15:40 16/12/2022 Dường như năm nào cũng vậy, trước thời điểm tết Nguyên đán, vấn đề bình ổn thị trường lại được nhắc đến như một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhất. Tuy nhiên trên thực tế diễn ra cũng nhiều năm qua, câu chuyện về biến động thị trường có lẽ phát sinh nhiều hơn và có phần khó kiểm soát thường thuộc về khu vực chợ truyền thống. Đây cũng là nơi diễn ra hoạt động thương mại với lưu lượng rất lớn, với lợi thế năng động, linh hoạt mà hệ thống các trung tâm thương mại hiện đại không có được.
Đồng hành cùng sinh hoạt cộng đồng
Theo một báo cáo thống kê, toàn thành phố có tổng số 154 chợ các loại, trong đó hạng một có 7 chợ, hạng hai có 16, hạng ba có 115, còn lại là chợ tạm, chiếm diện tích khoảng 413.229m2. Về bản chất, đây là hoạt động tất yếu theo nhu cầu trao đổi hàng hóa, tiêu dùng tồn tại và phát triển theo thời gian, trong một số văn bản được gọi là thương mại truyền thống.
Hầu hết tham gia lĩnh vực thương mại này đều là kinh doanh nhỏ lẻ, mà cũng theo số liệu thống kê hiện các chợ có gần 13 nghìn hộ kinh doanh, dịch vụ, chiếm 40% tổng số hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn thành phố.
Đánh giá của các cơ quan chức năng cho thấy, mảng thương mại trong khu vực chợ truyền thống vẫn mang nặng tính tự phát, trong khi công tác điều hành quản lý nhà nước chưa chặt chẽ, chưa có sự phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành, đơn vị và địa phương.
Các mô hình bán lẻ vẫn theo lối cũ, gắn với nền sản xuất hàng hóa nhỏ lẻ, hệ thống lưu thông từ nơi phát luồng đến nơi tiêu thụ bị cắt thành nhiều tầng nấc, bộc lộ nhiều bất cập.
Tựu trung lại, thì khu vực thương mại truyền thống có 3 hạn chế cần phải giải quyết, cụ thể là: hoạt động kinh doanh còn yếu từ khâu tổ chức, thiết lập mạng lưới bán hàng; cơ sở hạ tầng và trang thiết bị phục vụ phát triển mạng lưới tiêu thụ lạc hậu; nguồn nhân lực phục vụ thiếu kinh nghiệm trong điều kiện kinh tế thị trường.
Trên thực tế, những bất cập nêu trên không phải mới được nhắc đến, nhưng nó thực sự rõ ràng kể từ khi các mô hình thương mại hiện đại (siêu thị) xuất hiện. Mặt khác, một trong những điểm yếu mà thương mại truyền thống mắc phải không thể không đề cập, đó là văn hóa kinh doanh.
Đơn cử, về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, về niêm yết giá đã được pháp luật quy định mấy chục năm nay, nhưng ít được thực thi nghiêm túc ở chợ truyền thống.
Thực tế là các hộ kinh doanh hoặc không thực hiện, hoặc niêm yết một đằng bán một nẻo, mà vẫn chọn hướng “mặc cả” làm phương thức phổ biến. Ví dụ để mua được một mặt hàng bên ngoài, người sành sỏi cũng phải đi mất vài cửa hàng khảo giá mới mua được giá chuẩn, người không sành dễ bị giá cao, chưa kể không an tâm về nguồn gốc.
Trong khi đó, đối với người kinh doanh,việc việc hình thành giá bán hoặc bị kích bởi thông tin nhiễu, hoặc quá lệ thuộc vào giá nhập vào mà không chịu “lão hóa sản phẩm”, dù sản phẩm đó đã bị hao mòn hay lỗi thời, nên rất ít hộ tư thương dám bán phá giá một sản phẩm còn nguyên vẹn đã tồn đọng quá lâu.
Vấn đề gian lận tại khu vực thương mại truyền thống cũng vẫn là vấn nạn, nhiều sản phẩm khác bị quá hạn sử dụng vẫn bày bán, rồi bán lẫn hàng giả, hàng nhái đánh lừa người tiêu dùng.
Mặt khác, trách nhiệm và điều kiện bảo quản hàng hóa khu vực truyền thống đều bộc lộ bất cập, hàng “dùng” dễ bị biến dạng, còn hàng “tiêu” như thực phẩm hầu hết không có thiết bị bảo ôn nên không đảm bảo chất lượng.
Cần đổi mới trước môi trường cạnh tranh khốc liệt
Cách đây gần 30 năm, những siêu thị đầu tiên xuất hiện tại Hải Phòng đã đem đến mô hình kinh doanh rất mới, phân khúc trên cả hai lĩnh vực bách hóa và chuyên doanh.
Giờ đây về bách hóa, đang chiếm giữ vị thế quan trọng là các thương hiệu Aeon Mall, Go (BigC cũ), Co-opMart, MM Mega Market… Còn về chuyên doanh chủ yếu trên mảng hàng hóa điện tử như Nguyễn Kim, MediaMart, Pico, Thegioididong, Điện máy xanh, Samnec, CPN...
Thống kê đến thời điểm này, trên địa bàn thành phố có 25 hệ thống siêu thị. Tuy nhiên, dù phát triển tốt nhưng hệ thống này chưa đáp ứng được yêu cầu tiêu dùng của cả thành phố, điều tích cực là đã hình thành một hướng đi mới, mà khu vực thương mại truyền thống nếu không thay đổi sẽ rất khó tồn tại.
Bởi mấy năm trước, khi các siêu thị chưa thực sự tiếp cận với đại chúng người tiêu dùng, chênh lệch giá giữa khu vực này và thị trường truyền thống còn khá lớn, việc mua sắm tại các siêu thị được coi là một chuyện xa xỉ.
Thì nay, gió đã đổi chiều, trong điều kiện kinh tế khó khăn, với các mục tiêu cạnh tranh hướng tới số đông, siêu thị ngày càng bình dân, thị trường truyền thống càng bộc lộ sự tụt hậu.
Mặt khác, trong khi khu vực thương mại hiện đại được đầu tư lớn, áp dụng phương pháp quản lý tiên tiến, điều chỉnh cung ứng linh hoạt, coi trọng văn hóa kinh doanh. Thì thương mại truyền thống vẫn còn mang nặng tính ngẫu hứng, bảo thủ, chộp giật, giạn lận công khai và khó nhất là nguồn đầu tư bị xé nhỏ.
Thử nhìn vào hệ thống các chợ từng nổi tiếng như Tam Bạc, An Dương… là những khu được đầu tư rất lớn, cơ sở hạ tầng không thể nói là thua kém so với các siêu thị. Nhưng việc quá tận thu mặt bằng, không gian, chi phí khác đã biến bộ mặt thương mại ở đây thành nhếch nhác, khó quản lý về hàng hóa cũng như lưu thông, không đảm bảo các yêu cầu về môi trường và an toàn khác.
Như đã nói ở trên, trong một giai đoạn nhất định các siêu thị chưa tiếp cận được với đại chúng người tiêu dùng, phần lớn là do chênh lệch về giá. Thương mại truyền thống giữ được ưu thế là giá linh hoạt, thay đổi thường xuyên theo mức độ cung cầu, phục vụ cơ bản tâm lý người tiêu dùng.
Mặt khác, hầu hết các mặt hàng nông sản thực phẩm khu vực này được khai thác đa nguồn, nên giá bán cũng rẻ hơn các khu vực tập trung. Nhưng hiện điều này cũng đang dần được thay đổi, ví dụ một chiếc máy tính hoặc điện thoại, giá bán tại các trung tâm lớn như hiện rẻ hơn các cửa hàng lẻ nhỏ, chế độ chăm sóc cũng tốt hơn mà người tiêu dùng hoàn toàn yên tâm về nguồn gốc.
Sự cạnh tranh đã rõ, điều khiến cho thương mại truyền thống tồn tại được hiện nay, có lẽ là do thương mại hiện đại chưa đáp ứng được yêu cầu về lượng và mức độ linh hoạt. Đây có lẽ cũng chính là cơ hội để kết cấu lại thị trường, định hình hướng đi để chợ truyền thống hoạt động hiệu quả hơn, tham gia chủ động vào công tác bình ổn thị trường.
Điều này có lẽ rất quan trọng, không chỉ đối với những dịp cuối năm mà cần trở thành thường xuyên, liên tục, thực sự khẳng định là một phần ngành kinh tế đóng góp vào công cuộc phát triển chung.
Lê Minh Thắng
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết