Phát huy vai trò của ngành Xi măng trong sự nghiệp CNH - HĐH đất nước

09:34 11/09/2022

Tại hội thảo khoa học: “Sự phát triển của ngành Xi măng Việt Nam trong sự nghiệp CNH- HĐH đất nước”, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định: ngành Xi măng có vai trò, vị thế quan trọng trong quá trình xây dựng, bảo vệ đất nước và tiếp tục là một trong những ngành công nghiệp cơ bản của Việt Nam, góp phần đắc lực vào sự nghiệp CNH- HĐH. Bởi thế, xây dựng ngành Xi măng phát triển lớn mạnh, bền vững, thân thiện với môi trường tiếp tục được Chính phủ; các doanh nghiệp xi măng tập trung thực hiện.

                                                                        Từ cái nôi Nhà máy xi măng Hải Phòng

          Thành phố Hải Phòng và ngành Xi măng Việt Nam tự hào vì từ một đơn vị ban đầu là Nhà máy xi măng Hải Phòng- nhà máy xi măng duy nhất ở Đông Dương thời thuộc địa, ngành Xi măng Việt Nam đã nhanh chóng phát triển lớn mạnh, mở rộng quy mô, nâng cao công suất, góp phần đắc lực vào sự phát triển của đất nước. Càng tự hào hơn khi ngày 30-5-1957, Nhà máy xi măng Hải Phòng vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm. Người dặn dò cán bộ, công nhân ngành Xi măng phải tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, tôn trọng và chấp hành nghiêm kỷ luật lao động; ra sức học tập, trau dổi văn hóa, chính trị và kỹ thuật; đoàn kết, thật thà phê bình và tự phê bình.

                            

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo thành phố Hải Phòng tại hội thảo khoa học về sự phát triển của ngành Xi măng trong sự nghiệp CNh-HĐH đất nước

          65 năm qua, thực hiện những lời căn dặn của Bác, tập thể cán bộ, công nhân lao động ngành Xi măng Việt Nam luôn nêu cao tinh thần thi đua ái quốc, trung dũng, đoàn kết, kiên cường , nỗ lực vượt khó, tự lực, tự cường, cần cù, sáng tạo và đạt được những thành tựu phát triển to lớn. Đặc biệt, trong hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, ngành Xi măng Việt Nam luon là lực lượng đi đầu, phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, luôn tích cực đề ra nhiều sáng kiến, tìm kiếm các giải pháp kỹ thuật, các mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả, có những bước chuyển mình mạnh mẽ, đồng hành cùng đất nước trong tiến trình đẩy mạnh CNH-HĐH.

       Theo đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, đó là sự thích ứng nhanh chóng, hiệu quả, năng động với cơ chế thị trường, đưa ngành xi măng từng bước vươn lên, tạo nền tảng vững chắc của ngành công nghiệp xây dựng Việt Nam. Đây cũng là quá trình chuyển đổi căn bản, toàn diện, thành công mô hình quản lý, hoạt động sản xuất kinh doanh theo hướng quản trị hiện đại; là sự thay đổi mạnh mẽ mang tính đột phá sang sử dụng công nghệ thiết bị mới, hiện đại. Nhờ vậy, ngành Xi măng đã thực hiện thành công việc thay thế nhập khẩu, tiến tới đẩy mạnh xuất khẩu và hội nhập quốc tế với nhiều sản phẩm đa dạng, đáp ứng chuẩn mực của các nước phát triển và nhu cầu ngày càng phong phú của thị trường trong nước và quốc tế.   

        Công suất, sản lượng của ngành Xi măng từ 4,4 triệu tấn những năm đầu đổi mới tăng lên 107 triệu tấn năm 2021, đưa Việt Nam nằm trong 5 nước đứng đầu thế giới về năng lực xi măng (sau Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Nga). Năm 2021, xuất khẩu xi măng và clinker đạt gần 45 triệu tấn với giá trị 2,1 tỷ USD, là giá trị xuất khẩu cao nhất từ trước tới nay. Ngành Xi măng cũng luôn hoàn thành xuất sắc trách nhiệm xã hội; chăm lo chu đáo cho người lao động.

                                          

Sản xuất xi măng tại Công ty xi măng VICEM Hải Phòng

       Đối với Công ty xi măng VICEM Hải Phòng, từ đầu năm 2006 đến giữa năm 2022 đã sản xuất 17,24 triệu tấn clinker; sản xuất và tiêu thụ 28,35 triệu tấn sản phẩm; doanh thu đạt hơn 26.073 tỷ đồng; nộp ngân sách gần 1000 tỷ đồng; lợi nhuận năm 2021 đạt 78 tỷ đồng, năm 2022 phấn đấu đạt 82 tỷ đồng; thu nhập của người lao động từ 1,5 triệu đồng/tháng nay đạt gần 20 triệu đồng/tháng…

          Có thể khẳng định, trong từng cây cầu, công trình giao thông đô thị, nông thôn, những tòa nhà cao ốc, trụ sở, cơ quan của Nhà nước, doanh nghiệp, của nhân dân đều có dấu ấn của ngành Xi măng Việt Nam. Đặc biệt, sự phát triển của ngành Xi măng gắn liền với sự lớn mạnh của giai cấp công nhân Việt Nam, nơi đã đào tạo, bồi dưỡng nhiều thế hệ cán bộ tài năng, trưởng thành, nắm giữ những trọng trách lớn của Đảng và Nhà nước; cả ở Trung ương và các địa phương.

                                                                  Sẵn sàng vượt qua mọi thử thách

          Tuy nhiên, ngành Xi măng Việt Nam cũng đang đứng trước những khó khăn, thử thách to lớn. Hiện cả nước có 90 dây chuyền sản xuất xi măng với năng lực sản xuất 122 triệu tấn/năm, dẫn tới thị trường xi măng ở trong tình trạng cung vượt cầu khá cao. Bên cạnh đó là những áp lực tăng chi phí nguyên vật liệu đầu vào, nhất là giá than, giá nhiên liệu; lợi nhuận sụt giảm và tính cạnh tranh gia tăng khi các nhà máy mới đi vào sản xuất… Dự kiến đến năm 2030, cả nước có 109 dây chuyền sản xuất xi măng với tổng công suất 140,35 triệu tấn/năm, tạo nguồn cung xi măng rất lớn.

          Mặc dù vậy, ngành Xi măng cũng đang đứng trước những cơ hội phát triển khá rộng mở. Đó chính là sự phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng và bứt phá của đất nước; là những công trình, dự án được đẩy mạnh triển khai. Thị trường xuất khẩu xi măng cũng hứa hẹn nhiều tiềm năng. Các doanh nghiệp xi măng đã xác định rõ sứ mệnh lịch sử của mình trong sự phát triển của đất nước và hội nhập quốc tế, đã có những kế hoạch cụ thể để thực hiện các định hướng và mục tiêu của Chiến lược phát triển Vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021- 2030, định hướng đến năm 2050 theo QĐ số 1266 ngày 18-8-2020 của Thủ tướng Chính phủ.

                                                

Ngành Xi măng đang có nhiều cơ hội thuận lợi để phát triển

       Theo đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, phát triển ngành công nghiệp xi măng đóng vai trò hết sức quan trọng để tiếp tục đẩy mạnh tiến trình CNH-HĐH, đô thị hóa, bảo đảm QPAN; sẽ tiếp tục đáp ứng yêu cầu của một nước đang phát triển, có công nghieeph theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp để trở thành một nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và sau đó là một nước phát triển, thu nhập cao.

      Điều quan trọng là toàn ngành Xi măng phải thật sự đổi mới tư duy phát triển, nhận thức đầy đủ sâu sắc, vận dụng đúng đắn các quy luật khách quan của kinh tế thị trường, đoạn tuyệt dứt khoát với tư duy quan liêu, bao cấp, cách làm trông chờ, ỷ lại trong việc thực thi chính sách phát triển công nghiệp xi măng quốc gia.

          Được biết, các doanh nghiệp xi măng, trong đó Tổng Công ty xi măng Việt Nam giữ vai trò chủ đạo đang nỗ lực nghiên cứu, ứng dụng KHKT, cải tiến, đổi mới sản xuất, xử lý nút thắt công nghệ, tối ưu vận hành… để phát triển. Các doanh nghiệp đang thực hiện tái cấu trúc toàn diện, tập trung khởi tạo mô hình kinh tế tuần hoàn; nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao năng suất và giảm tiêu hao năng lượng; giảm phát thải ra môi trường; triển khai hệ thống phát điện tận dụng nhiệt khí thải tại các dây chuyền sản xuất xi măng.

        Đồng thời, ứng dụng thay thế một phần nguyên liệu là đá vôi, đất sét trong sản xuất nhằm giảm tối đa việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên, thay thế bằng nguyên liệu lấy từ chất thải của các ngành công nghiệp khác. Đồng thời, thúc đẩy tối ưu hóa sản xuất bằng các giải pháp tự động hóa, số hóa nhà máy và số hóa chuỗi cung ứng, hướng tới mục tiêu ngành xi măng không phát thải, tuần hoàn tự nhiên. Với các giải pháp đó, chắc chắn ngành Xi măng tiếp tục có sự phát triển mạnh mẽ, bền vững, góp phần đắc lực vào công cuộc CNH- HĐH đất nước./.

                                                                                                                                                           Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông