp cải, su hào, súp lơ… Còn các loại rau dạng củ quả ít được quan tâm.
Tìm hiểu nguyên nhân này, được biết các loại củ quả có tính chuyên canh, thời gian tăng trưởng kéo dài, vốn đầu tư cả giống và nguyên liệu phụ trợ (giàn tre dóc) đều cao. Trong khi vì phải cạnh tranh với các nguồn hàng khác nên giá mặt hàng này rất thất thường.
Đây có thể là điều đáng tiếc cho thị trường thành phố, vì trước kia Hải Phòng có khá hiều vùng trồng củ quả với đủ các loại bí đao, khoai tây, dưa chuột… Nhưng hiện nay, hầu hết các vùng đất màu của huyện An Dương đã được chuyển sang trồng cây cảnh, một phần lớn của Tiên Lãng, Vĩnh Bảo trồng ớt xuất khẩu, còn An Lão cũng như Kiến Thụy chuyển sang cây ngắn ngày.
Rõ ràng, sự cạnh tranh nguồn cung cấp đang có vấn đề, đơn cử như ngay tại thời điểm này, khi nhiều loại củ quả ngoài thị trường cao giá, thì hàng hóa cùng loại tại các siêu thị có phần rẻ và ngon hơn, như cà rốt Trung Quốc ở siêu thị chỉ bình quân 12.000 đồng/kg, hành tây Trung Quốc 11.000 đồng/kg…
Mặc dù vậy, ở phân khúc trái cây, thị trường Hải Phòng đang rất phong phú nhờ nguồn cung dồi dào, nhất là các loại cam, quýt, táo được nhập ở các vùng cao phía Bắc và Trung Quốc, giá phải chăng thu hút sự quan tâm của nhiều người tiêu dùng thu nhập thấp.
Gạo tăng giá do mất mùa?
Ở một diễn biến khác, giá một số loại gạo thời gian qua tăng với mức bình quân 8%. Nhóm tăng mạnh chủ yếu là gạo đặc sản như tẻ tám thơm, hương lài sữa, dự… kế đến là loại bình dân như tẻ bắc hương, tẻ BC… Trong khi nhóm gạo giá rẻ dùng làm nguyên liệu hoặc hàng ăn vỉa hè như tẻ si-tạp giao vốn rất ổn định cũng tăng khoảng 5%.
Điều đáng mừng là lượng tiêu thụ gạo ngon khá chậm, mà lượng lớn vẫn tập trung vào gạo giá rẻ, nên cơ bản không ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Về nguyên nhân giá gạo tăng, một số chủ đại lý cho biết, gạo tẻ bắc hương, BC, si, tạp giao… là sản phẩm chính của các vùng nông nghiệp phía Bắc. Vụ lúa mùa năm nay sản lượng thấp hơn nhiều so với các vụ khác, nên giá tăng là điều dễ hiểu. Trong khi đó, nguồn gạo ngon chủ yếu từ phía Nam cũng bị ảnh hưởng của mưa bão, và hiện cũng đang được thu gom phục vụ các hợp đồng xuất khẩu cuối năm, khiến giá tăng cao hơn.
Dù có nhiều thay đổi, nhưng thị trường rau củ quả cũng như lương thực đang có tác động tích cực, theo ý kiến của nhiều người, mức giá như hiện nay cũng như tỷ lệ tiêu thụ hài hòa cho cả người sản xuất và người tiêu dùng. Đây là tín hiệu tốt, tuy nhiên rất có thể xu hướng xấu sẽ tái xuất hiện, nên thị trường vẫn tiềm ẩn nhiều điều khó dự báo.
Giá thịt lợn đang ở mức rất cao
Ảnh hưởng tiêu cực của lợn thịt
Cũng liên quan đến nông sản, nỗi lo lớn nhất cho thị trường tại thời điểm này thuộc về giá lợn thịt. Khảo sát tại khu vực nội thành, giá thịt lợn đang tăng theo ngày, hiện giá thịt bình quân đang ở mức 130 nghìn đồng/kg, cao gấp 1,5 lần giá bình quân cùng thời điểm năm trước.
Trong khi giá lợn hơi cũng lập kỷ lục khi vượt mốc 65 nghìn đồng/kg, đây là mức giá cao nhất từ trước đến nay đối với cả lợn hơi và thịt đã giết mổ.
Do thịt lợn là loại thực phẩm quá phổ biến, nên khi mặt hàng này tăng giá cao, nhiều người dân đã phải tìm đến những loại thực phẩm khác thay thế. Điều này đã khiến giá các loạt thịt như trâu, bò, gia cầm, thủy sản và kể cả hàng đông lạnh đều tăng, với mức từ 10 đến 25% so với tháng trước.
Bên cạnh đó, các sản phẩm chế biến từ nguyên liệu thịt lợn như giò, chả, thực phẩm ăn nhanh… đều tăng tương ứng theo tỷ lệ tăng của lợn thịt. Nhưng đáng lo nhất, không chỉ tăng giá chóng mặt mà nguồn cung lợn thịt đang ở mức báo động, dù vừa qua ngành chức năng đã có động thái ngăn chặn nguồn lợn xuất sang Trung Quốc.
Vấn đề ở chỗ, cho dù lợn không bị thu gom xuất khẩu tiểu ngạch, thì nguồn cung trong nước cũng đã cạn kiệt, do tác động kép đối với mặt hàng này thời gian qua, nhất là ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi.
Việc khan hiếm và tăng giá đang nghiêng nhiều về giả thiết mất cân đối cung cầu, nghĩa là trước mắt thị trường chưa thể tự điều chỉnh.
Rõ ràng, diễn biến thị trường cho thấy một làn sóng mới khó lường liên quan đến giá lợn thịt đang hiển hiện, khi điểm rơi của thị trường là tết Nguyên đán đã đến rất gần.
LÊ MINH THẮNG
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về dịch vụ nổ mìn
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết