Phật giáo xứ Đông trong dòng chảy văn hóa dân tộc

14:02 06/12/2023

Văn hóa Phật giáo xứ Đông có lịch sử hình thành khá sớm và phát triển liên tục. Nhiều nhà nghiên cứu đã cho rằng xứ Đông, đặc biệt Hải Phòng là nơi đầu tiên đón nhận Phật giáo truyền vào nước ta. Do vậy, bề dầy trầm tích các di sản của Phật giáo xứ Đông và Hải Phòng là rất lớn. Đây là một nguồn tài nguyên đồ sộ, vô cùng quí giá rất cần bảo tồn và phát huy giá trị trên nhiều phương diện khác nhau.

Xứ Đông nằm ở phía Đông của Kinh thành Thăng Long xưa với hạt nhân là trấn Hải Đông, nay là tỉnh Hải Dương. Phạm vi văn hóa Xứ Đông bao gồm một vùng rộng lớn ở đồng bằng sông Hồng, ngày nay thuộc Hải Dương, Hải Phòng và một phần đất thuộc các tỉnh Quảng Ninh và Hưng Yên. Xứ Đông từng là trung tâm kinh tế- văn hóa sôi động bậc nhất của nước Đại Việt. Trong đó có thể coi Quảng Ninh ( Đông Triều- Uông Bí ) là kinh đô Phật giáo, trung tâm văn hóa nước Đại Việt thời Trần.

Cùng với sự phát triển của mình, văn hóa Phật giáo xứ Đông có lịch sử rất sớm và phát triển liên tục đến bây giờ. Căn cứ vào bản ghi chép trên văn bia còn để lại thì chùa Dư Hàng Kênh (quận Lê Chân, Hải Phòng) có từ thời tiền Lê; các chùa - tháp Tường Long (Đồ Sơn - Hải Phòng), chùa Quỳnh Lâm (Đông Triều - Quảng Ninh) có niên đại khởi dựng từ thời Lý (thế kỷ 11 - 13), chùa Côn Sơn, Thanh Mai (Chí Linh - Hải Dương) có từ thời Trần (thế kỷ 13-14)...  

Theo PGS.TS. Chu Văn Tuấn -Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Phật giáo Hải Phòng có lịch sử lâu đời gắn liền với những ngôi chùa cổ có lịch sử hàng nghìn năm, thậm chí xa hơn nữa như chùa Hang, chùa Bảo Quang, chùa Dư Hàng, chùa Đót, chùa Tường Long… với những dấu tích gắn với quá trình du nhập, phát triển của Phật giáo Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử. Thuộc về Phật giáo xứ Đông, do vậy Phật giáo Hải Phòng mang những đặc điểm, bản sắc khá riêng. Chính điều đó đã tạo nên một bề dầy lịch sử với những di sản văn hoá vật thể, phi vật thể phong phú, đa dạng và rất có giá trị. Những giá trị đó đã đóng góp quan trọng cho sự phát triển của đất nước qua các triều đại cũng nhưng những đóng góp cho lịch sử Phật giáo Việt Nam là cơ sở, tiền đề cho Phật giáo Hải Phòng hôm nay tiếp tục kế thừa, phát triển.

Toàn cảnh chùa Long Hoa nhìn từ trên cao (ảnh sưu tầm)

Qua thống kê, trên địa bàn thành phố hiện có 619 chùa, trong đó có 33 chùa được xếp hạng di tích quốc gia, 127 chùa là di tích cấp thành phố. Trong số này, dấu ấn kiến trúc, nghệ thuật đậm nét nhất là thời kỳ nhà Mạc, Lê Trung Hưng và nhà Nguyễn với 3 bảo vật quốc gia là: Tượng Thái tổ Mạc Đăng Dung, phù điêu Thái hoàng Thái Hậu Vũ Thị Ngọc Toàn, chuông chùa Vân Bản (niên đại thế kỷ XIII đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia). 

Lưu giữ rất nhiều di sản về văn hóa, những năm qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố đã rất quan tâm đến việc bảo tồn, phát huy những giá trị quý báu đó của Phật giáo Hải Phòng. Công tác trùng tu, tôn tạo, phục dựng những ngôi chùa cổ, những dấu tích xưa đã được các cấp, ngành chức năng tích cực nghiên cứu, nhận diện, bảo tồn. Nhiều hiện vật như tượng phật, kinh sách, bia ký, chuông… đã được sưu tầm, bảo quản. Đặc biệt, ngôi chùa Tháp Tường Long nổi tiếng tại Đồ Sơn đã được phục dựng lại năm 2017, mang dáng dấp của tháp xưa do vua Lý Thánh Tông xây dựng vào thế kỷ XI. Đây là những nguồn tài nguyên cực quý giá trong bảo tồn văn hóa của quốc gia cũng như là các sản phẩm du lịch tâm linh của thành phố thu hút khách du lịch tới tham quan, vãn cảnh.

Một điều đáng nói nữa là, suốt trong giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cùng với cả nước, Phật giáo xứ Đông đã đóng góp người và của, hết mình vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Nhiều tăng ni thành phố Cảng đã “cởi áo cà sa khoác chiến bào ra trận” chiến đấu anh dũng hi sinh và đã được vinh danh liệt sĩ.

Chùa tháp Tường Long (Đồ Sơn) nhìn từ trên cao  

Có thể khẳng định, di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam nói chung và văn hóa Phật giáo xứ Đông nói riêng đã đóng góp xứng đáng vào kho tàng di sản văn hóa phong phú và độc đáo của dân tộc và ngày càng chiếm giữ vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần người dân cả nước. Và như một phần không thể thiếu của cuộc sống xã hội, Phật giáo xứ Đông không chỉ trường tồn mà cùng với thời gian ngày càng biến đổi, phát triển liên tục trong một sứ mệnh, khơi dậy mạnh mẽ những nét đẹp văn hóa truyền thống đạo đức, lối sống, tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng vươn tới phồn vinh, hạnh phúc. 

Để làm rõ hơn những đóng góp to lớn đó của Phật giáo xứ Đông, Hội thảo “Phật giáo xứ Đông trong dòng chảy văn hóa dân tộc” do Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hải Phòng và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố sẽ được phối hợp tổ chức tại chùa Long Hoa (huyện An Lão) vào ngày 1/12/2023. Chùa Long Hoa tọa lạc tại khu Di tích lịch sử Núi Voi, thuộc thôn Chi Lai, xã Trường Thành, huyện An Lão, TP Hải Phòng. Theo các tư liệu còn lưu giữ, chùa được xây dựng từ thời nhà Lý - một triều đại Phật giáo thịnh vào bậc nhất trong lịch sử nước nhà, cùng thời với tháp Tường Long ở Đồ Sơn, hợp thành một trung tâm Phật giáo của quốc gia Đại Việt.

Tương truyền, chùa Long Hoa do Thánh Tổ Non Đông - sư Tổ chùa Muống, Hải Dương xây dựng. Trải qua thời gian và chiến tranh, chùa nay được phục dựng trở thành nơi tu học, sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh của phật tử khắp mọi miền đất nước.

TRUNG KIÊN 

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông